Lãi suất tiết kiệm liên tục phá kỷ lục: Áp lực lên người đi vay

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một loạt ngân hàng thương mại (NHTM) vừa điều chỉnh lãi suất huy động từ trên 10%. Tốc độ điều chỉnh lãi suất huy động tiền đồng của các ngân hàng ngày càng gia tăng. Lãi suất cho vay theo đó cũng tăng cao.

Đua tăng lãi suất huy động

Ngày 17/11, ngân hàng Sacombank tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dưới 6 tháng lên 6%/năm, kỳ hạn 6 tháng tăng vọt lên 8,3%/năm, 9 tháng lên 8,6%/năm, 12 tháng lên 8,9%/năm và từ 15 tháng trở lên lên 9%/năm.

Lãi suất huy động còn áp lực tăng. Ảnh minh hoạ
Lãi suất huy động còn áp lực tăng. Ảnh minh hoạ

Techcombank vừa công bố biểu lãi suất mới (áp dụng từ ngày 15/11), trong đó nhiều kỳ hạn được điều chỉnh tăng thêm khoảng 0,3% so với trước đó. Theo biểu lãi suất mới, lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất tại Techcombank đang là 9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng trở lên (điều kiện là mức tiền gửi từ 999 tỷ đồng trở lên, và khách hàng phải cam kết không được tất toán trước hạn); đối với kỳ hạn từ 6 - 11 tháng là 8,7%/năm; còn dưới 6 tháng lên 6%/năm.

Đáng chú ý, đây là lần thứ 4 trong tháng 11, ngân hàng này thay đổi lãi suất huy động tiền đồng theo xu hướng đi lên.

Mức lãi suất lên tới 9%/năm cũng được VPBank áp dụng cho khách hàng ưu tiên gửi tiết kiệm theo hình thức trực tuyến, kỳ hạn từ 18 tháng, không phân biệt số tiền gửi. Trong khi với khách hàng thông thường, lãi suất cao nhất là 8,9%/năm.

Tại HDBank, mức lãi suất tiết kiệm cao nhất đang được áp dụng là 9,2%/năm. Để hưởng mức lãi suất này, khách hàng cần có khoản tiết kiệm tối thiểu từ 300 tỷ đồng trở lên cho kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng.

Không chỉ các ngân hàng trên, nhiều ngân hàng khác cũng điều chỉnh biểu lãi suất huy động tiền gửi trong tháng này, có thể kể đến như: Bac A Bank, BaoVietBank, SHB, NCB, SCB, VietCapitalBank, ABBank... Trong đó, dẫn đầu bảng xếp hạng về mức lãi suất cao nhất trên thị trường hiện nay vẫn thuộc về SCB với 9,75%/năm.

 

Diễn biến lãi suất huy động ở các ngân hàng còn phức tạp khi thanh khoản dài hạn hệ thống chưa cải thiện. Nhiều ngân hàng lớn tiếp tục tăng mức lãi suất cho tài khoản không kỳ hạn lên mức trần 1%. Những tháng cuối năm là thời điểm nhu cầu thanh khoản tăng lên để phục vụ cho các nhu cầu thanh toán cuối năm. Do đó, không loại trừ khả năng có thời điểm lãi suất liên ngân hàng có thể tăng lên mức trên 10%/năm.

TS Lê Xuân Nghĩa

Thống kê của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất huy động 12 tháng trung bình trong tháng 11/2022 tiếp tục tăng thêm 0,85 điểm phần trăm so với tháng 10/2022, lên mức 7,57%/năm.

“Như vậy, lãi suất huy động 12 tháng đã tăng 1,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ và 1,75 điểm phần trăm so với cuối năm 2021. Trong khi đó, kỳ hạn 6 tháng trung bình đạt 6,99% tăng mạnh 0,97 điểm phần trăm so với mức trung bình của tháng 10” - báo cáo của BVSC viết.

Tốc độ tăng lãi suất huy động giữa các ngân hàng ngày càng căng thẳng. Lãi suất tiết kiệm liên tục phá kỷ lục khi ngân hàng chạy đua thu hút vốn, không chỉ kỳ hạn mà lãi suất tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng được tổ chức tín dụng tăng lên kịch trần cho phép.

Giám đốc khối khách hàng cá nhân một ngân hàng nhỏ cho biết, hiện nay tăng trưởng tín dụng của ngân hàng không còn nhiều nên áp lực huy động vốn để có nguồn cho vay không căng thẳng bằng việc giữ nguồn vốn huy động được. Tăng trưởng tín dụng tới cuối tháng 10/2022 ghi nhận ở mức 11,5% so với cuối năm 2021, trong khi nguồn vốn chỉ tăng 4,8%.

Lãi suất cho vay lên tới 16%/năm

Mặt bằng lãi suất huy động tăng khiến lãi vay của các ngân hàng cũng điều chỉnh tăng thêm. Lãi suất cho vay của các ngân hàng cũng đã tăng từ 0,1 - 0,5%. Eximbank mới đây vừa tăng lãi suất cơ sở đối với hợp đồng có thời hạn vay tối đa 1 năm là 8,3%/năm, từ 1 - 5 năm từ 9,25 - 9,45%/năm và trên 5 năm từ 9,4 - 9,6%/năm. ACB tăng lãi suất cơ sở lên 8,5%...

Nhân viên tư vấn của một số ngân hàng cho biết, do hạn mức tín dụng gần hết cộng thêm lãi suất huy động hiện nay tăng cao hơn 1% trong khoảng thời gian vài tuần trở lại đây, dẫn đến chi phí vốn của ngân hàng tăng, buộc họ phải tăng lãi suất đầu ra.

Lãi suất cho vay tăng khiến DN đã khó khăn lại càng thêm chật vật. Hiện, các ngân hàng đang cho vay mới với mức lãi suất trung bình 12 - 14%/năm. Thậm chí, một số ngân hàng có lãi suất cho vay ở kỳ hạn 12 tháng lên tới 16%/năm.

Không chỉ lãi suất vay mới tăng, gần đây, nhiều khách hàng có các khoản vay cũ cũng nhận được thông báo của ngân hàng về việc tăng lãi suất. Giám đốc một doanh nghiệp vận tải ở Hà Nội cho biết, công ty ông vay ngân hàng hơn 100 tỷ đồng, lãi suất hiện nay đã tăng khoảng 2,5% so với đầu năm. Như vậy, mỗi năm, công ty ông phải trả thêm khoản tiền lãi khoảng 3 tỷ đồng so với trước.

Nhiều người vay mua nhà, mua xe cho biết lo nhất là lãi suất cho vay không biết tăng đến bao giờ, vì cuộc đua lãi suất huy động vẫn đang hồi nóng, mà ngoài lãi suất thì còn khoản "bia kèm lạc" (tức muốn được giải ngân phải mua kèm bảo hiểm nhân thọ).