Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lãi suất huy động ngược dòng tăng trở lại

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một loạt ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn, đáng nói có ngân hàng điều chỉnh tăng 2 lần liên tiếp. Trong khi lãi suất VND qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã tăng lên mức cao nhất một năm, tiến sát mức trần.

Lãi suất liên ngân hàng gần chạm trần

Số liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm phiên ngày 16/4 đã tăng lên 4,94%.
Từ mức 0,95% vào đầu năm nay, có lúc rơi xuống chỉ còn 0,12% những ngày cuối tháng 1, hiện tại lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng lại vọt tăng mạnh, lên gần chạm trần 5% theo quy định của NHNN và cũng là mức cao nhất trong vòng gần 1 năm trở lại đây.

Cùng xu hướng với kỳ hạn qua đêm, lãi suất hầu hết kỳ hạn chủ chốt khác đều đã tăng lên mức cao. Với lãi suất 1 tuần là 4,88%, kỳ hạn 2 tuần là 4,73%, kỳ hạn 1 tháng là 4,54%, kỳ hạn 3 tháng là 4,66%...

Hoạt động kiểm ngân tại chi nhánh BIDV Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Hoạt động kiểm ngân tại chi nhánh BIDV Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Theo chuyên gia, lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh là tín hiệu thể hiện thiếu hụt thanh khoản hệ thống trong ngắn hạn.

Phiên ngày 16/4, NHNN đã bơm ròng 21.449,93 tỷ đồng ra thị trường, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 101.400 tỷ đồng, có 33.999,82 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố.

Song song việc "bơm tiền" hỗ trợ hệ thống, NHNN vẫn duy trì hoạt động chào thầu tín phiếu 28 ngày với lãi suất trúng thầu tăng dần.

Đến nay, NHNN vẫn duy trì song song hai nghiệp vụ này để điều tiết thanh khoản của các ngân hàng, mặt khác gián tiếp nhằm giảm áp lực lên tỷ giá.
Như vậy, sau đợt thừa thanh khoản, nhu cầu tiền cho thanh khoản của các ngân hàng lại tăng.

Dự báo lãi suất huy động tăng 0,3 - 0,5%

Thị trường lãi suất huy động đang có dấu hiệu hồi phục sau thời gian dài đi xuống. Kể từ đầu tháng 4/2024, đã có một loạt ngân hàng tăng lãi suất huy động từ 0,1 - 0,3% gồm: HDBank, MSB, Eximbank, NCB, VPBank, KienLong Bank, SHB. Trong đó, VPBank và Eximbank là những ngân hàng đã tăng lãi suất huy động vào cuối tháng 3, cùng với SHB và Saigonbank.

Ở nhóm Big 4, Vietinbank cũng vừa tăng lãi suất huy động thêm 0,2% ở một số kỳ hạn.

Theo số liệu thống kê, luợng tiền gửi vào các ngân hàng đang giảm 0,76% so với cuối năm 2023. Việc tăng lãi suất tiết kiệm phần nào cũng giúp kênh này trở nên hấp dẫn hơn đối với người dân trong bối cảnh lãi suất huy động giảm sâu một thời gian dài, lại thêm việc các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, chứng khoán ghi nhận dấu hiệu hút tiền.

Về cho vay, kết thúc quý I/2024, tăng trưởng tín dụng ước đạt 1% so với cuối năm 2023. Con số này duy trì ở mức thấp nhất so với cùng kỳ của các năm trước. Còn nhớ 2 tháng đầu năm tín dụng đã tăng trưởng âm.

Trong khi các ngân hàng top sau có xu hướng tăng lãi suất, có khả năng họ gặp khó khăn về thanh khoản trong ngắn hạn, khi đó các ngân hàng có thể vay qua thị trường liên ngân hàng. Tuy nhiên, nếu lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đắt hơn thì các ngân hàng này có thể tăng phần trăm lãi suất ở kênh huy động để đáp ứng thanh khoản.

WiGroup dự báo, dư địa để các ngân hàng giảm lãi suất huy động sẽ không còn nhiều, điều này cũng là dấu hiệu sớm cho thấy lãi suất huy động đã sắp chạm "đáy".

Lãi suất huy động sẽ tạo đáy trong quý II/2024 và tăng nhẹ khoảng 0,3 - 0,5 điểm phần trăm. Nguyên nhân là do nhu cầu vốn trong nền kinh tế đang dần phục hồi, tác động đến các kế hoạch kinh doanh vốn và ngoại hối của các ngân hàng thương mại.

Trong một báo cáo mới công bố, Dragon Capital cho rằng áp lực tỷ giá vẫn sẽ duy trì trong các tháng tới, bởi vì quý II là cao điểm của mùa trả cổ tức và sự ngược chiều chính sách của các ngân hàng T.Ư với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lên ở cuối chu kỳ tăng lãi suất, có thể sẽ khiến cho đồng USD tiếp tục mạnh lên. Trong kịch bản xấu, đồng Việt Nam có thể mất giá khoảng 3 - 3,5%; lên mức 25.000 - 25.200/USD.

Dragon Capital cho rằng, kinh tế Việt Nam được dự phòng sẽ tăng trưởng ở mức GDP 6 - 6,5% trong năm 2024, mặc dù có những khó khăn trong ngắn hạn. Chính sách tiền tệ vẫn sẽ tiếp tục được duy trì nới lỏng, tuy nhiên, NHNN sẽ cân bằng hơn trong việc ổn định tỷ giá và lãi suất.

"Sau mức giảm mạnh 70 - 90 điểm cơ bản từ đầu năm, lãi suất huy động có thể sẽ tăng 30 - 50 điểm cơ bản trong các tháng tới. Đây có thể được coi như một đợt điều chỉnh lãi suất giữa chu kỳ giảm lãi suất để giảm bớt áp lực tỷ giá", Dragon Capital dự báo.

 

Việc ngân hàng tăng lãi suất huy động ngoài nguyên nhân vàng tăng, ngân hàng tăng lãi suất huy động VND nhằm tránh việc người dân rút tiền đồng đầu cơ USD trong bối cảnh tỷ giá VND/USD tăng thời gian qua. Chưa kể chính ngân hàng cũng cơ cấu lại nguồn vốn để nhằm đón xu hướng tăng tín dụng trong thời gian tới.

Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Doanh nghiệp lo vay vốn cao

Động thái này tăng lãi suất huy động các ngân hàng thương mại đang thu hút sự chú ý của người gửi tiền lẫn người đi vay. Nhiều DN cũng như người đi vay lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Chị Thu Hằng, chủ một hộ kinh doanh tại Hà Nội cho hay, đang vay vốn ngân hàng với lãi suất 7,5%/năm. “Nhưng cứ 6 tháng, tôi lại phải đáo hạn một lần. Tôi lo đến thời hạn đáo hạn phải nhận vốn với lãi suất cao hơn. Trong bối cảnh hiện nay, lãi suất tăng là thách thức với hộ kinh doanh như tôi" - chị Hằng nói.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh, bức tranh hoạt động sản xuất và kinh doanh của cộng đồng DN hiện vẫn chưa được cải thiện rõ. Thống kê khảo sát riêng các DN ở Hà Nội cho thấy, có tới 52% số DN đang lâm vào tình trạng thiếu đơn hàng để sản xuất, 32% DN khó tiếp cận vốn và 9% DN lo ngại hình sự hóa trong hoạt động kinh tế.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lại cho rằng, trong bối cảnh DN khó khăn, cầu vốn còn thấp, khả năng các ngân hàng sẽ chưa tăng lãi suất suất cho vay.

Giám đốc Công ty May DONY Phạm Quang Anh cho biết, ngành may mặc hiện đã có dấu hiệu thoát đáy nhưng vẫn chưa thể phục hồi như giai đoạn trước dịch Covid-19. Các đơn hàng đã về nhưng giá cả rất cạnh tranh. Vì vậy, lợi nhuận thu về cũng chỉ đủ bù đắp các chi phí sản xuất, chi phí lãi vay, lương cho công nhân...

“Dù lãi suất của các khoản vay đáp ứng cho nhu cầu vốn lưu động hiện đã thấp hơn khoảng 2%/năm so với một năm trước, song tôi vẫn không có ý định dựa vào vốn vay ngân hàng. Thậm chí, tôi vừa chấp nhận cắt lỗ một miếng đất để giảm dư nợ vay ngân hàng. Nói chung, ở giai đoạn hiện nay, sức mình có bao nhiêu thì làm bấy nhiêu chứ không dám mở rộng đầu tư thêm nữa” - ông Phạm Quang Anh cho biết.

Theo một chuyên gia kinh tế, giá điện tăng, xăng, dầu tăng, lương tăng… khiến chi phí sản xuất cũng tăng theo. Trong khi đó, nhiều DN vẫn còn thiếu đơn hàng, không có nhu cầu sản xuất, đương nhiên cũng không có nhu cầu sử dụng vốn.

Theo Phó Tổng Giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần, lúc kinh tế sôi động thì khách hàng tự tìm đến ngân hàng, còn giờ đây khi cầu tiêu dùng yếu, ngân hàng phải chạy đôn, chạy đáo đi tìm khách hàng dù lãi suất đã giảm xuống rất thấp. Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng đua nhau đưa ra các gói lãi suất ưu đãi. Thậm chí có ngân hàng không giới hạn quy mô gói tín dụng ưu đãi mà dựa vào cầu tín dụng, tức là nhu cầu của khách hàng tăng đến đâu thì quy mô vốn ưu đãi sẽ được nới rộng đến đó.

 

Có hai điều kiện để dòng vốn ra thị trường: một là phía cầu ấm lên, và hai là lãi suất cho vay phải duy trì ở mức thấp trong thời gian đủ lâu để DN có thể tính kế hoạch làm ăn. Ngược lại, nếu lãi suất chỉ thấp trong một thời gian ngắn rồi "giật cục" sẽ rất khó cho DN. Dù vậy, lãi suất cho vay cũng phải dựa vào "khẩu vị rủi ro" nên không thể có lãi suất thấp cho tất cả DN.

Trưởng khoa tài chính Trường Đại học Ngân hàng - TS Nguyễn Anh Vũ