Chỉ số giá nhiều nhóm hàng tăng mạnh
Vào cuối tháng 8 đã có dự đoán và khuyến cáo là có thể yên tâm với lạm phát. Bởi với tổng mức tăng trong 8 tháng (2,59%), hay bình quân một tháng tăng 0,32%, nếu mức tăng bình quân tháng trong 4 tháng cuối năm bằng với mức bình quân trên, thì cả năm sẽ chỉ tăng dưới 4% - thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch (dưới 5%) mà Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, do điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế (20%) ở 28 tỉnh/TP, giá dịch vụ giáo dục (tăng trên 7%) ở 53 tỉnh/TP..., nên CPI tháng 9 tăng 0,54%, tháng 10 tăng 0,83%, đều cao hơn dự đoán trước đây. Ngoài ra, nhóm giao thông tăng 2,02%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,31%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,17%... Giá xăng dầu được điều chỉnh tăng vào ngày 5/10 và 20/10 cũng làm cho chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 4,14% so với tháng trước, góp phần làm cho CPI tăng khoảng 0,17%. Từ ngày 1/10, giá gas điều chỉnh tăng 15.000 đồng/bình 12kg làm cho chỉ số giá gas tăng 4,21% so với tháng trước.Cẩn trọng với CPI những tháng cuối nămCảnh báo này xuất phát từ một số căn cứ. Về quan hệ cung- cầu, sau nhiều tháng tốc độ tăng tổng cầu cao hơn tốc độ tăng tổng cung đã làm cho quy mô tuyệt đối của tổng cầu tiến tới ngang bằng, có mặt còn cao hơn tổng cung. Đầu tư có tín hiệu khả quan từ cả 3 nguồn. Nguồn từ khu vực Nhà nước, nhất là nguồn từ ngân sách, từ trái phiếu Chính phủ sẽ gia tăng thực hiện theo kế hoạch vào cuối năm trong khi đầu năm giải ngân thực hiện còn chậm (bình quân một tháng trong 9 tháng đạt chưa được 6,8%; 3 tháng còn lại phải thực hiện 30,9%, bình quân một tháng phải thực hiện 10,3%). Phong trào khởi nghiệp được đẩy mạnh ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các địa phương; số lượng DN đăng ký thành lập mới tăng cao với lượng vốn còn tăng cao hơn; số lượng DN quay trở lại hoạt động tăng khá cao. Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nếu loại trừ yếu tố giá sau nhiều tháng cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế; theo thông lệ thường tăng cao vào dịp cuối năm.Về chi phí đẩy, việc mấy lần tăng giá xăng dầu; số địa phương còn phải tăng giá dịch vụ y tế còn nhiều, số địa phương còn phải tăng giá dịch vụ giáo dục còn không ít. Giá nhập khẩu một số mặt hàng tính bằng USD có dấu hiệu phục hồi; tỷ giá VND/USD có thể tăng khi giá USD trên thế giới tăng, khi đồng tiền của Trung Quốc (Nhân dân tệ) và các đối tác lớn của Việt Nam tiếp tục giảm giá so với USD, làm cho giá nhập khẩu tính bằng VND sẽ tăng kép.Về tiền tệ, tín dụng và tài chính, yếu tố trực tiếp tác động đến lạm phát, có dấu hiệu tăng lên. Tăng trưởng tín dụng mới đạt 11,24% - chưa được 2/3 tốc độ tăng chỉ tiêu định hướng cả năm (18 - 20%) sau 3/4 thời gian của năm. Tăng trưởng huy động sẽ chậm lại và thấp hơn tăng trưởng tín dụng khi lạm phát thì cao lên, lãi suất gửi tiết kiệm giảm xuống. Ngân sách tiếp tục bội chi (trong 9 tháng, tỷ lệ bội chi ngân sách/GDP đã vượt quá 5%, cao hơn mục tiêu 4,95% theo Nghị quyết của Quốc hội); khả năng cả năm có thể sẽ cao hơn do tỷ trọng thu ngân sách, thu từ xuất/nhập khẩu, thu từ DN Nhà nước... trong tổng thu bị giảm; tăng trưởng GDP thấp hơn năm trước và không đạt được kế hoạch...; chi ngân sách tăng lên vào cuối năm, tăng lên do phải hỗ trợ khắc phục thiên tai, hỗ trợ tái cơ cấu, hỗ trợ giải quyết nợ xấu hoặc thí điểm phá sản ngân hàng thương mại yếu kém.Nếu CPI tháng 11, tháng 12 tăng cao như tháng 9, tháng 10, thậm chí cao hơn thì CPI cả năm sẽ vượt quá 5% - tức là cao hơn mục tiêu tăng dưới 5% theo Nghị quyết của Quốc hội. Đây là cảnh báo cần thiết.