Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lãi tiền tỷ từ trồng cam

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người không quản ngại gian khó, tiên phong chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cam cho giá trị kinh tế cao là ông Trần Văn Bình (SN 1953) ở thôn Báo Đáp, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm.

Tự nhận là người "yêu từng thớ đất quê hương", nên vào năm 2008, dù ở cái tuổi ngoại ngũ tuần, ông Bình vẫn ấp ủ là chủ sở hữu của một vườn hoa thơm quả ngọt. Nghĩ là làm, ngay trong năm đó, ông mạnh dạn thuê 2 mẫu đất trồng 200 gốc cam đường Canh và 500 gốc cam Vinh. Nhờ chất đất phù hợp, lại được chăm bón đúng kỹ thuật nên cây cam phát triển nhanh, chỉ sau 2 năm đã cho những trái ngọt đầu tiên vàng rộm, tươi ngon. Thành công bước đầu là động lực thôi thúc ông Bình tiếp tục nhân rộng mô hình trồng cam lên đến 8ha. Thời gian đầu do chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc nên vườn cam thường bị vàng lá, thậm chí một số cây bị chết. Song với quyết tâm "vắt đất làm giàu", ông Bình đã chịu khó mày mò, học hỏi kinh nghiệm từ những người trồng cam có thâm niên trong và ngoài huyện để khắc phục nhược điểm trên. Và rồi, đất không phụ người, mô hình trồng cam của ông đã cho hiệu quả mỹ mãn.

Nhờ chăm bón đúng kỹ thuật, mỗi năm, ông Trần Văn Bình thu về từ 300 - 500 triệu đồng/ha. Ảnh: Ánh Ngọc

Chia sẻ về bí quyết để cam vừa mọng nước vừa thơm ngọt, ông Bình cho hay: "Bên cạnh việc áp dụng những kỹ thuật tiến bộ trong quá trình chăm sóc, tôi thường lựa chọn biện pháp bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường như: Sử dụng đèn sinh học bẫy côn trùng, trừ sâu bệnh bằng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, thảo mộc. Đặc biệt là tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc thu hoạch sau cách ly 2 tháng phun thuốc bảo vệ thực vật để sản phẩm cam luôn đảm bảo an toàn". Chẳng vậy mà giá bán cam tại vườn của gia đình ông luôn ở mức cao, dao động từ 45.000 – 50.000 đồng/kg. Hầu hết những vườn cam từ 2 - 8 năm tuổi của ông Bình đều cho hiệu quả kinh tế cao, đạt trung bình 300 – 500 triệu đồng/ha/năm. Năm 2016, mô hình cam đạt mức doanh thu gần 3 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí, thu lãi 1,5 tỷ đồng.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, mô hình trồng cam của ông Bình còn tạo việc làm thời vụ cho gần 20 lao động với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, ông Bình còn tích cực tham gia công tác xã hội địa phương, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ giống, vốn cho các hộ làm vườn có hoàn cảnh khó khăn của địa phương. Ông Trần Xuân Điệu – Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm cho biết, từ mô hình tiêu biểu của ông Bình, đến nay, toàn thôn Báo Đáp đã có hơn 30  hộ chuyển đổi từ cấy lúa sang trồng cam với diện tích trên 20ha. Xác định cây cam là cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao, huyện Gia Lâm đã phê duyệt dự án đầu tư bê tông hóa các trục đường chính nội đồng, kéo đường điện đến tận vườn để các hộ trồng cam yên tâm sản xuất.
Hiện nay, Hội Nông dân TP Hà Nội đang hỗ trợ địa phương xây dựng nhãn hiệu tập thể "Cam Cầu Chùa". Thời gian tới, cùng với mở rộng diện tích thâm canh, xây dựng mô hình trồng cam theo hướng VietGAP, huyện Gia Lâm tiếp tục vận động, hỗ trợ nông dân duy trì quy trình sản xuất an toàn, quảng bá sản phẩm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cam hàng hóa.