Lãi suất tiếp tục xu hướng giảm

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết quả khảo sát mới nhất, tại nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động tại các kỳ hạn. 1,7%/năm kỳ hạn một tháng được ghi nhận là mức lãi suất huy động thấp kỷ lục trên thị trường ngân hàng.

Mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục giảm

Tính đến giữa tháng 1/2024, nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục áp dụng biểu lãi suất tiết kiệm thấp. Đơn cử như Techcombank công bố biểu lãi suất mới dành cho khách hàng cá nhân áp dụng từ ngày 15/1. Tại lần điều chỉnh này, Techcombank giảm lãi suất đồng loạt tại nhiều kỳ hạn, đưa mức lãi suất tại các kỳ hạn dưới 12 tháng xuống dưới mốc 4%/năm. Mức giảm lãi suất dao động từ 0,4 - 0,8 điểm % tại các kỳ hạn khác nhau.

Tương tự, MB cũng điều chỉnh giảm thêm 0,2%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 - 3 tháng xuống còn từ 2,6 - 2,9%/năm; kỳ hạn 6 - 9 tháng từ 4 - 4,2%/năm; PVCombank điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi ở tất cả các kỳ hạn từ 1 - 36 tháng thêm 0,3%/năm.

Chỉ tính riêng trong nửa đầu tháng 1/2024 đã có hơn 20 ngân hàng giảm lãi suất huy động. Một loạt các ngân hàng khác giảm lãi suất huy động từ tháng 1/2024 đến nay gồm BaoViet Bank, GPBank, Eximbank, SHB, Bac A Bank, Nam A Bank, KienLong Bank, LPBank, OCB, VIB, ABBank, NCB. Trong đó, OCB lần thứ hai giảm lãi suất kể từ đầu tháng 1.

Với nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước, từ 17/1, BIDV, Vietinbank, Agribank đồng loạt hạ lãi suất huy động các kỳ hạn. Trước đó,Vietcombank cũng đã thay đổi biểu lãi suất huy động và tiếp tục giảm 0,1 - 0,2 điểm % ở loạt kỳ hạn.

Hoạt động nghiệp vụ tại VietcomBank. Ảnh: Thanh Hải
Hoạt động nghiệp vụ tại VietcomBank. Ảnh: Thanh Hải

Chiều thấp nhất, Vietcombank vẫn dẫn đầu với 1,7%/năm kỳ hạn 1 - 2 tháng, còn tại 3 ngân hàng còn lại là dưới 2%/năm.

Lãi suất huy động trên thị trường liên tục giảm vài tháng qua trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào với lượng tiền gửi tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của cư dân và các tổ chức kinh tế đến cuối năm 2023 đã đạt hơn 13,5 triệu tỷ đồng cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng. Nếu so với năm 2022, lượng tiền gửi tăng thêm trong năm 2023 cao gần gấp đôi.

Kinh tế toàn cầu dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp trong năm 2024. Nền kinh tế trong nước được nhận định vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, dù mặt bằng lãi suất huy động đã xuống đáy, nhưng dòng tiền nhàn rỗi vẫn chảy vào kênh tiết kiệm ngân hàng.

“Chúng tôi vẫn tin sẽ có 1 đợt hạ lãi suất trong vòng 4 - 5 tháng tới" - Giám đốc Khối chứng khoán của Dragon Capital Lê Anh Tuấn nhận định. Lãi suất và lạm phát luôn có sự tương quan nhất định. Với tốc độ phục hồi kinh tế phục hồi tương đối yếu như hiện tại, lạm phát không phải vấn đề đáng ngại, quan trọng là tăng trưởng. Do đó, dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ thúc đẩy tăng trưởng vẫn còn.

 

Với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% được giao cho các ngân hàng năm 2024, tương đương với 2 triệu tỷ đồng sẽ bơm ra nền kinh tế, được kỳ vọng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng phát triển. Với tăng trưởng tín dụng thấp của năm 2023, huy động đầu vào thấp, năm 2024 còn dư địa để giảm lãi suất cho vay, đặc biệt trong bối cảnh tín dụng tăng chậm, các ngân hàng phải giảm lãi suất để cạnh tranh cho vay.
TS Nguyễn Trí Hiếu

 

“Trong bối cảnh hiện nay, xác suất tăng lãi suất trở lại khá thấp, bởi các ngân hàng thương mại đều thừa thanh khoản, lạm phát được kiểm soát và Fed nhiều khả năng sẽ hạ lãi suất” - PGS.TS Phạm Mạnh Hùng (Học viện Ngân hàng) nhận định.

Lãi vay sẽ giảm thêm

Với đầu ra, lãi suất cho vay cũng đã có diễn biến giảm. Theo công bố của NHNN, mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay đã giảm được khoảng 2,5% so với giai đoạn cuối năm 2022. Ngay những ngày đầu năm 2024, nhiều nhà băng đã hạ lãi suất cho vay mua nhà 1 - 2% so với cuối năm ngoái.

Các chuyên gia nhận định, khi nguồn tiền trong ngân hàng được huy động với lãi suất cao cho vay hết thì sẽ sử dụng đến nguồn tiền huy động với lãi suất thấp. Lúc này, lãi suất cho vay cũng giảm theo. Do đó, lãi suất cho vay trong khoảng thời gian đầu năm 2024 được dự báo giảm nhẹ.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN không đặt vấn đề tăng lãi suất, do đó một trong những giải pháp đặt ra là khuyến khích các ngân hàng phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất.

Chuyên gia Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng lãi suất cho vay bình quân sẽ có dư địa để giảm thêm 0,75 - 1,0%. Công ty Chứng khoán VCBS dự báo mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm thêm khoảng 1 - 1,5 điểm % trong năm 2024. Các ngân hàng sẽ cân nhắc hạ thêm lãi suất cho vay một số nhóm DN có triển vọng kinh doanh tốt để tái cấu trúc nợ, hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng dự báo, lãi suất cho vay trong năm 2024 có thể giảm thêm để tương xứng với mức lãi suất huy động khá thấp hiện tại.

Các ngân hàng sẽ cân nhắc hạ lãi suất cho một số nhóm DN có triển vọng kinh doanh tốt để tái cấu trúc nợ, hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, việc biên lãi thuần (NIM) đang trong đà giảm và nợ xấu có xu hướng tăng sẽ khiến các nhà băng có xu hướng thận trọng hơn trong việc cho vay. Do vậy, theo nhiều chuyên gia, sẽ có sự phân hóa trong mức giảm lãi suất cho vay.

Kích cầu tín dụng

Ngay sau khi được giao chỉ tiêu tín dụng, các ngân hàng đã triển khai ngay các giải pháp đẩy mạnh cho vay, hướng đến những khách hàng tốt, dự án triển vọng ngay từ đầu năm. Nhiều nhà băng đã đưa ra các gói lãi suất ưu đãi, giảm lãi suất cho vay và đơn giản thủ tục cho vay.

Giám đốc khối khách hàng cá nhân của BVBank Ngô Minh Sang cho biết: cuối năm thường là thời điểm nhiều người có xu hướng đi tìm xem nhà với tâm lý "đầu năm mua đất, cuối năm mua nhà". Một mức vay ưu đãi sẽ giúp cho khách hàng dễ cân nhắc hơn trong các quyết định xuống tiền. BVBank có gói tín dụng ưu đãi cho cá nhân vay linh hoạt có lãi suất từ 6,5%/năm.

Trong khi KienlongBank dành riêng mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,3%/năm cho các DN vừa và nhỏ (SME) vay bổ sung vốn lưu động trong ngắn hạn, hướng trọng tâm đến các DN thuộc các lĩnh vực trọng điểm, ưu tiên.
Tổng Giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết, ngân hàng giảm thiểu thủ tục hành chính đồng thời tiếp tục nghiên cứu giảm lãi suất cho vay đến từng đối tượng.

“Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khách hàng vay phải tính toán tài chính kỹ lưỡng thì lãi suất thấp, cạnh tranh sẽ giúp bớt áp lực tài chính. Lãi suất thấp là một lợi thế để ngân hàng cạnh tranh tìm kiếm khách hàng tốt bên cạnh thủ tục nhanh gọn, chất lượng dịch vụ tốt” - đại diện OCB nói.

Phía DN cũng ghi nhận được ngân hàng mời cho vay ngay từ đầu năm. Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thành Huy Bùi Đình Ước cho biết: “Năm 2023, đơn vị đạt doanh thu 500 tỷ đồng. Bước sang năm mới 2024, DN tiếp tục đối mặt khó khăn do chi phí vật liệu xây dựng cùng nhiều chi phí khác gia tăng. DN đang được BIDV và MB cho vay vốn đầu tư mua sắm thêm thiết bị, máy móc, bảo đảm thi công các công trình, dự án đúng tiến độ, chất lượng đã cam kết”.

Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trần Châu chuyên cung cấp các sản phẩm phục vụ xây dựng. Năm 2024, DN đã được Vietcombank tiếp tục cung ứng vốn, nâng hạn mức cho vay, tạo điều kiện để DN đáp ứng nhu cầu đơn hàng của đối tác. Tính riêng trong tháng 12/2023 và đầu tháng 1/2024, các ngân hàng đã thực hiện giảm lãi suất cho vay từ 0,2 - 0,4%/năm.

Mặc dù lãi suất thấp là yếu tố thuận lợi cho người dân và DN có thể mạnh dạn vay tiền nhiều hơn để phục vụ cho các nhu cầu tiêu dùng và kinh doanh, nhưng những biến động tương lai cũng là yếu tố cần tính toán, nhất là với các khoản vay trung và dài hạn theo lãi suất thả nổi. Cụ thể, đến thời điểm đầu năm 2024, lãi suất cho vay mua nhà của các ngân hàng nhóm Big 4 trong giai đoạn ưu đãi lãi suất chỉ còn khoảng từ 6,4 - 7%/năm. Tuy nhiên, hết thời hạn ưu đãi, lãi suất thả nổi theo biên độ khoảng 3,5%.

 

 

Các rủi ro lớn nhất có thể ảnh hưởng tới lãi suất bao gồm: rủi ro địa chính trị gây áp lực lên lạm phát, rủi ro nợ xấu khiến các ngân hàng phải duy trì lãi suất cho vay cao và rủi ro đổ vỡ ở thị trường trái phiếu khi khối lượng đáo hạn cao kỷ lục trong năm 2024.
TS Đinh Thế Hiển

 

Các DN cho rằng, lãi suất cho vay lý tưởng nhất ở thời điểm hiện tại cho kỳ trung hạn từ 3 - 5 năm vào khoảng 6,5% là hợp lý. Đồng thời kiến nghị ngân hàng cũng miễn giảm thêm phí dịch vụ, hoặc tăng hạn mức cho vay tín chấp, không tài sản bảo đảm để có thể thu hút được các khách hàng tốt tới vay vốn.