Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc |
Tôi cho rằng hai bài toán hiện nay Hà Nội cần giải quyết triệt để là ùn tắc giao thông và đảm bảo môi trường.
Về việc phát triển cơ sở hạ tầng, tôi hy vọng với các dự án đang triển khai, Hà Nội sẽ giải quyết các bất cập hiện nay, thúc đẩy kết nối tạo động lực phát triển lâu dài.
Bên cạnh đó, Hà Nội cần tiếp tục giãn dân, giảm bớt áp lực với khu vực nội đô. Hà Nội cũng cần giải quyết bài toán về môi trường. Chống bụi, chống tiếng ồn trong xây dựng, trong sản xuất hiệu quả để nâng cao các chất lượng đời sống Nhân dân.
Đây là những vấn đề cần các giải pháp, chính sách căn cơ.
Nhiệm kỳ tới tôi hy vọng với đội ngũ cán bộ mới, trẻ, năng động, góp phần triển khai nhanh, có hiệu quả các giải pháp đề ra để giúp Thủ đô giải quyết cơ bản những vấn đề trên.
Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Hà Nội Bạch Liên Hương |
Những kết quả trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 cho thấy sự quyết liệt và cố gắng rất lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ TP. Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, TP đã đề ra mục tiêu tổng quát, định hướng và tầm nhìn: Đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững...
Tôi cho rằng, mục tiêu đặt ra là rất lớn như vậy mà vẫn phải bảo đảm sự ổn định thì càng cần chăm lo nhiều hơn nữa cho công tác an sinh xã hội. Trong đó, cần có các giải pháp phù hợp, thiết thực để đạt được mục tiêu cụ thể: Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75 - 80%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 55 - 60%; tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 3%; không còn hộ nghèo và hộ tái nghèo theo tiêu chuẩn của TP… Cùng đó, TP cần tiếp tục chăm lo đến người có công, những đối tượng chính sách, chăm lo an sinh xã hội tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội và vị thế của Thủ đô.
Bí thư Quận ủy Tây Hồ Đỗ Anh Tuấn |
Trên cơ sở các chương trình công tác của Thành ủy, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ quận Tây Hồ đã đề ra 6 chương trình, trong đó nội dung quản lý đô thị gồm quy hoạch, cảnh quan đô thị, tuyến phố văn minh đô thị, quản lý xây dựng… Hiện nay, Đảng bộ quận Tây Hồ đang triển khai các công việc cụ thể về quy hoạch 1/500, trên cơ sở quy hoạch 1/2000 đã được Thủ tướng Chính phủ và TP Hà Nội phê duyệt. Trong quá trình lập quy hoạch, Đảng bộ quận đã công khai quy hoạch rộng rãi đến người dân. Quận Tây Hồ cũng dành nguồn lực một cách có hiệu quả để đầu tư hạ tầng cơ sở, hạ tầng giao thông. Song song với đó, quận sẽ hoàn thành toàn bộ các thiết chế nhà văn hóa, khu dân cư; đồng thời cải tạo, chỉnh trang các tuyến phố, vỉa hè đảm bảo cảnh quan cho người dân, phục vụ cho việc phát triển đô thị chung của quận. Đặc biệt, quận sẽ chú trọng quản lý Hồ Tây trên cơ sở 525,6ha đất Hồ Tây để cải tạo các đường xả nước, đảm bảo môi trường nước hồ xanh, sạch, đẹp, góp phần bảo vệ lá phổi xanh của Thủ đô. Các yếu tố để tạo nên văn minh đô thị như kết nối giao thông, cảnh quan môi trường nước, môi trường không khí sẽ tạo diện mạo mới cho quận Tây Hồ trong giai đoạn tới.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện Hoài Đức Nguyễn Đăng Sơn |
Những năm qua, Thành ủy rất quan tâm xây dựng khu vực nông thôn phát triển đồng bộ với khu vực đô thị, trong đó Hoài Đức là một trong 5 huyện đang được Thành ủy phê duyệt đề án xây dựng thành quận trong thời gian đến năm 2025. Từ kết quả Đại hội Đảng bộ TP lần này, chúng tôi kỳ vọng 5 huyện sẽ đạt các tiêu chí lên quận và được các cơ quan có thẩm quyền quyết định được lên quận, đưa đời sống bà con nông dân được nâng lên một bước.
Cùng đó, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đảm bảo dần thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa nông thôn và thành thị.Muốn thu hẹp khoảng cách này, tôi đề xuất trước mắt các huyện cần được đầu tư nhiều hơn về hạ tầng xã hội, hạ tầng kinh tế để giải quyết những khó khăn về công ăn việc làm, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của khu vực nông thôn. Riêng để thúc đẩy nông thôn mới, về các điều kiện hạ tầng ở nông thôn đúng là còn kém khá xa so với khu vực nội đô. TP hiện có một số cơ chế chính sách về kinh phí ngân sách để đầu tư và tập trung một số vấn đề liên quan đến những dự án thuộc thẩm quyền của T.Ư, TP trên địa bàn nên cần được đẩy nhanh triển khai. Từ đó, hy vọng thời gian tới huyện Hoài Đức tiếp tục được quan tâm hơn về vấn đề này để sớm đạt được mục tiêu theo đúng chỉ đạo của TP.
Chúng tôi cũng kỳ vọng sau Đại hội này, TP sẽ có các giải pháp tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết của T.Ư về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh các vùng nông thôn, tranh thủ sự giúp đỡ của các quận đối với vùng khó khăn để các huyện cùng phát triển, thu dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Trung Liệt, quận Đống Đa Trần Thị Minh Xuân |
Nhiệm kỳ 2015 - 2020 là nhiệm kỳ đầy dấu ấn của Đảng bộ TP Hà Nội. Trong đó có việc đổi mới trong công tác cán bộ. TP đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 39 năm 2015 của Bộ Chính trị bằng những đề án, chương trình hết sức cụ thể.
Qua quá trình triển khai căn cứ vào tình hình thực tế của TP đã giúp bộ máy tinh gọn theo hướng hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn mới đặt ra. Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 là một sự kiện hết sức quan trọng.
Nhân dân Thủ đô kỳ vọng Đại hội thành công và sau Đại hội những chủ trương, biện pháp của nhiệm kỳ mới sẽ làm thay đổi và đưa Nhân dân Thủ đô vào chặng đường phát triển mới, toàn diện. Trong đó, yếu tố con người sẽ là trung tâm.