Lãi suất còn dư địa giảm?

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng trưởng tín dụng ì ạch, lãi suất huy động đã giảm sâu, các ngân hàng tung nhiều gói ưu đãi nhằm kích cầu cho vay. Dư địa để hạ lãi suất tiết kiệm và lãi suất cho vay năm 2024 như thế nào?

Lãi suất huy động giảm kỷ lục, ngân hàng tung nhiều gói cho vay ưu đãi

Trong những ngày qua, tất cả các ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm đều theo chiều hướng giảm. Ngày 15/3/2024, Agribank điều chỉnh lãi suất tiết kiệm. Theo biểu lãi suất tiết kiệm trực tuyến, ngân hàng này chỉ giữ nguyên lãi suất 3%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn từ 6 - 9 tháng, trong khi các kỳ hạn còn lại đều được điều chỉnh giảm 0,1 điểm phần trăm lãi suất.

Kể từ đầu tháng 3/2024 đã có 15 ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động gồm: PGBank, BVBank, BaoViet Bank, GPBank, ACB, Agribank, VPBank, PVCombank, Dong A Bank, MB, Techcombank, NCB, KienLong Bank, SCB. Trong đó, BaoViet Bank, GPBank, BVBank, PGBank đã 2 lần giảm lãi suất huy động. Hiện, lãi suất huy động tại các ngân hàng đã về mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Hoạt động giao dịch tại chi nhánh BIDV Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Hoạt động giao dịch tại chi nhánh BIDV Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Mặt bằng lãi suất kỳ hạn 12 tháng chỉ ở mức 4,3%/năm tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước, 4,7%/năm tại các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) lớn và 4,8%/năm tại các NHTMCP khác.

Lãi suất tiết kiệm giảm trong bối cảnh ngân hàng thừa tiền, tín dụng 2 tháng đầu năm tăng trưởng âm. Tăng trưởng tín dụng tính tới 29/2/2024 giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Mức này có cải thiện so với cuối tháng 1/2024 là giảm 1,12%, nhưng vẫn âm.

Nhờ lãi suất đầu vào giảm, lãi suất cho vay cũng giảm theo. Agribank đưa ra chính sách giảm lãi suất vay mua nhà cho một số đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 xuống tối đa 3%/năm so với mức lãi suất cũ. Thời gian thực hiện điều chỉnh tối đa đến hết ngày 31/12/2024; VietinBank công bố gói vay 10.000 tỷ đồng dành cho các DN vừa và nhỏ mới hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2023, lãi suất cho vay từ 7%/năm, áp dụng cho kỳ hạn vay 6 tháng.

Giám đốc Ban Chính sách Sản phẩm Bán buôn, Ngân hàng BIDV Đỗ Thị Thanh Huyền chia sẻ: "Có mức giảm so với lãi suất cho vay thông thường, đối với ngắn hạn là 1%, đối với khách hàng cho vay trung dài hạn thì có thể lên đến 1,5% hoặc cao hơn. Với mức lãi suất cho vay trong gói thì đối với khách hàng cá nhân, thấp nhất là 4,3% và đối với khách hàng DN sẽ chỉ từ 4,8%/năm".

Không chỉ các “ông lớn” ngân hàng mà xu hướng giảm lãi suất cho vay cũng lan sang một số NHTMCP.

Techcombank, Sacombank, SeABank, Bản Việt,… đưa ra các gói tín dụng với mức lãi suất ưu đãi giảm từ 1 - 2 điểm % so với mức lãi suất thông thường. SHB mới đây đã đồng loạt giảm lãi suất các gói vay ưu đãi xuống chỉ còn từ 5,79%/năm. Đây được xem là mức lãi suất cho vay cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng tính đến thời điểm hiện nay.

Hiện các ngân hàng đang phải công khai lãi suất cho vay bình quân theo chỉ đạo của Chính phủ. Và những ngày gần đây, cùng với việc công khai thông tin lãi vay bình quân, các ngân hàng cũng đã tung ra nhiều chương trình ưu đãi hơn.

Doanh nghiệp vẫn khó hấp thụ

 

BIDV vừa công bố thông tin trên trang web về lãi suất cho vay bình quân tháng 3/2024. Theo đó, lãi suất cho vay bình quân tại BIDV là 6,49%/năm. Chênh lệch giữa lãi suất cho vay bình quân với lãi suất huy động vốn bình quân là 3,12%/năm. TPBank cũng công bố lãi suất cho vay bình quân là 7,76%/năm.

Cụ thể, lãi suất cho vay bình quân đối với khách hàng cá nhân là 8,85%/năm và nhóm khách hàng DN 7,34%/năm. Chênh lệch lãi suất bình quân thực tế tại TPBank ở mức 3,75%/năm. Một số ngân hàng khác như ACB, TPBank, LPBank, BacA Bank, VietBank... cũng công bố lãi suất cho vay bình quân. Trên website một số ngân hàng cũng đã công khai lãi suất cho vay cơ sở.

Dù lãi suất đã giảm nhưng nhiều DN cho biết vẫn chưa có nhu cầu vay, vì thị trường chưa phục hồi. Một số khác lại cho rằng ngân hàng chỉ ưu đãi lãi suất cho vay ngắn hạn. Hết thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi sẽ được thả nổi. Bên cạnh đó, nhiều DN cho rằng việc tiếp cận vốn thực tế rất khó khăn, đặc biệt là khoản vay lãi suất thấp.

Theo Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường, nói lãi suất vay của các quốc gia xuất khẩu dệt may cạnh tranh với Việt Nam ở mức 3,5%, nhưng ở Việt Nam, với DN tốt là 7% và 9% với DN xấu. Năm 2023, với Vinatex dù dư nợ giảm 11%, nhưng lãi phải trả tăng 10%, tức là giá vốn đắt hơn và lãi phải trả tăng 30% so với năm 2021.

“Các hợp đồng tín dụng mà tập đoàn đang có của tháng 1 và 2/2024 đến giờ này cũng chưa cho thấy được tổng lãi phải trả năm 2024 sẽ thấp đi so với năm trước” - ông Trường thông tin.

Dù đã vay được vốn với lãi suất thấp hơn nhiều so với năm ngoái nhưng Chủ tịch Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường vẫn mong muốn DN bất động sản có khả năng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng có chi phí thấp hơn. Vị này cho rằng các khoản vay của NHTMCP và NHTM nhà nước hiện có mức chênh lệch khá lớn, khoảng 4 - 5%. Vì vậy, cần có sự thu hẹp khoảng cách, chi phí vay vốn giảm hơn nữa để tạo điều kiện cho DN phục hồi.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, số DN rút lui khỏi thị trường là 63.000 DN, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 1 tháng, có gần 31.500 DN rút lui khỏi thị trường, gấp đôi so với mức bình quân cả năm 2023. Đối với DN, nếu lãi suất giảm 0,1%, cũng sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí. Do đó, việc giảm lãi suất luôn là mong muốn của khách hàng, nhất là với DN trong bối cảnh thị trường hiện nay.

Giảm thêm lãi suất cho vay hỗ trợ tăng trưởng

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 2/2024, lãi suất huy động bình quân ở mức 3,3%/năm, giảm khoảng 0,2% và lãi suất cho vay bình quân ở mức 6,3%/năm, giảm khoảng 0,7%/năm so với cuối năm 2023.

 

Kinh tế Việt Nam phục hồi rất chậm trong năm 2023. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần phải có những công cụ khác. Bài toán đặt ra là việc đẩy mạnh chính sách tài khóa và giảm hơn nữa lãi suất cho vay, không phải hạ thêm lãi suất huy động. Đồng thời, cần đa dạng thêm các hình thức thế chấp, tín chấp không cần tài sản đảm bảo để thu hút người vay.

TS Võ Trí Thành

Định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN là kiểm soát lạm phát mục tiêu năm 2024 bình quân khoảng 4 - 4,5%, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu khoảng 6 - 6,5%. Chủ trương của NHNN là tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm thêm lãi suất, nhằm hỗ trợ DN. Theo giới chuyên gia, lãi suất tiền gửi sẽ khó giảm, nhưng lãi suất cho vay còn dư địa giảm thêm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

“Dù chính sách tiền tệ 2024 được dự báo tiếp tục nới lỏng, song NHNN vẫn sẽ thận trọng trong việc hạ thêm lãi suất. Mặt bằng lãi suất huy động đang ở mức thấp kỷ lục, nếu giảm thêm có thể khiến dòng vốn huy động chảy sang các kênh đầu tư khác. Dư địa tiếp tục giảm lãi suất còn khá ít vì với mức lãi suất huy động và mục tiêu kiểm soát lạm phát từ 4 - 4,5% trong năm 2024, ngành ngân hàng cần đảm bảo chỉ tiêu về lãi suất thực dương, cũng như để giảm các áp lực về tỷ giá” - TS Võ Trí Thành nhận định.

Báo cáo chiến lược của SSI Research công bố mới đây cho rằng, lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện tại có thể có khả năng giảm thêm 50 - 100 điểm cơ bản trong nửa đầu năm 2024. Hiện có khoảng 13,8 triệu tỷ đồng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng. Nếu không cho vay được, các ngân hàng sẽ vẫn phải trả lãi cho người gửi tiền. Vì thế, trong bối cảnh tín dụng tăng chậm, áp lực cạnh tranh của các ngân hàng càng nhiều hơn.

Theo các chuyên gia, lãi suất huy động quá thấp không phải là một điều tốt, lãi suất của VND thấp trong bối cảnh các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới vẫn giữ lãi suất ở mức cao sẽ gây chênh lệch lớn và ảnh hưởng đến dòng vốn cũng như áp lực với tỷ giá. Do đó, việc cần làm là giảm lãi suất cho vay tăng khả năng tiếp cận vốn cho các DN. Nên có các giải pháp cho tăng trưởng tín dụng là có những gói tín dụng với lãi suất cho vay dài hạn hơn nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ NHNN.

 

Nếu tình trạng “thừa” tiền trong ngân hàng tiếp tục kéo dài, cầu vốn của doanh nghiệp không có thì lãi suất khả năng sẽ giảm thêm, nhất là với lãi suất cho vay.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng - Học viện Ngân hàng - PGS.TS Phạm Mạnh Hùng