Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lãi suất huy động tăng, giảm trái chiều

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hạ lãi suất là nhu cầu của nền kinh tế, vì tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm không như mong đợi.

Nhưng để hạ lãi suất được đồng loạt và không gây áp lực với các ngân hàng thì lãi suất huy động cũng phải giảm.
Tác động từ lãi suất liên ngân hàng
Báo cáo thị trường tiền tệ hàng tuần của bộ phận phân tích SSI Retail Research thuộc Công ty Chứng khoán SSI cho thấy, trong tuần cuối tháng 7, lãi suất liên ngân hàng dù đã khá thấp nhưng vẫn tiếp tục giảm. Cụ thể, lãi suất qua đêm giảm từ 0,82% vào ngày đầu tuần xuống 0,5% vào ngày cuối tuần. Lãi suất 1 tuần và 1 tháng cũng giảm 13 điểm cơ bản so với cuối tuần trước. Lãi suất đang tiến về vùng đáy tương tự như khoảng thời gian tháng 8 - 10/2016. Nhờ thanh khoản dồi dào, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuần vừa qua tiếp tục hút ròng 2.500 tỷ đồng ra khỏi hệ thống. Lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng giảm trở lại sau tuần đẩy cao huy động nhằm đáp ứng các chỉ tiêu an toàn vào cuối quý II. Hiện, lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn đã giảm, riêng kỳ hạn một tháng đã giảm từ 5% về lại 4,5%/năm.

Hoạt động nghiệp vụ tại chi nhánh VPBank Hà Nội. Ảnh:  Thanh Hải

Cụ thể, từ ngày 25/7, Eximbank đã giảm lãi suất tiền gửi từ 0,1 - 0,2 điểm phần trăm. Theo đó, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn một tháng từ 4,7%/năm xuống 4,6%/năm, kỳ hạn 2 tháng từ 4,9%/năm xuống 4,8%/năm, kỳ hạn 3 tháng từ 5,1%/năm xuống 5%/năm; riêng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng giảm từ 5,8%/năm xuống 5,6%/năm. VPBank điều chỉnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn một tháng xuống còn 4,8%/năm, kỳ hạn 2 tháng 4,9%/năm, kỳ hạn 3 tháng 5,1%. Một số ngân hàng khác cho biết đang nghe ngóng diễn biến của thị trường và có thể điều chỉnh lãi suất tiền gửi.
Lãnh đạo ACB nhìn nhận, lãi suất liên ngân hàng đang đi xuống. Vì thế, ACB tập trung huy động vốn từ ngân hàng bạn, tiền gửi dân cư kỳ hạn ngắn với lãi suất khoảng 4,9%/năm để giảm bình quân giá vốn đầu vào nhằm bảo đảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, bởi ACB dự báo nhu cầu vốn của DN trong 3 tháng tới là không cao.
Ổn định lãi suất còn nhiều thách thức
Lãi suất giảm là đáng mừng, nhưng tín hiệu này chưa lan tỏa toàn hệ thống và chỉ giảm chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn. Chẳng hạn, tại Viet Capital Bank, tiền gửi 15 tháng lĩnh lãi cuối kỳ vẫn áp dụng mức lãi suất 8,2%/năm. Tương tự, tại VietA Bank, lãi suất huy động kỳ hạn dài 13 - 15 tháng ở mức 7,8 - 8,1%/năm. Còn với SCB, lãi suất tiền gửi tiết kiệm 13 tháng là 8,1%/năm áp dụng cho khoản tiền gửi từ 1 tỷ đồng trở lên. VPBank đã quyết định tăng lãi suất kỳ hạn 24 - 36 tháng thêm 0,1 - 0,2%/năm, đưa mức lãi suất niêm yết lên 7,5 - 7,6%/năm trong ngày 13/7. NCB, Eximbank, OCB... công bố mức lãi suất huy động kỳ hạn dài cao nhất lên tới 7,9 - 8%/năm.
Theo quy định của Thông tư số 06/2016/TT-NHNN, kể từ đầu năm 2017, hệ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng từ 60% xuống 50%, đồng thời nâng hệ số rủi ro đối với các khoản kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%. Để đáp ứng quy định này, các ngân hàng phải tăng huy động vốn trung và dài hạn, giảm ngắn hạn nhằm cơ cấu lại nguồn đã cho vay. Do đó, đây là thời điểm một số ngân hàng tập trung hút vốn trung dài hạn bằng cách tăng lãi suất dài hạn và giảm lãi suất ngắn hạn để cân đối nguồn vốn.
Một số dự báo trước đây cho rằng lạm phát và tỷ giá sẽ là 2 yếu tố gây áp lực đáng kể lên mặt bằng lãi suất trong năm 2017, tuy nhiên với những gì đang diễn ra cho thấy 2 yếu tố này vẫn trong tầm kiểm soát. “Tuy vậy, trong những năm gần đây, khi lạm phát giảm, lãi suất huy động cũng tự hạ nhưng với tốc độ chậm hơn, nên NHNN cần có hỗ trợ cung tiền ra nền kinh tế để các ngân hàng có thêm nguồn vốn. Tuy nhiên, tiền hỗ trợ từ NHNN theo các cách truyền thống như mua USD, trái phiếu Chính phủ, hạ lãi suất điều hành… chủ yếu sẽ tác động đến lãi suất ngắn hạn, không thể thay thế hoàn toàn được tiền gửi dài hạn. Đó là chưa kể lãi suất còn chịu tác động từ lực cản nợ xấu” - chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực nhận xét.
Theo thông tin từ NHNN, tính đến ngày 30/6/2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 6,82%, huy động vốn tăng 7,43% so với cuối năm 2016. Dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng đối với nền kinh tế đến cuối tháng 6 tăng 9,06% so với cuối năm trước.