Lãi suất tiền gửi tăng cao

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xu hướng tăng lãi suất huy động đã xuất hiện ở nhiều ngân hàng sau Tết Nguyên đán. Trong đó đáng chú ý, có ngân hàng công bố mức lãi suất huy động cao nhất lên tới 12,4%/năm, đặt ra liệu có tác động đến dư địa hạ lãi suất vay trong năm 2022.

Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất

Tại VPBank, khách hàng được hưởng lãi suất cao nhất lên tới 12,4%/năm khi gửi tiền tiết kiệm Prime Savings trên ngân hàng số VPBank NEO. Đây là mức lãi suất cao nhất tại VPBank và cũng cao nhất toàn ngành tại thời điểm này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong khi đó, Techcombank cũng đã tăng lãi suất tiền gửi 0,2 - 0,5%/năm kể từ ngày 7/2. Các ngân hàng như Bac A Bank, DongA Bank... thì nhích lãi suất thêm 0,1 - 0,2% năm; VietinBank cũng cộng thêm mức lãi suất 0,3 - 0,4%/năm cho khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến so với gửi tại quầy và mức lãi suất áp dụng đầu năm mới Nhâm Dần cũng cao hơn so với cùng kỳ năm trước 0,2 - 0,4/năm tùy theo kỳ hạn gửi…

Tương tự, SaigonBank cũng vừa điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn. ACB và VietCapitalBank cũng tăng lãi suất tiết kiệm cho kỳ hạn ngắn ở mức 0,1 - 0,2%/năm. Sacombank tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn lên 0,2%. OceanBank cũng tăng lãi suất huy động từ 0,1 - 0,5% với nhiều kỳ hạn.

Ngoài tăng lãi suất, thị trường sôi động hơn khi ngân hàng rầm rộ tung loạt chương trình quà tặng để thu hút khách hàng gửi tiền sau Tết. Đơn cử, Vietcombank lì xì may mắn trị giá 100.000 đồng cho các khách hàng khi gửi sổ tiết kiệm, vay, phát hành thẻ, chuyển tiền… tại quầy; MSB cộng thêm 0,8% lãi suất cho khách hàng gửi tiền online; Sacombank cũng cộng thêm 0,1%/năm lãi suất cho khách hàng gửi tiền tiết kiệm những ngày đầu xuân…

Thậm chí, để hút khách hàng sử dụng kênh ngân hàng số, một số ngân hàng còn tổ chức trò chơi online như: Vòng quay may mắn trên ứng dụng LienViet24h của LienVietPostBank; Bắt lì xì trên ngân hàng số digimi của Viet Capital Bank...

Lãi suất có khả năng còn tăng

Hoạt động huy động vốn ngân hàng trong 2 năm qua đã phải đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn từ các kênh đầu tư như chứng khoán và bất động sản, khiến lãi suất tiền gửi có thể chịu áp lực tăng dần từ năm 2022.

Ngoài ra, với việc tín dụng bứt tốc ngay trong tháng đầu tiên của năm mới và áp lực lạm phát ngày càng tăng, nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm của mình theo hướng tăng lên để hút tiền gửi từ thị trường.

 

Với quy mô 40.000 tỷ đồng nhưng gói hỗ trợ lãi suất này có thể ảnh hưởng tới khoảng 2 triệu tỷ đồng dư nợ của nền kinh tế, tức là khoảng 25% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng với nền kinh tế hiện nay. Do đó cần có sự giám sát chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến và phản ứng của thị trường. Nếu thực hiện không tốt, chính sách hỗ trợ có thể không đến được với những doanh nghiệp có nhu cầu thực sự. Không chỉ vậy, còn nguy cơ tác động đến hoạt động của các ngân hàng thương mại, gây áp lực lạm phát hoặc rủi ro nợ xấu... - TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam)

Theo dữ liệu từ NHNN, dư nợ tín dụng bứt phá ngay từ những ngày đầu năm; tính đến ngày 28/1/2022, dư nợ tín dụng tăng khoảng 2,74% so cuối năm trước (tăng 16,32% so cùng kỳ năm trước; tháng 1/2021 chỉ tăng 0,53%). Điều này cho thấy dòng vốn đã khai thông.

Theo tổng hợp mới nhất từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất huy động trung bình tiếp tục tăng nhẹ đầu năm 2022 đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng lên 4,79% và 5,552%/năm từ cuối tháng 1.

Theo BVSC, lạm phát giá hàng hóa tháng 1 thấp nhất 4 năm là 1,94%, tiếp tục cho phép NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng cho các tháng đầu năm 2022 để hồi phục kinh tế.

Dự báo lãi suất thời gian tới, BVSC nhận định áp lực lạm phát sẽ cao hơn khi giá nhiều loại nguyên vật liệu có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt là giá xăng dầu. "Triển vọng mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế cũng khiến nhu cầu tín dụng tiếp tục cao. Các áp lực này có thể sẽ khiến nhiều ngân hàng thương mại phải tăng lãi suất huy động", nhóm nghiên cứu BVSC nhận định. BVSC cũng đánh giá mặt bằng lãi suất năm 2022 khó giảm thêm so với cuối năm 2021 và nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ 0,25 - 0,5%.

Chuyên gia tài chính - kinh tế Huỳnh Bửu Sơn lo ngại, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng sẽ khiến lãi suất cho vay tăng theo, sẽ gây cản trở DN trong bối cảnh thị trường có khó khăn nhất định hiện nay. Vì thế, chính sách tiền tệ đang hướng về hỗ trợ DN trong năm 2022.

Trong năm 2022 - 2023, qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách sẽ cấp bù 2% lãi suất cho DN có khả năng trả nợ và có khả năng phục hồi trong ngành du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống... 40.000 tỷ đồng sẽ được chuyển tới các DN thông qua ngân hàng.

 

Ngoài gói hỗ trợ 2% lãi suất, Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời, tính toán hợp lý tỉ lệ dự trữ bắt buộc, thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5 - 1% trong 2 năm 2022 và 2023.

Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cho biết các DN rất mong chờ gói hỗ trợ này để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nhằm khôi phục sản xuất. Thế nhưng, ngân hàng cũng đang chờ hướng dẫn về gói hỗ trợ.

Chính sách phải vận hành một cách rõ ràng, nếu không sẽ rất khó đi vào thực tiễn hoặc sẽ tạo ra những khó khăn hậu quá trình bù lãi suất như đợt trước đây.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết cơ quan này đã được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT trình Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với DN, HTX và hộ kinh doanh.

"NHNN đang phối hợp với các bộ liên quan để dự thảo nghị định, đồng thời trình Chính phủ cho áp dụng thủ tục rút gọn để ban hành nghị định và thông tư hướng dẫn để có thể triển khai ngay cấp bù lãi suất sau khi văn bản được ban hành" - ông Đào Minh Tú cho biết.