Đau đầu phổ biến phim trên internet
Giữa tháng 12/2020, Cục Điện ảnh lần thứ ba tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Dự thảo lần thứ ba rõ ràng hơn về cấu trúc, được các DN và chuyên gia điện ảnh ghi nhận có tiến bộ. Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành thông tin, dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi gồm 8 chương và 44 điều, trong đó có một số nội dung mới được bổ sung.Phổ biến phim trên không gian mạng là một trong những nội dung bắt kịp xu thế phát triển được đưa vào dự thảo lần này. Phim ảnh không còn bó hẹp chiếu rạp hay phát sóng trên truyền hình nữa, khối lượng phim khổng lồ được phổ biến từng phút trên không gian mạng. Thực tế này đặt ra một số vấn đề nhức nhối, do nội dung chưa qua bộ lọc gây bức xúc dư luận. Chẳng hạn, không ít tác phẩm làm sai lệch chủ quyền của Việt Nam trong một số phim trên Netflix hay nhiều nội dung xấu độc phát tán trên Youtube.
Ban soạn thảo do Cục Điện ảnh chủ trì đưa ra hai phương án tiền kiểm và hậu kiểm. Phương án tiền kiểm gần như bất khả thi, bởi đòi hỏi phim phổ biến trên mạng tại Việt Nam phải được cấp Giấy phép phổ biến và phân loại phim của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc được biên tập bởi cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình. Phương án hậu kiểm khả thi hơn ở chỗ đề ra các tiêu chí cần thiết: Phim phát hành, phổ biến có bản quyền hợp pháp và nội dung phim không vi phạm điều cấm của Luật Điện ảnh, phải có cảnh báo và hiển thị mức phân loại độ tuổi phổ biến phim...Vướng mắc lớn nhất thời gian qua chính là chưa có hành lang, công cụ pháp lý để quản lý nội dung phim phát sóng trên các trang thông tin có tên miền nước ngoài. Đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) nêu, Bộ chưa cấp phép cho DN nào kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền trên nền tảng internet. Bộ nhiều lần nhắc nhở các trang như Netflix, WeTV, Youtube đề nghị chấn chỉnh và gỡ bỏ nội dung xuyên tạc chủ quyền, vi phạm thuần phong mỹ tục, văn hóa Việt Nam.Gỡ nút thắt duyệt phimỞ dự thảo lần này, ngoài các nhãn phim theo độ tuổi áp dụng từ năm 2015, Ban soạn thảo đề xuất loại PG (cho phép trẻ em dưới 13 tuổi được xem phim C13 với điều kiện đi cùng cha mẹ hoặc người giám hộ), loại C21 (phim không phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 21) và loại C (phim không phổ biến đến mọi đối tượng khán giả). Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng nhãn C21 là thừa, vì với nhãn C18 đủ để phân loại phim có nội dung bạo lực hoặc gây sốc.Câu chuyện thẩm định và dán nhãn phim luôn nóng, được dư luận quan tâm thời gian qua vì khán giả luôn đòi cởi mở hội đồng đang bị ràng buộc bởi các quy chế chuyên ngành. Sau sự cố bỏ lọt đường lưỡi bò trong phim hoạt hình “Everest: Người tuyết bé nhỏ”, dư luận càng đòi hỏi phải “thay máu” hội đồng duyệt phim quốc gia.TS Trần Thanh Hiệp - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng T.Ư thẩm định và phân loại phim truyện sau ít lâu nhận ghế Chủ tịch Hội đồng cảm thán: “Khi tôi nhận nhiệm vụ, tôi ngạc nhiên tại sao áp lực của hội đồng lớn như thế, đáng lý ra có thể làm nhẹ nhàng hơn. Thế nhưng cơ sở pháp luật của ta là như vậy. Vì thế, việc đổi mới và sửa đổi Luật Điện ảnh liên quan thẩm định phim, tôi ủng hộ tinh thần đổi mới”.TS Trần Thanh Hiệp nêu vấn đề, nên suy nghĩ theo hướng là thẩm định phim chứ không phải duyệt. “Vì thế, đối với phim Việt Nam nên để Giám đốc các cơ sở sản xuất phim và Hội đồng nghệ thuật của ở sở sản xuất phim thẩm định và phân loại. Không nên sợ Hội đồng nghệ thuật của cơ sở sản xuất yếu. Họ sẽ biết tìm chuyên gia để hội đồng của họ đủ mạnh giúp cho Giám đốc có sự thẩm định chính xác” - TS Trần Thanh Hiệp đề xuất. Còn với phim nhập khẩu, Hội đồng thẩm định chính là những người kiểm tra chất lượng, phân loại phim để đảm bảo nội dung phù hợp với sự khác biệt văn hóa, sắc tộc, quyền lợi dân tộc hay quan điểm chính trị, đặc biệt xung đột dân tộc, tôn giáo luôn tồn tại.