Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Là công bộc của dân thì phải mẫu mực

Quốc Toản (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người đứng đầu phải mẫu mực, cần làm nghiêm từ trên xuống dưới một cách đồng bộ thì mới thành công - nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư Vũ Quốc Hùng đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với Kinh tế & Đô thị về các giải pháp để thực hiện hiệu quả Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XII) cũng như xây dựng được một Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động.

 
Nhận diện đúng để hành động
Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được ban hành và quán triệt, triển khai sâu rộng trong cả nước. Theo ông, Nghị quyết lần này có khác so với Nghị quyết T.Ư 4 Khóa XI về nội dung này?
- Tôi và rất nhiều đảng viên, Nhân dân rất hoan nghênh khi Hội nghị T.Ư 4 (Khóa XII) vừa qua tiếp tục ra Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thực tế Đảng ta luôn chú ý đến việc xây dựng chỉnh đốn Đảng, để xứng đáng là lực lượng lãnh đạo xã hội, được Nhân dân thừa nhận. Đây là ý thức của Đảng nên Đảng đã có nhiều Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nổi bật là Nghị quyết T.Ư 6 (lần 2, Khóa VIII), tiếp đến là Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XI)
Tại các Nghị quyết này, Đảng ta đã nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, đây là vấn đề hệ trọng, vừa cơ bản, vừa cấp bách. Điều đó có nghĩa, Đảng phải đổi mới. Bởi tình hình trong nước, tình hình thế giới đã đổi mới, thì Đảng phải đổi mới. Đổi mới về nhận thức, đổi mới về tư tưởng, đổi mới về hành động.
Chính vì vậy, từ Đại hội XI đến nay, Đảng đã thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng với quyết tâm chính trị rất cao. Nhưng những tiêu cực về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của đảng viên chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà càng lộ ra. Thể hiện ở những vụ đại án, tiêu cực đã được phanh phui. Cho nên, phải có Nghị quyết tiếp theo để xây dựng chỉnh đốn Đảng làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng. Nghị quyết này tiếp nối Nghị quyết kia và đi vào chiều sâu hơn.
Cái mới lần này như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là T.Ư đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa,” trong đó, nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; thậm chí sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng. Nghị quyết T.Ư đã nêu lên 9 biểu hiện cụ thể suy thoái về tư tưởng chính trị, 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống và 9 biểu hiện về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Nhận diện đúng là để suy ngẫm và hành động. Không phải để bi quan hay nhụt chí, mà là để sẵn sàng cho một cuộc chiến đấu mới rất quyết liệt trong thời gian tới, vì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng. Do vậy, việc ban hành Nghị quyết T.Ư 4 lần 2 như vậy là rất cần thiết, rất đúng và trúng.
Ông đã từng nói Đảng đã “bắt được bệnh rồi”, quan trọng là “chữa” thế nào thôi. Với kinh nghiệm lâu năm làm công tác kiểm tra Đảng, ông có “phương thuốc” nào để Nghị quyết thực sự phát huy hiệu quả?
- Tất cả những biểu hiện, những giải pháp ngăn chặn đều đã được đưa ra cụ thể tại Nghị quyết lần này. Do đó, không chỉ cá nhân tôi mà rất nhiều đảng viên, Nhân dân đang rất mong mỏi việc thực hiện, cụ thể hóa như thế nào mà thôi. Theo tôi, cần phải triển khai dân chủ hơn, có tiếng nói tham gia của người dân, đừng làm một cách hình thức. Chúng ta phải nghiên cứu xây dựng một diễn đàn “mở” để tất cả mọi người có thể góp ý, xây dựng. Bên cạnh đó, đội ngũ lãnh đạo cũng cần gần dân, sát cơ sở hơn nữa, lắng nghe tâm tư mà có hướng tháo gỡ, giải quyết.
Một điều nữa tôi muốn nói ở đây là chỉ ra những “con bệnh” một cách cụ thể, đừng nói chung chung nữa. Chúng ta thực hiện Nghị quyết không phải đấu đá nội bộ, nhưng cũng cần thẳng thắn, sòng phẳng, minh bạch. Có như vậy, đảng viên mới tin, dân mới tin chứ.
Sở dĩ dân tộc ta tồn tại, phát triển như hôm nay nhờ các thế hệ cha anh luôn gìn giữ nếp gia phong, đạo đức. Rồi nhiều thế hệ con cháu đã tiếp nối truyền thống ấy để dựng xây, bảo vệ đất nước. Nếu những người cộng sản mà không xứng đáng với ông cha nữa thì thật hổ thẹn, hãy rút lui đi. Là người đảng viên, là người cán bộ công bộc của dân phải làm sao cho mẫu mực.
Đừng “rải đinh” ngay từ cấp trên
Cùng với Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XII), việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và  hành động như thông điệp mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng được dư luận đánh giá cao. Qua một thời gian thực hiện, ông thấy thông điệp ấy đã được cụ thể hóa thế nào?
- Tôi cũng theo dõi rất sát những việc làm của Chính phủ vừa qua và tin tưởng nếu quyết tâm cao, chúng ta sẽ xây dựng được Chính phủ liêm chính, hành động đúng như lời của Thủ tướng. Thực tế cho thấy, đã có những chuyển động tích cực qua các việc làm, chỉ đạo cụ thể. Như việc cải tổ, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương vừa qua cho tinh gọn, hiệu quả hơn. Rồi vụ Sở LĐTB&XH Hải Dương có quá nhiều lãnh đạo, sau khi công luận lên tiếng, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc xử lý. Nhiều việc khác, không chờ T.Ư chỉ đạo, mà ngay cơ quan chủ quan của đơn vị có vi phạm cũng đã chủ động giải quyết với hình thức nghiêm khắc, rõ trách nhiệm, không còn chung chung. Đơn cử như vụ cháy gây hậu quả đau lòng mới đây tại quận Cầu Giấy, một số cán bộ đã bị cách chức.
Hay như nhiều vụ việc cũng được yêu cầu giải quyết với thời gian, tiến độ rõ ràng sau các cuộc làm việc Tổ công tác của Thủ tướng với các bộ, ngành, địa phương. Những việc như thế, được dư luận đồng tình, “chấm điểm” cao.
Vậy với “thang điểm” của cá nhân ông, còn những gì tiếp tục phải làm nữa?
- Tôi đánh giá cao những kết quả, nhưng phải thẳng thắn thấy rằng vẫn còn không ít cán bộ không nghe dân, thậm chí bắt nạt dân. Khi thực hiện các chủ trương chính sách thì cứ “áp” một cách máy móc, không sát thực tế, gây khó khăn cho dân. Việc này thuộc về trách nhiệm ở cơ sở, nếu làm không tốt sẽ dẫn đến khiếu kiện kéo dài.
Trở lại câu chuyện về Chính phủ liêm chính, kiến tạo, người dân rất mong từ quyết tâm đến thực tế sẽ được rút ngắn lại. Theo tôi, vấn đề thực hiện phải đồng bộ, thông suốt từ trên xuống dưới. Có ý kiến nêu tình trạng “cấp trên rải thảm đỏ, nhưng cấp dưới lại rải đinh”, còn tôi cho rằng, ngay các cơ quan cấp trên ở T.Ư cũng phải kiểm tra xem có việc “rải đinh” từ chính cấp của mình hay không. Đó là việc tiếp nhận, thông tin đầy đủ các phản ánh, tâm tư nguyện vọng của người dân, DN đến người đứng đầu và ngược lại, có truyền đạt đúng các ý kiến chỉ đạo thực hiện hay không.
Vì vậy, tôi đề nghị cũng cần xem lại cả những cơ quan tham mưu, giúp việc của Chính phủ đã thực sự liêm chính, hành động hay chưa. Chúng ta làm nghiêm từ trên xuống, chắc chắn sẽ hiệu quả, bộ máy sẽ vận hành tốt hơn nhiều.
Xin trân trọng cảm ơn ông!