Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lãi suất giảm nhanh, thiết lập mặt bằng mới

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Trong tháng 6, nhiều ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất huy động. Mặt bằng lãi suất huy động đang tiếp tục đi xuống trong bối cảnh cầu tín dụng của nền kinh tế chưa tăng như kỳ vọng.

Mặt bằng lãi suất huy động liên tục giảm

Ngày 7/6, VPBank đã điều chỉnh giảm ở nhiều kỳ hạn. Mức lãi suất huy động tại quầy cao nhất là 7,6%/năm, đã giảm 0,2 điểm % so với đầu tháng 5. Đây là đợt giảm lãi suất lần thứ hai của VPBank trong quý II/2023. Mức lãi suất này đã giảm 0,2 - 0,7 điểm % so với mức trong tháng 5.

Lãi suất huy động tiếp tục giảm ở nhiều ngân hàng
Lãi suất huy động tiếp tục giảm ở nhiều ngân hàng

Cũng trong ngày 7/6, SCB đồng loạt giảm 0,4 - 0,45 điểm % lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện lãi suất cao nhất được SCB áp dụng chỉ còn 7,45%/năm, dành cho kỳ hạn 12 tháng; các kỳ hạn 13 - 36 tháng giảm về còn 7,25 - 7,35%/năm. Đây cũng là lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 1 tháng qua, ngân hàng này điều chỉnh giảm lãi suất huy động.

Techcombank cũng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn và sản phẩm. Biểu lãi suất tiết kiệm thường ghi nhận giảm nhẹ 0,5 - 0,7 điểm % so với tháng trước. So với cùng kỳ tháng trước, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 - 5 tháng đồng loạt giảm 0,7 điểm %, hiện đang được ấn định ở cùng mức là 4,7%/năm. Các khoản tiết kiệm dài hạn 6 - 36 tháng được áp dụng mức lãi suất ngân hàng chung là 7,3%/năm, thấp hơn tháng trước 0,5 điểm %.

Tại ACB, khung lãi suất huy động mới được điều chỉnh giảm 0,3 - 1 điểm % so với tháng trước. Mức lãi suất huy động cao nhất của ACB đang triển khai là 6,7%/năm áp dụng cho các kỳ hạn 13 tháng (giảm 0,6 điểm %), 15 - 36 tháng (giảm 0,3 điểm %).

Tại Nam A Bank, các mức lãi suất giảm từ 0,25 - 0,4 điểm % so với trước đó. Đây là lần thứ 2 ngân hàng này hạ lãi suất huy động trong khoảng 2 tuần qua. Đại diện Nam A Bank cho biết việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động nằm trong xu hướng chung của thị trường, góp phần hạ chi phí đầu vào để có điều kiện giảm thêm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. Đồng thời, trong bối cảnh cầu tín dụng tăng thấp, hạ lãi suất huy động cũng là tất yếu để thêm dư địa giảm lãi vay.

 

Ngoài các ngân hàng kể trên, VIB, SHB, OCB, Eximbank, VietABank, Shinhan Bank, Kienlongbank, OceanBank cũng đồng loạt giảm so với đầu tháng 5.

Công ty CP Chứng khoán SSI dự báo lãi suất huy động có thể giảm thêm 50 - 100 điểm cơ bản từ nay đến cuối năm và sẽ tiếp tục giảm vào năm 2024. Đồng quan điểm, Công ty CP Chứng khoán VnDirect cũng kỳ vọng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân sẽ hạ về mức 6,5-6,7%/năm vào cuối năm 2023

Lãi suất cho vay chờ thẩm thấu chính sách

Lãi suất huy động vẫn đang tiếp tục xu hướng giảm kể từ đầu năm đến nay, nhưng tốc độ giảm lãi suất huy động lại nhanh hơn nhiều so với lãi suất cho vay. Lãi suất cho vay cũng có giảm nhẹ từ từ sau lần hạ lãi suất hồi tháng 4/2023, nhưng vẫn chưa đủ nhiều để hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo nhóm phân tích của SSI, số liệu từ phía Ngân hàng Nhà nước cho thấy lãi suất cho vay đối với những khoản phát sinh mới đã hạ nhiệt, quanh mức 10-11% trong khi lãi suất ở những khoản vay cũ vẫn ở mức tương đối cao, khoảng 13-14%/năm.

VIB, SHB, OCB, Eximbank, VietABank, Shinhan Bank, Kienlongbank, OceanBank cũng đồng loạt giảm so với đầu tháng 5. Ảnh minh họa.
VIB, SHB, OCB, Eximbank, VietABank, Shinhan Bank, Kienlongbank, OceanBank cũng đồng loạt giảm so với đầu tháng 5. Ảnh minh họa.

Thống kê đến nay, lãi suất huy động đã giảm 1-2,5%/năm nhưng theo các ngân hàng lãi suất cho vay chưa thể giảm nhanh vì một lượng vốn huy động giá cao chưa "tiêu hóa" hết.

Mặc dù mặt bằng lãi suất huy động đang có xu hướng giảm, nhưng khoảng cách về lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng trở lên giữa các ngân hàng có sự chênh lệch lớn. Điều này cho thấy trong xu hướng giảm lãi suất chung, không phải ngân hàng nào cũng có thể ngay lập tức điều chỉnh giảm lãi suất đi theo. Trong báo cáo công bố hồi giữa tháng 5, Ngân hàng Nhà nước cũng đánh giá một số ngân hàng thương mại quy mô nhỏ duy trì lãi suất tiền gửi ở mức cao, khiến cho khả năng giảm lãi suất cho vay trở nên khó khăn hơn.

Giải thích hiện tượng này, TS Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn tài chính trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, một số ngân hàng hiện nay đã sử dụng hết hạn mức (room) tín dụng thì khó có thể điều chỉnh giảm lãi vay trên thị trường. Các ngân hàng lớn có dòng vốn rẻ, dồi dào mới có điều kiện giảm lãi vay xuống. Thế nhưng, họ cũng cẩn trọng nên không phải khách hàng nào cũng có thể tiếp cận.

"Giữa các ngân hàng lớn cũng cạnh tranh gay gắt để kéo khách hàng tốt về. Trong khi đó, các doanh nghiệp sẵn sàng vay thì ngân hàng không dám giải ngân vì không nhìn thấy phương án kinh doanh cũng như dòng tiền khả thi"- Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động do độ trễ chính sách, ngoài ra lãi suất giảm chủ yếu tập trung vào một số doanh nghiệp, ngành nghề ưu tiên.

TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành tới ba lần trong hơn hai tháng qua nhưng lãi suất cho vay chưa theo kịp với mức giảm của lãi suất huy động là vì ngân hàng lo ngại rủi ro cho sức khỏe doanh nghiệp. Trong tương lai lãi suất cho vay có khả năng sẽ giảm mạnh hơn nhưng với điều kiện các yếu tố kinh tế thuận lợi và sức khỏe doanh nghiệp tốt lên.

“Giảm lãi suất cho vay còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác bên cạnh lãi suất huy động giảm, cần thêm thời gian để “thẩm thấu” các chính sách vĩ mô khác như nới lỏng tiền tệ, hỗ trợ từ tài khóa, diễn biến lạm phát và cả thực trạng hoạt động của nền kinh tế”- ông Hiếu nhận định.