Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lái xe vận tải hàng hoá bằng ô tô ra vào Hà Nội cần đọc ngay

M. Quang - Hồng Đức
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Sở GTVT, Công an Hà Nội trong công tác phối hợp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông(TTATGT); kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn TP.

Phòng Cảnh sát Giao thông Công an TP (CATP) Hà Nội vừa phối hợp Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch liên ngành kiểm tra, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm về TTATGT, các quy định trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; vi phạm của người lái xe và và các điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện khi tham gia giao thông trên địa bàn TP.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: M.Quang
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: M.Quang

Tại hội nghị, đồng chí Lê Xuân Tiến, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT đã triển khai nội dung cơ bản của Kế hoạch liên ngành số 2688/KHLN.

Theo đó, Kế hoạch này được xây dựng trên cơ sở thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Sở GTVT, CATP Hà Nội trong công tác phối hợp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT); kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn TP; Thanh tra Sở GTVT TP - Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) - CATP xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành kiểm tra, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm về TTATGT, các quy định trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; vi phạm của người lái xe và và các điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện khi tham gia giao thông trên địa bàn TP.

Mục đích của kế hoạch nhằm tăng cường mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, khai thác hiệu quả trang thiết bị được trang cấp giữa lực lượng Thanh tra Sở GTVT Hà Nội và lực lượng CSGT - CATP trong công tác bảo đảm TTATGT, nâng cao hiệu quả kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, vi phạm của người lái xe và phương tiện khi tham gia giao thông trên địa bàn Thành phố góp phần bảo đảm TTATGT, hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông trên địa bàn TP.

Thông qua công tác kiểm tra, xử lý vi phạm để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trên địa bàn TP. Đồng thời, đánh giá đúng thực trạng năng lực quản lý, điều hành vận tải của tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, tình hình vi phạm về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn TP; phát hiện những tồn tại, hạn chế để kịp thời tham mưu, đề xuất Sở GTVT, CATP, UBND TP các biện pháp, giải pháp nhằm bảo đảm TTATGT, phục vụ Nhân dân đi lại an toàn, thuận tiện, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Căn bản làm chuyển biến nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của lái xe, chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn TP.

Kế hoạch yêu cầu lực lượng Thanh tra GTVT, CSGT khi tham gia TTKS, xử lý vi phạm phải thực hiện nghiêm túc các văn bản, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp; chấp hành nghiêm các quy trình, quy định, theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được pháp luật quy định đối với từng lực lượng.

Công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, đảm bảo “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; tuyệt đối không bố trí lực lượng làm nhiệm vụ tại các vị trí không đảm bảo điều kiện về tổ chức giao thông, tầm nhìn bị che khuất, không đảm bảo điều kiện về ánh sáng…; nghiêm cấm các hành vi “vòi vĩnh”, “sách nhiễu”, nhận tiền hoặc lợi ích vật chất để bỏ qua các hành vi vi phạm về TTATGT và các vi phạm pháp luật khác; không để việc kiểm tra làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động bình thường của cơ quan, doanh nghiệp và người dân.

Theo Kế hoạch, việc tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải hàng hóa bằng xe ô tô trên các tuyến thuộc toàn địa bàn TP, được chia thành 2 nhóm tuyến, địa bàn.

Nhóm 1: Các tuyến, địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Hà Đông, Tây Hồ, Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Long Biên; huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên. Tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm tại khu vực các đầu mối bốc xếp hàng hóa, kho hàng, cảng, bến, bãi tập kết, trung chuyển vật tư, vật liệu xây dựng, các tuyến đường Quốc lộ, Tỉnh lộ cửa ngõ ra, vào TP: QL1A, QL2, QL3, QL5, QL6, QL21B, trục Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - Võ Nguyên Giáp - Võ Văn Kiệt, các tuyến đường vành đai, đường đê, khu vực giáp ranh với các tỉnh Hòa Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Ninh...

Nhóm 2: Các tuyến, địa bàn các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm; huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thạch Thất, Chương Mỹ, Quốc Oai, Ba Vì; thị xã Sơn Tây. Tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm tại khu vực các đầu mối bốc xếp hàng hóa, kho hàng, cảng, bến, bãi tập kết, trung chuyển vật tư, vật liệu xây dựng, các tuyến đường Quốc lộ, Tỉnh lộ của ngõ ra, vào TP: QL32, đường Hồ Chí Minh (QL21A), đường 70, Đại lộ Thăng Long và hệ thống đường gom, các tuyến đường xuyên tâm, các tuyến đê...

Đối tượng kiểm tra là các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn TP.

Hành vi vi phạm cần tập trung kiểm tra, xử lý trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định và xe hợp đồng:

Vi phạm về điều kiện kinh doanh (đối với đơn vị kinh doanh vận tải): Sử dụng phương tiện kinh doanh vận tải không có phù hiệu theo quy định; không niêm yết, niêm yết không đầy đủ tên, số điện thoại của đơn vị kinh doanh ở hai bên thân xe hoặc mặt ngoài hai bên cánh cửa xe theo quy định; không lắp đặt thiết bị GSHT, camera hoặc thiết bị GSHT, camera không hoạt động theo quy định; sử dụng lái xe không đáp ứng đầy đủ các điều kiện tiêu chuẩn theo quy định, vi phạm các quy định của pháp luật về trách nhiệm của chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải...

Vi phạm các quy định về điều kiện phương tiện, điều kiện người lái xe khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông: Kiểm tra về điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện; không có hợp đồng vận chuyển hành khách; hợp đồng vận chuyển hành khách không đúng theo quy định; không có danh sách hành khách; bán vé, xác nhận đặt chỗ cho khách dưới mọi hình thức; xe hợp đồng trà trộn vào khu vực các bến xe khách liên tỉnh, các bãi xe tự phát đón, trả khách trái quy định; điều khiển xe không có giấy phép lái xe, giấy tờ xe; điều khiển xe quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông…

Vi phạm quy tắc an toàn khi tham gia giao thông: Kiểm tra, xử lý các phương tiện dừng, đỗ xe không đúng quy định...; kiểm tra nồng độ cồn, việc sử dụng chất kích thích đối với người lái xe khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, tại các bến xe khách.

Trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô và xe công-ten-nơ:

Vi phạm điều kiện kinh doanh (đối với đơn vị kinh doanh vận tải): Sử dụng phương tiện không đảm bảo điều kiện tham gia giao thông; không niêm yết, niêm yết không đầy đủ tên, số điện thoại của đơn vị kinh doanh ở hai bên thân xe hoặc mặt ngoài hai bên cánh cửa xe theo quy định; không lắp đặt thiết bị GSHT hoặc thiết bị GSHT không hoạt động theo quy định, không có phù hiệu (đối với các phương tiện kinh doanh vận tải), vi phạm các quy định của pháp luật về trách nhiệm của chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải...

Vi phạm các quy định về điều kiện phương tiện, điều kiện người lái xe khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông: Tập trung kiểm tra về điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện; kiểm tra, xử lý các phương tiện quá khổ, chở hàng hóa quá tải trọng cho phép, quá tải trọng cầu, đường bộ, vi phạm kích thước thành thùng xe, vi phạm vệ sinh môi trường giao thông, xâm hại kết cấu hạ tầng giao thông …

Kiểm tra tại các đầu mối bốc xếp hàng hóa vi phạm quy định: xếp hàng lên xe ô tô quá tải trọng, không đảm bảo các điều kiện hoạt động kinh doanh, bốc xếp hàng hóa theo quy định, …

Kiểm tra tại các công trình, dự án đang thi công có hoạt động vận chuyển bùn, đất thải, vật liệu xây dựng.

Vi phạm quy tắc an toàn khi tham gia giao thông: Kiểm tra, xử lý các trường hợp chở hàng vượt quá tải trọng phương tiện, các phương tiện dừng, đỗ xe không đúng quy định... Kiểm tra nồng độ cồn, việc sử dụng chất kích thích đối với người lái xe khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, tại các đầu mối bốc xếp hàng hóa, nhà ga, kho hàng, cảng bến, bãi tập kết, trung chuyển...

Tại hội nghị, hai đơn vị đã thống nhất nội dung phối hợp thực hiện gồm:

Tổ chức lực lượng phối hợp tuần tra, kiểm soát (TTKS), xử lý hành vi phạm về trật tự an toàn giao thông, việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn TP.

Phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ; các quy định của pháp luật về hoạt động vận tải hàng hóa trên đường bộ.