80 năm cách mạng tháng 8 và Quốc Khánh
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Kỳ vọng về Công viên di sản văn hóa Tô Hiến Thành

Kinhtedothi – Việc xây dựng Công viên di sản văn hóa Tô Hiến Thành (xã Ô Diên, TP Hà Nội) không chỉ giúp phục hồi, lan tỏa các giá trị văn hóa về một nhà chính trị, nhân cách văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XII mà còn tạo sức bật phát triển du lịch địa phương.

Bảo tồn bền vững di sản kép

Xã Ô Diên đang cùng đơn vị tư vấn rà soát, xin ý kiến đóng góp về Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích lịch sử danh nhân Tô Hiến Thành gần với không gian Thành cổ Ô Diên đến năm 2035, tầm nhìn 2050. Đây là nhiệm vụ đã được UBND TP Hà Nội đồng ý về chủ trương tại Văn bản số 9707/VP-KGVX ngày 26/6/2025 của Văn phòng UBND TP và Sở VH&TT Hà Nội đã có văn bản số 2841/SVHTT-QLDSVH ngày 10/7/2025 về thực hiện Văn bản số 9707/VP-KGVX của UBND TP.

Đền Văn Hiến thờ danh nhân Tô Hiến Thành tại xã Ô Diên.

Trước đó, ngày 12/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1569/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó định hướng xây dựng Công viên di sản văn hóa danh nhân Tô Hiến Thành; nghiên cứu phục hồi các di sản văn hóa về vùng đất Ô Diên cổ.

Theo Ban Quản lý dự án xã Ô Diên, Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích lịch sử danh nhân Tô Hiến Thành gần với không gian Thành cổ Ô Diên đến năm 2035, tầm nhìn 2050 với phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch di tích là không gian cảnh quan, các địa danh, địa điểm, địa giới tự nhiên có quan hệ mật thiết trong quá trình hình thành Nhà nước Vạn Xuân, Cố đô Ô Diên và liên quan tới thân thế, sự nghiệp của danh nhân Tô Hiến Thành. Trong đó, tập trung vào hệ thống di tích, di sản và khu vực có liên quan thuộc địa bàn xã Ô Diên.

Phạm vi và quy mô lập quy hoạch di tích là Quần thể di tích lịch sử danh nhân Tô Hiến Thành gắn với không gian Thành cổ Ô Diên bao gồm đền Văn Hiến, chùa Hải Giác, đình Vạn Xuân, miếu Hàm Rồng, đền Tri Chỉ, đền Chính Khí, đình Trúng Đích, chùa Báo Ân.

Quần thể di tích và dòng sông Nhuệ cổ nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Khắc Hiển

Cùng với đó là khu vực bảo tồn cảnh quan sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Hát và các chỉ lưu đoạn qua Thành cổ Ô Diên; không gian cảnh quan văn hóa, lịch sử, các vòng thành và các di tích khảo cổ học dưới lòng đất; các quần cư lâu đời gắn với vùng đất Ô Diên cổ, danh nhân Tô Hiến Thành và từng điểm di tích; các khu vực tổ chức hoạt động phát huy giá trị di tích, khu vực dân cư, tái định cư thuộc phạm vi quy hoạch di tích; kết nối hạ tầng kỹ thuật nội bộ và hệ thống giao thông, hạ tầng chung có liên quan... Quy mô lập quy hoạch dự kiến khoảng hơn 800ha.

Quan điểm lập quy hoạch là bảo tồn vền vững di sản kép, ưu tiên bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử Nhà nước Vạn Xuân (544 - 602) và danh nhân Tô Hiến Thành (1102 - 1179) theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo tính nguyên gốc và xác thực của di sản kép, đặt sinh kế của người dân làm giải pháp cốt lõi trong công cuộc bảo tồn bền vững.

Bên cạnh đó, xây dựng mô hình cộng sinh di sản Cố đô Ô Diên, áp dụng mô hình “cộng sinh di sản” với đặc thù tứ giác nước sông Hồng – Đáy - Nhuệ - Hát, theo nguyên tắc “Mỗi di sản - Một quần cư”, phát huy vị thế Ô Diên trong chuỗi vận khí quốc gia từ Phong Châu, Cổ Loa đến Thăng Long.

Quy hoạch cũng được lập với quan điểm phát triển kinh tế di sản dựa trên hai trụ cột: xây dựng hệ sinh thái kinh tế di sản gắn với Nhà nước Vạn Xuân (thể hiện tinh thần độc lập dân tộc) và Tô Hiến Thành (biểu tượng trung thần tài năng), phát triển công nghiệp văn hóa đặc trưng vùng cố đô.

Nhiệm vụ xuyên suốt, sứ mệnh của xã Ô Diên

Hạ Mỗ - Ô Diên là mảnh đất địa linh nhân kiệt. Thế kỷ thứ VI, Thành cổ Ô Diên được Lý Phật Tử xây dựng và định đô của Nhà nước Vạn Xuân. Đây cũng là nơi sinh ra Tô Hiến Thành (hiệu là Phi Diên, sinh năm 1102) một nhà chính trị có tài, văn võ song toàn, vệ đạo, bảo dân, trung quân, ái quốc, nổi tiếng là công minh chính trực, đã giúp vua dẹp loạn trong nước, chống quân xâm lược.

Đền Văn Hiến thờ danh nhân Tô Hiến Thành là địa chỉ giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho người dân xã Ô Diên.

Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tô Hiến Thành là một danh nhân văn hóa kiệt xuất của dân tộc. Nhìn một cách tổng thể, kết tinh cao nhất danh nhân Tô Hiến Thành là nhân cách văn hóa, trung với đất nước, với vua và với sự phát triển của quốc gia dân tộc, một cuộc đời trong sáng như pha lê.

Chính vì thế, Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích lịch sử danh nhân Tô Hiến Thành gần với không gian Thành cổ Ô Diên đến năm 2035, tầm nhìn 2050 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ tôn vinh những cống hiến to lớn của danh nhân Tô Hiến Thành đối với lịch sử, văn hóa Việt Nam mà phát huy vốn di sản quý giá của địa phương, thúc đẩy công nghiệp văn hóa.

Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích lịch sử danh nhân Tô Hiến Thành gần với không gian Thành cổ Ô Diên đã xác định rõ mục tiêu nhận diện đầy đủ giá trị của Cố đô Ô Diên gắn với sự hình thành của Nhà nước Vạn Xuân. Cùng với đó là vai trò, tầm vóc của danh nhân Tô Hiến Thành trong lịch sử dân tộc; hoàn thiện hệ thống hồ sơ, dữ liệu làm cơ sở chuyển đổi số và tự động hóa trong quản lý.

Đồng thời hoàn thiện mô hình, mô thức bảo tồn di sản gắn với phát triển bền vững; sử dân tộc; tạo cho khu vực trung tâm Cố đô Ô Diên trở thành một trong các hạt nhân, động lực thực hiện các chiến lược phát triển đô thị, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản và du lịch Thủ đô Hà Nội.

Cụm di tích là nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc của địa phương.

Nhiệm vụ quy hoạch cũng nhằm bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quần thể di tích trung tâm, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, không gian, cảnh quan văn hóa Cố đô Ô Diên; định hình Công viên văn hóa lịch sử danh nhân Tô Hiến Thành, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể; giáo dục giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa địa phương. Đặc biệt khơi dậy các nguồn lực và tài nguyên, chuyển hóa các di sản thành động lực tăng trưởng mới, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chủ tịch UBND xã Ô Diên Đỗ Chí Hưng cho biết, trong thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã Ô Diên sẽ tiến hành thực hiện các nhiệm vụ lập dự án khơi thông dòng sông Nhuệ, xây dựng Công viên di sản văn hóa danh nhân Tô Hiến Thành, lập hồ sơ đề nghị Ủy ban UNESCO công nhận danh nhân Tô Hiến Thành là danh nhân văn hóa thế giới. Đồng thời đề nghị nâng hạng cụm di tích đền Văn Hiến, đình Vạn Xuân, chùa Hải Giác, miếu Hàm Rồng, đền Chính Khí, đền Chi Trỉ là di tích quốc gia đặc biệt.

Mới đây, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Ô Diên cũng đã cho ý kiến về Nhiệm vụ lập Quy hoạch Công viên di sản văn hóa Tô Hiến Thành; Dự án mở rộng, khôi phục dòng chảy tạo cảnh quan môi trường hệ thống kênh tiêu thoát nước kết nối từ sông Hồng qua miếu Hàm Rồng, đền Văn Hiến chảy ra sông Pheo, sông Nhuệ.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ô Diên Nguyễn Văn Đức cho biết: “Xã Ô Diên xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, sứ mệnh của xã trong thời gian tới nhằm bảo tồn, phát huy giá trị cụm di tích, di sản văn hóa cha ông để lại, tránh tác động của đô thị hóa, nhất là trong bối cảnh Sở Quy hoạch – Kiến trúc đang triển khai làm quy hoạch phân khu đô thị”.

Dòng sự kiện:
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Khánh thành Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Phạm Văn Cường tại Điện Biên

Khánh thành Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Phạm Văn Cường tại Điện Biên

23 Jul, 01:46 PM

Kinhtedothi - Nhân dịp Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và hướng tới Ngày truyền thống lực lượng Công an Nhân dân, ngày 23/7, Công an tỉnh Điện Biên tổ chức lễ khánh thành công trình Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Phạm Văn Cường - người chiến sĩ Công an Nhân dân đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, để bảo vệ cuộc sống bình yên cho Nhân dân.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ