Với chỉ số CPI tháng 8/2022 chỉ ghi nhận ở mức 2,58% và tăng 2,89% so với cùng kỳ năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 1,64%. Lạm phát tại Việt Nam tăng nhẹ chủ yếu là do đà giảm của giá xăng dầu trong tháng vừa qua.
Công ty chứng khoán Tân Việt đưa ra nhận định, CPI của Việt Nam hiện đang duy trì ở mức ổn định 2,58%, và vẫn còn dư địa để thực hiện thành công mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4%. Tuy nhiên, tiềm ẩn nhiều rủi ro tác động tới CPI trong giai đoạn cuối năm do giá nguyên vật liệu tăng tạo áp lực sản xuất và đẩy giá hàng hóa lên cao.
Bên cạnh đó, giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm trong ngắn hạn nhưng cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa chấm dứt cũng là một trong những rủi ro có thể đẩy giá năng lượng tăng.
Trong bối cảnh lạm phát cơ bản tăng cao, các ngân hàng thương mại đã có động thái tăng lãi suất huy động với mức điều chỉnh cao nhất lên đến 1% một năm. Trong đó, lãi suất gửi tiền kỳ hạn 6 tháng trong tháng 9/2022 đang dao động từ 4 - 6,6% tùy từng ngân hàng.
Động thái tăng lãi suất của nhóm ngân hàng thương mại và NHNN bán ròng 21 tỷ USD ra thị trường ngoại hối, đã phản ánh được nỗ lực của chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng của ngành ngân hàng.
Chuyên gia Công ty chứng khoán Tân Việt cũng đưa ra dự báo, các ngân hàng sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất vào nửa cuối năm 2022 và sang cả năm 2023. Do lãi suất huy động đã tăng khá nhiều và còn tăng tiếp trong giai đoạn tới, đồng thời dư địa tín dụng hạn hẹp và thanh khoản hệ thống không dồi dào. Do đó, ngành ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn khi lãi suất huy động tiếp tục tăng.
Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, các ngân hàng cần phải thắt chặt chi phí hoạt động, và duy trì mức NIM ổn định thì mới đạt được mục tiêu kỳ vọng. Do đó, nhà đầu tư nên tập trung vào những ngân hàng có các hoạt động dịch vụ tốt, những khoản cho vay trái phiếu ổn định và có tỷ lệ CASA cao.