Từ đầu tháng 3 đến nay, một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi với khách hàng cá nhân từ 0,1 - 0,4% nhưng vẫn giữ nguyên lãi suất tiền gửi với khách hàng tổ chức. Dự báo, lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ vẫn ổn định trong quý 1 và đầu quý 2/2021, có thể nhích tăng từ cuối quý 2 khi các hoạt động kinh tế sôi động, kích cầu tín dụng.Cùng với tiền gửi tăng, từ tuần trước đến tuần này tỷ giá trung tâm được điều chỉnh tăng, khiến các ngân hàng thương mại và thị trường tự do đều tăng giá trao đổi USD.Nguyên nhân khiến đồng USD tăng giá là do, phiên họp tháng 3 của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giữ quan điểm duy trì lãi suất đồng USD từ 0-0,25% và chưa tăng trở lại cho đến hết 2023. Fed đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ từ 4,2% lên 6,5% trong năm 2021, lạm phát có thể chạm 2,4% vào cuối nay và hạ nhiệt vào 2022. Tâm lý thị trường đã tỏ ra phấn khởi đối với quan điểm lạm phát của Fed, và kỳ vọng phục hồi mạnh của nền kinh tế Mỹ khiến đồng USD tăng giá. Chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD (DXY) đã tăng lê sát 92 điểm. Do đó lợi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ đã tăng thêm 0,04 - 0,1% trong tuần qua, lên mức 1,74%/năm với kỳ hạn 10 năm. Tại Việt Nam, tỷ giá trung tâm VND/USD tăng thêm 11 đồng/USD lên sát mốc 23.200 đồng, khiến tỷ giá niêm yết của các NHTM tăng thêm 20 đồng/USD, lên 22.960/23.170 đồng/USD. Tỷ giá đồng USD trên thị trường tự do cũng bật tăng tới 150 đồng/USD chiều mua vào và 100 đồng/USD chiều bán ra, ở mức 23.920/23.980 vào sáng nay. Tình hình xuất nhập khẩu trong nửa đầu tháng 3 vẫn tích cực, trong đó xuất khẩu tăng 19,3% so với cùng kỳ và cán cân thương mại tiếp tục ở hướng xuất siêu ở mức 1,81 tỷ USD tính từ đầu năm tới nay. Hiện cung cầu ngoại tệ trong nước đang khá thuận lợi nên tỷ giá USDVND về dài hạn vẫn ổn định. Tuy nhiên, có thể dao động trong ngắn hạn theo diễn biến của đồng USD trên thị trường quốc tế.