Lãi suất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội như thế nào?

Như Hương (Tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội và nhà ở công nhân sẽ được khẩn trương triển khai trong thời gian tới.

Trong kỳ họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, đại diện Ngân hàng Nhà nước từng thông tin thêm về lãi suất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội và nhà ở công nhân.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Xây dựng đã thống nhất triển khai một gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho cả chủ đầu tư và người dân mua nhà ngay trong năm 2023.

Lãi suất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội như thế nào? Ảnh: Internet.
Lãi suất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội như thế nào? Ảnh: Internet.

Thông tin cụ thể, hiện nay thị trường bất động sản đang gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân về rào cản pháp lý, sự chênh lệch về nguồn cung-cầu giữa các phân khúc, cũng như khó khăn về vốn.

Về nguồn vốn, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Ngân hàng Nhà nước ưu tiên nguồn vốn các đối tượng nhà ở xã hội và nhà ở công nhân, Bộ Xây dựng đã đề xuất với Ngân hàng Nhà nước gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng.

Sau khi nghiên cứu, cân nhắc điều kiện thực tế hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã bàn với 4 ngân hàng thương mại, qua đó, các ngân hàng thống nhất dành gói tín dụng với quy mô 120.000 tỷ đồng. Mỗi ngân hàng hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.

Về lãi suất, gói tín dụng trên không cấp bù lãi suất giống như gói 30.000 tỷ đồng trước, mà hoàn toàn do các ngân hàng thương mại triển khai. Lãi vay chỉ thấp hơn lãi vay bình quân của các ngân hàng thương mại khoảng 1,5-2%. 

Gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng chủ yếu tập trung cho nhà ở xã hội và nhà ở công nhân trong các khu công nghiệp và khu kinh tế. Nhà ở xã hội được Nhà nước có một số chính sách ưu đãi.

Cùng với lãi suất giảm so với lãi suất cho vay bình quân khoảng từ 1,5 - 2 điểm phần trăm, chưa tính đến sau này khi triển khai, như miễn tiền sử dụng đất hay một số chính sách khác nữa với mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Đến đêm ngày 27/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký văn bản số 178/TTg-CN ngày 27/3/2023 yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng vào cuộc để thúc đẩy và tháo gỡ thị trường bất động sản.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất ưu đãi theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ.

Trước đó, ngày 2/3, Bộ Xây dựng khẳng định sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng trong thời gian tới. Trong khi với quy định phát triển nhà ở xã hội hiện tại của Chính phủ, lợi nhuận định mức của các dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chỉ khoảng 10%. Như vậy, với lãi vay của các ngân hàng thương mại cao như hiện nay, gói vay ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước sẽ có lãi vay "ưu đãi" cao hơn lợi nhuận định mức 10% của các dự án nhà ở xã hội.

 

Ngày 11/3, Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ được ban hành. Nghị quyết tập trung vào 6 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm gồm: Hoàn thiện thể chế; Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội; Nguồn vốn tín dụng; Nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp; Tổ chức thực hiện của các địa phương; Thông tin, truyền thông khôi phục niềm tin, hỗ trợ thị trường và hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản.

6 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

1. Hoàn thiện thể chế:

Chính phủ cam kết tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở, bất động sản đảm bảo đồng bộ, khả thi, trong đó tập trung khẩn trương xây dựng và trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Đấu giá (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi)...

2. Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội:

Trong lúc chờ Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Chính phủ sẽ xây dựng, trình đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành "Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội".

Đặc biệt, khẩn trương hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" để tăng nguồn cung phù hợp với nhu cầu, khả năng của người có nhu nhập thấp có nhu cầu cao về nhà ở có thể tiếp cận.

Ngoài ra, đề xuất triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước.

3. Nguồn vốn tín dụng:

Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, hoạt động huy động vốn (bao gồm hoạt động phát hành trái phiếu) của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán đúng quy định pháp luật.

Kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá. Đồng thời, tạo điều kiện, không làm cản trở các doanh nghiệp (có đủ năng lực, kết quả hoạt động kinh doanh tốt, lành mạnh...) có thể huy động vốn để hỗ trợ phục hồi, phát triển.

Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm.

4. Nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp:

Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, hoạt động huy động vốn (bao gồm hoạt động phát hành trái phiếu) của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán đúng quy định pháp luật.

Kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán, tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá. Đồng thời, tạo điều kiện, không làm cản trở các doanh nghiệp (có đủ năng lực, kết quả hoạt động kinh doanh tốt, lành mạnh...) có thể huy động vốn để hỗ trợ phục hồi, phát triển.

5. Tổ chức thực hiện của các địa phương:

Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục pháp lý của các dự án bất động sản trên địa bàn; đẩy mạnh phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án bất động sản, nghĩa vụ tài chính về đất đai để tăng nguồn cung cho thị trường; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn.

6. Thông tin, truyền thông khôi phục niềm tin, hỗ trợ thị trường và hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản:

Đẩy mạnh thông tin, truyền thông thể hiện rõ thông điệp, cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng hành với địa phương, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự; bảo vệ những người và doanh nghiệp làm đúng; bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Công bố, công khai, minh bạch các thông tin, nhất là kịp thời tuyên truyền, phổ biến, công bố công khai các chính sách, quy định, giải pháp mới của Nhà nước về tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu, tình hình thị trường bất động sản,... để xã hội có các thông tin chính xác, chính thống qua đó ổn định tâm lý, ổn định thị trường.