Lạc quan về thị trường chứng khoán cuối năm

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãi suất điều hành giảm, kinh tế vĩ mô phục hồi, niềm tin nhà đầu tư đã quay trở lại thị trường... là những tín hiệu tích cực để có thể kỳ vọng vào thị trường chứng khoán tiếp tục phục hồi trong giai đoạn cuối năm.


Niềm tin nhà đầu tư đã quay trở lại

Sau sự sụt giảm khá mạnh vào năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 đã ghi nhận những tín hiệu phục hồi tích cực từ các yếu tố quốc tế và trong nước, thanh khoản thị trường cải thiện rõ rệt. Tháng 7 tăng 16% so sới cuối năm 2022, quy mô vốn hóa thị trường đến nay đạt 64% so với GDP. Điều này cho thấy các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách hỗ trợ khác đã tác động tích cực đến thị trường chứng khoán và DN.

Kết phiên 26/7, VN-Index đã chạm mốc 1.200 điểm. Cụ thể VN-Index đóng cửa tăng 4,94 điểm tương ứng 0,41% lên 1.200,84 điểm, đồng thời VN30-Index tăng 3,42 điểm, tương ứng 0,28% lên 1.201,4 điểm. Ngược lại, trên sàn HNX, chỉ số HNX- Index điều chỉnh nhẹ 0,73 điểm, tương ứng 0,31% còn 236,2 điểm; UPCoM-Index giảm 0,01 điểm tương ứng 0,01%, còn 88,57 điểm.

Tính đến nay, VN-Index đã tăng hơn 18% so với thời điểm cuối năm ngoái, so với những kênh đầu tư khác thì kênh chứng khoán đang đem lại một tỷ suất đầu tư vượt trội rõ ràng.

Nhà đầu tư giao dịch tại một sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Nhà đầu tư giao dịch tại một sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, việc thị trường cán mốc 1.200 điểm là một điều bình thường, phản ánh hiệu quả tích cực của các chính sách hồi phục kinh tế được Chính phủ ban hành trong thời gian vừa qua. Điều này tạo kỳ vọng của nhà đầu tư vào sự hồi phục của nền kinh tế và DN trong thời gian tới.

 

Dự kiến trong tháng 8/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ làm việc với các tổ chức xếp hạng để đánh giá tiềm năng thị trường chứng khoán Việt Nam nhằm nâng hạng thị trường lên thị trường mới nổi. Khi thị trường chứng khoán được nâng hạng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thị trường vốn trong nước và nền kinh tế nói chung.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương

 

Một số chính sách có thể kể đến đó là liên tiếp giảm mặt bằng lãi suất điều hành, biện pháp giảm thuế giá trị gia tăng, thuế trước bạ, thuế sử dụng đất, biện pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công… kích thích nền kinh tế phục hồi.

Bên cạnh đó, còn là sự vận động tích cực của dòng tiền trên thị trường. Bản thân trên thị trường chứng khoán đã có những ngành nghề, lĩnh vực chạm đáy và có tín hiệu phục hồi về kinh doanh, là yếu tố hấp dẫn dòng tiền trở lại thị trường.

Nhiều điểm tựa lạc quan

Giai đoạn cuối năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục được dự báo sẽ phục hồi. Một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong giai đoạn cuối năm là vấn đề lãi suất.

Trong 6 tháng vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất với tổng mức giảm 0,5 - 2,0%/năm. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN, người dân và nền kinh tế phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Điều này sẽ góp phần đáng kể vào sự phục hồi của các DN khi mà vấn đề thiếu vốn luôn được coi một trong các khó khăn lớn nhất của các DN.

 

Kết quả kinh doanh quý II khởi sắc hơn nhưng nền kinh tế vẫn chưa thẩm thấu lãi suất thấp một cách rõ ràng, mà phải chờ đợi cuối quý III, DN tiếp cận vốn giá rẻ rõ ràng hơn. Đồng thời, dòng tiền tiết kiệm hết kỳ hạn của người dân đi tìm kênh đầu tư mới khi lãi suất tiết kiệm giảm thấp sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán, vì hiện tại không có kênh nào đủ hấp dẫn. VN-Index sẽ có thể đạt mức điểm 1.250 - 1.300 điểm trong năm nay.
Giám đốc Công ty CP Tư vấn đầu tư S-Talk Nguyễn Hồng Điệp

 

Riêng đối với thị trường chứng khoán, lãi suất giảm luôn là biến số tạo ra hiệu ứng tích cực, nhất là trong bối cảnh hoạt động sản xuất còn gặp khó khăn, dòng tiền sẽ có xu hướng chảy vào các lĩnh vực khác để tìm kiếm lợi nhuận.

Đưa ra nhận định thị trường trong thời gian tới, ông Đỗ Bảo Ngọc cho biết, trong xu hướng tăng dài, luôn có nhịp điều chỉnh ngắn ngắn hạn, do đó thị trường sẽ có những phân hóa và điều chỉnh quanh mốc 1.200 - 1.300 điểm.

Đặc biệt, sau mùa kết quả kinh doanh quý II, thị trường sẽ phân hóa hơn chứ không tăng đồng loạt như thời gian qua. Những DN có giá cổ phiếu tăng nhiều nhưng kết quả kinh doanh không tương xứng thì bản chất dòng tiền sẽ rút ra khỏi, giá cổ phiếu giảm là chuyện bình thường.

Đối với những DN giá cổ phiếu chưa tăng, mà kết quả kinh doanh tốt thì sẽ duy trì xu hướng tăng, nhà đầu tư nên tìm những nhóm cổ phiếu này để đầu tư.

Cũng có niềm tin vào thị trường cuối năm, đại diện Công ty Chứng khoán CAN (ACBS) kỳ vọng rằng, sẽ có dòng tiền nhàn rỗi mới chuyển sang thị trường chứng khoán trong bối cảnh lãi suất huy động giảm và thị trường trái phiếu DN ảm đạm.

Các chính sách của Chính phủ sẽ tiếp tục nghiêng về hướng hỗ trợ trong các tháng còn lại của năm và sẽ còn tác động tích cực lên thị trường chứng khoán, bởi thị trường chứng khoán là thị trường của kỳ vọng.

Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận của DN niêm yết trên thị trường vẫn sẽ còn chịu nhiều áp lực phía trước bởi sự phục hồi của nền kinh tế vào quý II, quý III vẫn còn nhiều thách thức.

Kinh tế Việt Nam năm 2023 được dự báo sẽ tăng trưởng thấp hơn so với năm 2022, đồng thời mức lạm phát được dự báo cao hơn, điều này cũng gây áp lực không nhỏ cho quá trình phục hồi của thị trường chứng khoán.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho biết, ở thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán đang được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố tích cực.

 

Nhóm đầu tư công và các nhóm cổ phiếu hưởng lợi theo chu kỳ như ngành chứng khoán, ngành bán lẻ, ngành mang tính ổn định cao như công nghệ dược phẩm, đồ uống… vẫn là nhóm hút được dòng tiền trong thời gian tới. Ngoài ra, nhà đầu tư có thể cân nhắc một số ngành nghề đã tạo đáy về lợi nhuận và có thể có xu hướng cải thiện trong tương lai.
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam Đỗ Bảo Ngọc

 

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ được ban hành gần đây như Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước dẫn tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; Nghị định 12/2023/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN; Thông tư 03/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng được mua lại trái phiếu DN chưa niêm yết là những giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân.

Đây là những yếu tố ảnh hưởng tích cực tới thanh khoản trên thị trường trong quý III và quý IV/2023.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tiếp tục quản lý và bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động minh bạch, lành mạnh, đáp ứng yêu cầu kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, chia sẻ sức ép cho kênh tín dụng ngân hàng. Trong đó, chú trọng tăng chất lượng hàng hóa cho thị trường nhằm nhanh chóng khôi phục niềm tin nhà đầu tư, bảo đảm nền tảng vững chắc để thị trường phát triển bền vững trong dài hạn.