Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lãi suất cho vay sẽ giảm nhiều hơn

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Lãi suất huy động của các ngân hàng liên tục giảm mạnh trong những tháng qua và là cơ sở để lãi suất cho vay "hạ nhiệt". Lãi suất cho vay dự báo sẽ giảm nhiều hơn trong thời gian tới.

Nhiều ngân hàng giảm lãi vay

Sau những nỗ lực giảm lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất vay ngân hàng tại một số ngân hàng đã điều chỉnh giảm.

Tại ABBank, lãi suất cơ sở cho vay đối với khách hàng cá nhân giảm 0,3%/năm so với thời điểm trước đó, về mức 11,2%/năm kể từ ngày 20/5. TPBank cũng ra thông báo giảm từ 0,2 - 1% lãi suất khi đến kỳ điều chỉnh lãi suất đối với các khoản cho vay hiện hữu.

Đại diện SHB cũng cho biết đơn vị đã thực hiện nhiều đợt điều chỉnh giảm lãi suất, với mức 0,5 - 3% tùy từng khoản vay với từng nhóm khách hàng.

Nhân viên PVBank hiệu chỉnh bảng lãi suất. Ảnh: Phạm Hùng
Nhân viên PVBank hiệu chỉnh bảng lãi suất. Ảnh: Phạm Hùng

Tương tự, OCB giảm lãi suất 0,5% cho tất cả khách hàng áp dụng từ đầu tháng 6. Đợt giảm lãi suất lần này tập trung vào nhóm nhà băng tư nhân chưa hạ lãi suất khoản vay cũ từ đầu năm tới nay.

Trong khi đó, với 4 ngân hàng thương mại nhà nước đã tiếp tục giảm lãi suất mạnh hơn.

Mới đây, BIDV đã ra thông báo, từ 1/6/2023, tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm 0,5%/năm so với lãi suất hiện hành đối với các khoản vay trung và dài hạn hiện hữu tại ngân hàng này. Đây là lần thứ 2 trong năm 2023, BIDV thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng có dư nợ hiện hữu tại ngân hàng này.

Với Vietcombank, từ đầu năm đến nay đã 2 lần giảm lãi suất cho vay. Mới nhất là đợt giảm từ đầu tháng 5 đến 31/7/2023, Vietcombank quyết định giảm tới 0,5%/năm lãi suất cho vay VND cho toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và DN.

Từ đầu tháng 6, VietinBank đã công bố gói tín dụng 35.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi với lãi suất thấp hơn đến 2%/năm cho các DN hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn như lúa gạo, thủy sản, nông nghiệp…

Vì thế, VietinBank có mức lãi suất ưu đãi hấp dẫn dành cho DN xuất nhập khẩu chỉ từ 6%/năm đối với VND và chỉ từ 3,5% đối với USD.

 

Ngân hàng giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 2%, quy định rõ ràng về điều kiện tham gia. Trong quá trình triển khai, ngân hàng luôn có sự đánh giá để DN có thể tiếp cận nguồn vốn và có sự chỉnh sửa điều kiện tham gia; đồng thời cố gắng đơn giản thủ tục vay vốn, hướng dẫn chi tiết, trực tuyến để người vay có thể tiếp cận nguồn vốn kịp thời.
Giám đốc Ban khách hàng BIDV
Phạm Thị Vân Khánh

 

Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ đầu năm đến nay lãi suất cho vay bình quân trong cả hệ thống giảm khoảng 0,5 - 0,65%. Riêng các ngân hàng thương mại Nhà nước hiện là những đơn vị chủ lực, có vai trò định hướng thị trường thì mức giảm tích cực hơn, lãi suất cho vay giảm từ 1,5 - 2,5%.

Kỳ vọng lớn hơn ở lãi suất cho vay

Có một thực tế là dù lãi suất vay đã giảm nhưng mức giảm chậm hơn lãi suất huy động. Đặc biệt, lãi suất cho vay đối với bất động sản vẫn neo rất cao.

Chị Nguyễn Thu Cúc ở Hoàng Mai, Hà Nội đang có một khoản vay trị giá hơn 800 triệu đồng mua nhà, tuy nhiên lãi suất vẫn 12,1%/năm. Anh Nguyễn Văn Hải, (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, tìm hiểu nhiều ngân hàng được biết lãi suất cho vay mới phổ biến từ 10 - 12%/năm, có nơi "mềm" hơn 8 - 9%/năm.

Nhưng quan trọng, mức lãi suất ưu đãi này thường chỉ giữ trong 3 - 6 tháng đầu, sau đó sẽ thả nổi theo lãi suất thị trường. "Mặt bằng lãi suất thả nổi tại các ngân hàng thường bằng lãi suất cơ sở hoặc lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cộng thêm 3,5 - 4%/năm, tương ứng với mức lãi từ 13 - 14%/năm khiến người có nhu cầu mua nhà lại chùn chân” - anh Hải nói

Anh Phạm Huy Anh ở quận Đống Đa cũng cho biết: "Lãi suất vay mua nhà tại một số ngân hàng hiện vẫn dao động từ 13 - 14%/năm, rất cao nên gia đình tôi quyết định chờ thêm thời gian cho lãi suất giảm mới mua nhà".

Đại diện Công ty Chứng khoán SSI nhận định, dù các ngân hàng thương mại đều đã giảm lãi suất cho vay nhằm kích thích nhu cầu đầu tư và tiêu dùng nhưng mức lãi suất này chủ yếu chỉ áp dụng với các khoản vay mới. Chỉ có số ít ngân hàng thương mại, chủ yếu là ngân hàng thương mại nhà nước, giảm lãi vay cho các khoản vay hiện hữu.

Ngoài ra, vay mua nhà đối với khách hàng cá nhân vẫn neo cao, áp lực tài chính ngày càng đè nặng.

Ngay cả với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, một số DN vừa và nhỏ cho biết, dù lãi suất giảm nhưng việc tiếp cận vay vốn từ các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi còn quá nhiều trở ngại.

"Việc giảm lãi suất còn phải căn cứ theo chi phí vốn đầu vào ở từng thời điểm, nên mức độ giảm có thể sẽ khác nhau" - một nhân viên ngân hàng cho biết. Cụ thể, việc giảm lãi suất nhiều nhất sẽ áp dụng với những khoản vay đã phát sinh trên một năm, hoặc những khoản vay mới do chi phí vốn ở những giai đoạn này ở mức thấp. Trong khi đó, những khoản vay phát sinh trong nửa cuối năm ngoái có thể chỉ giảm ở mức độ tương đối do chi phí vốn cao.

Phân loại hình thức, kích cầu tín dụng

Theo NHNN, tính đến cuối tháng 5/2023, tín dụng của nền kinh tế đạt trên 12,3 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3,17% so với cuối năm 2022. Đây là mức tăng thấp nên cần tiếp tục giảm lãi suất cho vay để thúc đẩy cầu tín dụng.

"Hiện nay, các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước đang chiếm tới 44% thị phần nên những động thái liên tiếp giảm lãi suất của các ngân hàng này được nhận định sẽ tạo tác động và hiệu ứng tới dòng tín dụng trên thị trường.

Với số liệu như vậy, tin tưởng mặt bằng lãi suất đang giảm và cũng sẽ giảm trong thời gian tới” - Phó Thống đốc NNHN Phạm Thanh Hà cho hay.
Về tiếp cận vốn, theo lãnh đạo NHNN, có thể chia làm nhiều nhóm DN hiện nay để tìm giải pháp. Chẳng hạn như có một số nhóm DN không có đơn hàng thì phải tháo gỡ khó khăn đầu ra, hay nếu cầu quốc tế suy giảm thì hướng đến khai thác ở thị trường nội địa.

Với lĩnh vực bất động sản, 70% hiện nay là khó khăn về pháp lý. Mặt khác, các DN cũng cần phải rà soát để điều chỉnh giá bán, có như vậy mới kích thích tín dụng cho cả DN hoạt động trong lĩnh vực này, cũng như người mua nhà.

Riêng đối với nhóm DN vừa và nhỏ thì rất khó khăn sau đại dịch Covid-19, nhưng không đủ điều kiện vay vốn thì cần giải pháp cải thiện khả năng vay vốn, hoặc tìm kiếm nguồn vốn qua các chính sách hỗ trợ như bảo lãnh vay vốn.

Nhóm phân tích của SSI kỳ vọng tăng trưởng tín dụng dần phục hồi trong nửa cuối năm 2023, đặc biệt là đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu và lĩnh vực bất động sản. “Chúng tôi đang theo dõi việc hạ lãi suất có giúp nhu cầu tín dụng phục hồi hay không đặc biệt là trong thời điểm mà tổng cầu quốc tế và nội địa đều đang rất yếu do tình hình kinh tế không thuận lợi”- báo cáo SSI bình luận.

 

Trong thời gian còn lại của năm 2023, các chính sách ban hành sẽ được định hướng vào từng nhóm ngành cụ thể cần được hỗ trợ để có tác động chính xác, kịp thời hơn, đặc biệt ở nhóm các DN xuất khẩu và sử dụng nhiều nhân công, trong bối cảnh sản xuất và xuất khẩu còn đang gặp nhiều khó khăn. Với chỉ số lạm phát hạ nhiệt và trong tầm kiểm soát sẽ giúp NHNN có dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ và có thêm các chính sách hỗ trợ trong thời gian tới.
TS Cấn Văn Lực