Làm ăn trong Năm 2017: Đầu tư vào đâu tốt nhất?

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại buổi tọa đàm “Làm ăn gì năm 2017?" tổ chức cuối tuần qua (11/12), hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, với bối cảnh nền kinh tế nước ta và thế giới hiện nay thì gửi tiết kiệm, tiếp đó là bất động sản (BĐS) sẽ là các kênh đầu tư hấp dẫn hơn cả.

Kênh tiết kiệm: An toàn
“Nếu có 1 tỷ đồng, tôi bỏ ngân hàng nhận lãi suất khoảng 6%, an toàn nhất” - TS. Nguyễn Trí Hiếu đưa ra ý kiến. “Lợi nhuận cao, rủi ro cao, tôi có tiền không có gì tốt hơn là tiết kiệm”- PGS.TS Ngô Trí Long cùng quan điểm.

Thị trường bất động sản trong những năm tới sẽ có nhiều chuyển biến tích cực.  Ảnh: Thanh Hải

Với thị trường chứng khoán (TTCK), ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, vẫn còn nhiều yếu tố bất định khá cao và bị ảnh hưởng rất mạnh bởi TTCK toàn cầu. Hai yếu tố ảnh hưởng đến chứng khoán là vĩ mô và cung cầu. “Về dòng tiền, năm 2017 có một vấn đề mà tôi khá lo lắng là lãi suất tăng. Về cung, hiện nhiều công ty niêm yết và IPO, 12 DN rất lớn của Việt Nam chuẩn bị niêm yết với tổng vốn lên tới 260.000 tỷ đồng. Ngoài ra còn có DN tư nhân lớn như Vietjet, Masan, Novaland, tổng vốn hóa vào 100.000 tỷ đồng. Cộng hai nhóm vốn hóa là 360.000 tỷ đồng, chiếm 2/3 vốn hóa TTCK. Cung ra nhiều vậy, TTCK sợ không hấp thụ hết được” - ông Linh phân tích và cho rằng, cơ hội có thể đến từ những cổ phiếu riêng lẻ, có tính chất riêng để hấp dẫn những quỹ đầu tư riêng biệt, tuy nhiên họ nhìn vào nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề tỷ giá. Các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) sẽ mạnh. Dòng tiền sẽ đi về công ty thay vì đi vào thị trường chính thức.
Liên quan đến vàng, thời điểm này, giá vàng trong nước còn chịu sự ảnh hưởng khó lường từ tác động của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là sự sụt giảm của TTCK toàn cầu và giá dầu thô. Cùng với lợi nhuận là rủi ro rất lớn khi kinh doanh trong thị trường này, theo số liệu thống kê tại thị trường Việt Nam, tỷ lệ rủi ro thường trên 90% với NĐT, do đó, các NĐT cần hết sức thận trọng.
Bất động sản: Tiềm năng nhưng chính sách cần rõ ràng
Đà tăng BĐS từ năm 2015 đến giữa năm 2016 đã hụt hơi, dẫn tới hiện nguồn cung tăng so với cầu. Tuy nhiên, có những mảng trong thị trường nhà như nhà ở giá rẻ hay nhà ở xã hội hiện vẫn đang thiếu vắng. Xét trong dài hạn hơn, nền kinh tế đang tiếp tục được cải thiện, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, quy mô hộ gia đình giảm, dân số trẻ… là những yếu tố then chốt thúc đẩy nguồn cầu BĐS trong một vài năm tới. Sự tăng trưởng của năm 2017 là tốt nhưng người mua nên thận trọng khi định hướng mua để có thể đáp ứng nhu cầu của mình. Luật sư Trương Thanh Đức đưa ra ý kiến đầu tư vào BĐS, song cần biết rõ những tín hiệu từ chính sách vĩ mô “có nên đánh thuế với những người sở hữu từ nhà thứ 2 không”?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, hiện trong các Ủy ban của Quốc hội, xu thế muốn đánh thuế nhà thứ 2 trở lên đang dần dần phát triển, nhưng đến thời điểm nào đưa ra còn căn cứ vào tác động với thị trường. “Việc đưa chính sách thuế dù đúng nhưng tác động ngược lại cũng rất lớn, nên chúng tôi đang cân nhắc. Thường trực Ủy ban Kinh tế đang tính toán tác động, dự kiến năm 2017 sẽ tiếp tục đánh giá theo dõi thêm thị trường. Năm 2018, kinh tế có thể sẽ tốt hơn, thì chính sách trên có thể sẽ được thông qua vào tháng 5/2018” - ông Kiên cho biết.