Kỳ vọng xuất khẩu thủy sản phục hồi

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tác động kép của lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến xuất khẩu thủy sản Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023 sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Dự báo, ngành hàng này sẽ phục hồi vào cuối năm khi lượng đơn hàng xuất khẩu đang tăng dần

Nhiều mặt hàng thủy sản chủ lực sụt giảm mạnh

Thông tin từ Bộ NN&PTNT, 5 tháng năm 2023, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực đều ghi nhận mức sụt giảm mạnh. Đơn cử như, xuất khẩu cá tra chỉ thu về 690 triệu USD, giảm 40,7%; tôm đạt 1,22 tỷ USD, giảm 34,4% so với cùng kỳ năm 2022.

5 tháng năm 2023, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực đều ghi nhận mức sụt giảm mạnh. Ảnh minh họa
5 tháng năm 2023, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực đều ghi nhận mức sụt giảm mạnh. Ảnh minh họa

Đáng chú ý, trong tháng 5/2023, giá tôm nguyên liệu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng giảm đối với cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng do xuất khẩu chậm, trong khi lượng thu hoạch tăng cao dẫn đến cung vượt cầu.

Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Thị Thu Sắc cho biết, xuất khẩu tôm sang các thị trường chính đều giảm từ 28 - 50%. Cụ thể, Mỹ giảm 44%, EU giảm 49%, Trung Quốc giảm 25%.

Bên cạnh những khó khăn từ tác động kinh tế, ảnh hưởng tới sức mua từ các thị trường nhập khẩu chính thì tôm của Ecuador, Ấn Độ và Indonesia đang áp đảo tôm Việt trên thị trường khiến các doanh nghiệp lo lắng khả năng cạnh tranh giá thành nuôi tôm.

Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh minh họa
Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh minh họa

Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản An Khoa (Cà Mau) Trần Văn Trung chia sẻ: 5 tháng đầu năm, doanh số nhập khẩu tôm các loại của Trung Quốc là hơn 3 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, Trung Quốc đã giảm khoảng 24,9% sản lượng nhập khẩu tôm từ Việt Nam. Trong khi đó, lượng tôm của các nước láng giềng nhập từ Ecuador, Ấn Độ lại tăng đột biến.

Ước tính, nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào Trung Quốc chỉ đứng thứ 11, và là quốc gia bị Trung Quốc giảm mua nhiều nhất. Nguyên nhân chính do giá tôm của Việt Nam quá cao. Hiện, giá thành tôm Việt Nam đang ở mức 4,8 - 5 USD/kg, cao hơn 100% so với Ecuador (2,3 - 2,4 USD/kg), cao hơn 30% so với Ấn Độ (3,4 - 3,8 USD/kg).

Tương tự với mặt hàng cá tra, hiện giá nguyên liệu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục xu hướng giảm trong tháng 5/2023 do nhu cầu thị trường nhập khẩu ở mức thấp. Lý giải về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Sắc cho hay: Xuất khẩu cá tra giảm mạnh tại nhiều thị trường do hậu quả của lạm phát kéo dài và lượng hàng tồn kho của các nhà bán lẻ tại thị trường nhập khẩu.

Người nuôi và doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức do chi phí nguyên liệu và các đầu vào khác tăng cao, lợi nhuận giảm mạnh, thiếu vốn đề quay vòng sản xuất kinh doanh.

Nỗ lực đạt mục tiêu 10 tỷ USD

Báo cáo phân tích ngành thủy sản, Công ty chứng khoán VNDirect kỳ vọng xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm 2023 sẽ hồi phục khi nhu cầu tiêu thụ của 3 thị trường chính gồm: Mỹ, EU và Trung Quốc có dấu hiệu tăng.

Cụ thể, tại thị trường Mỹ, sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2023 do lạm phát hạ nhiệt, mức tồn kho giảm và nhu cầu cao phục vụ dịp lễ cuối năm. Điều này giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ trong nửa cuối năm 2023 sẽ tăng 40 - 50% so với cùng kỳ.

Tại thị trường EU, tiêu thụ cá tra tiếp tục cải thiện và ổn định trong nửa cuối năm nay. Lạm phát ở EU vẫn ở mức cao trong khi nguồn cung các loại cá thịt trắng khác bị ảnh hưởng bởi xung đột Nga - Ukraine, cá tra Việt Nam vẫn rộng cửa ở thị trường này.

Riêng thị trường Trung Quốc, VNDirect dự báo xuất khẩu thủy sản sang thị trường 1,4 tỷ dân này sẽ không tăng trưởng mạnh so với nửa đầu năm nay.

Nhận định cơ hội phục hồi của thủy sản xuất khẩu, bà Nguyễn Thị Thu Sắc thông tin: Thời điểm này, thị trường Mỹ, hàng nhập khẩu đã có dấu hiệu phục hồi về sản lượng, còn về giá trị vẫn tăng trưởng âm vì đơn giá giảm.

Tuy nhiên, VASEP kỳ vọng, nửa cuối năm nay, tình hình xuất khẩu thủy sản sẽ khả quan hơn do đơn hàng đang tăng dần phục vụ cho các kỳ hè và lễ cuối năm. Do vẫn còn nhiều yếu tố khách quan khó lường nên dự báo xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 chỉ dừng ở mức 9 - 10 tỷ USD.

Nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị, các cơ quan chức năng cần tập trung tháo gỡ, xử lý các vướng mắc liên quan thị trường Trung Quốc, Mỹ; đồng thời triển khai các giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho ngành thủy sản Việt Nam.

Cùng với việc thông tin thị trường, Bộ NN&PTNT và các địa phương cần đôn đốc, hướng dẫn ngư dân gấp rút thực hiện giải pháp khắc phục thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC); tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) để bảo đảm nguồn cung phục vụ cho xuất khẩu và đưa ngành thủy sản phát triển theo hướng bền vững.

 

Ngành thủy sản đang phục hồi, số lượng đơn hàng xuất khẩu đang tăng, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tăng ca để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Dự kiến cuối quý III/2023, xuất khẩu thủy sản sẽ phục hồi ở mức tương đương năm 2022. Đây là cơ sở để ngành thủy sản đạt kế hoạch xuất khẩu 10 tỷ USD cả năm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến