Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lại nóng chuyện bạo lực học đường

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ việc học sinh (HS) 2 trường THPT Nguyễn Thượng Hiền và THPT Ứng Hòa A (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đánh nhau khiến 1 em tử vong ngày 14/3 vừa qua làm dư luận thêm bất an. Và hồi chuông báo động vấn đề bạo lực học đường lại thêm một lần gióng giả.

Ngày càng phức tạp
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, thực hiện thi khảo sát chất lượng đối với HS lớp 12 THPT năm học 2018, chiều 14/3, tất cả HS lớp 12A, trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (huyện Ứng Hòa) tập trung học quy chế thi tại điểm thi trường THPT Ứng Hòa A. Sau khi học xong, trên đường về cách cổng trường THPT Ứng Hòa khoảng 50m, một số HS trường Nguyễn Thượng Hiền đã xô xát, em N.Đ.Đ. đã dùng dao đâm em P.V.V. (2 HS cùng lớp 12A). Do vết thương quá nặng, P.V.V. tử vong sau đó.
 Ảnh minh họa.
Trước đó là việc một HS lớp 8 ở Bến Tre, chỉ vì không muốn nghe cô phê bình bạn đã bóp cổ cô giáo ngay trước sự chứng kiến của các bạn cùng lớp và các giáo viên khác. Không chỉ vậy, khi hết thời hạn chịu kỷ luật của trường là tạm đình chỉ học 1 tuần, quay trở lại lớp học HS này vẫn tiếp tục gây ra các hành vi phản đối, thiếu văn hoá. Trước tình trạng này, hiệu trưởng nhà trường buộc phải quyết định đình chỉ 1 năm học đối với HS này.

Ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Công tác HS, sinh viên, Bộ GD&ĐT cho biết, trước thực trạng ứng xử thiếu văn hoá của HS cũng như bạo lực học đường gia tăng thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã khẩn trương rà soát, đánh giá việc thực hiện nền nếp của các trường học trên cả nước và báo cáo thực trạng, kiến nghị để nâng chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, SV hiện nay.

Giáo dục chưa hiệu quả

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng bạo lực học đường thời gian gần đây. Nguyên nhân chủ quan là do HS chưa được giáo dục đầy đủ về đạo đức, nhân cách và lối sống; chưa có đủ kỹ năng ứng phó và giải quyết các tình huống xảy ra hàng ngày; sự thay đổi tâm sinh lý lứa tuổi khiến các em thiếu kiềm chế bản thân. Ngoài ra, tại nhiều gia đình, bố mẹ thiếu quan tâm đến con cái, chưa kịp thời uốn nắn những lệch lạc, hướng đi cho con. Trong khi đó, HS cũng chịu tác động nhiều từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, ảnh hưởng của lối sống thực dụng, đua đòi, thiếu lành mạnh và các hành vi bạo lực từ mạng internet, phim ảnh, game online…

Nhiều biện pháp đã được đặt ra để hạn chế tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống của HS. Tại Hà Nội, Sở GD&ĐT mới đây đã có văn bản yêu cầu các trường tăng cường giảng dạy pháp luật trong nhà trường. Các nội dung về nếp sống văn minh cũng được triển khai từ bậc tiểu học đến THPT. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giáo dục, việc tuyên truyền chưa "thấm vào tai" HS. TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, cách truyền tải cũng như mức độ truyền tải từ bài giảng của giáo viên đến HS chưa hiệu quả.

Các kỹ năng sống với nội dung liên quan đến tình thương, biết quan tâm đến người khác, tôn trọng bản thân, xử lý các tình huống phát sinh từ thực tế... cũng được nhà trường đầu tư nhiều thời gian với hoạt động trên lớp hoặc ngoại khoá. “Những vấn đề này không phải trường nào cũng chú trọng triển khai cho HS, đặc biệt là những trường thuộc khu vực khó khăn, ít điều kiện giao lưu, mở rộng. Chính vì vậy, tình trạng ứng xử kém, các vụ bạo lực học đường vẫn có chiều hướng tăng” - TS Nguyễn Tùng Lâm chỉ rõ.

Theo TS Lâm, để đảm bảo an toàn trong môi trường học đường, ngoài giáo dục HS, kỷ luật nghiêm những trường hợp sai phạm, cần chú trọng xây dựng mạng lưới thông tin từ HS cũng như người dân xung quanh phạm vi nhà trường và các đoàn thể, công an địa phương... “Nếu nắm bắt sớm thông tin, nhà trường sẽ có biện pháp ngăn chặn, can thiệp kịp thời, không để xảy ra những vụ việc đáng tiếc nói trên” - TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.