Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm báo trong chiến tranh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng thế hệ phóng viên chiến trường trong những năm kháng chiến chống Mỹ chúng tôi luôn ý thức được mình là người sẽ lưu giữ lịch sử của cuộc chiến đau thương nhưng anh hùng này.

Lịch sử chiến tranh qua ngòi bút, qua những hình ảnh mà chúng tôi đã dành cả máu, mồ hôi và nước mắt của mình để ghi lại sẽ trở thành hồi ức được lưu giữ mãi mãi và là cầu nối giữa quá khứ với tương lai, bồi đắp cho tinh thần yêu chuộng hòa bình… của dân tộc. 
Tác giả (bên trái) và đồng nghiệp tại thị xã Kampot (Campuchia) năm 1978.
Tác giả (bên trái) và đồng nghiệp tại thị xã Kampot (Campuchia) năm 1978.
Ngày ấy, tôi vừa tốt nghiệp khóa 8 khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau một thời gian ngắn ở Quảng Ninh, đầu năm 1968, tôi được điều về tổ phóng viên Hà Tĩnh và công tác ở đây tới giữa năm 1972. Khi đó, Mỹ đang thực hiện chiến tranh phá hoại lần thứ nhất ra miền Bắc, và Hà Tĩnh là trọng điểm đánh phá của không quân địch. Báo chí phương Tây thường gọi đây là vùng cán xoong nhưng với quân và dân ta, địa danh máu và lửa này là chiến trường A, bên cạnh những chiến trường ác liệt khác là B, C, D. Cánh phóng viên chúng tôi khi đó tác nghiệp trong điều kiện gian khổ không khác gì các đồng nghiệp ở các chiến trường khác trên 3 nước Đông Dương, dù về tiêu chuẩn không được hưởng chế độ chiến trường như anh chị em ở B, C, D.

Hà Tĩnh khi đó có 2 tuyến đường huyết mạch đi qua là QL1 sát biển và QL15 đi ven miền Tây bắt đầu từ Nghệ An qua địa phận Hà Tĩnh tới Quảng Bình rồi sang Lào. Đây chính là đoạn đường mở đầu của con đường Trường Sơn huyền thoại. Để triệt phá các con đường huyết mạch nối giữa miền Bắc và chiến trường miền Nam, máy bay Mỹ ngày đêm quần thảo, thả bom, bắn tên lửa phá sập toàn bộ các cầu, bến phà như cầu Nghèn, cầu Cày, cầu Na, cầu Phủ, cầu Nga, cầu Giác… và biến khu vực xung quanh thành “vùng trắng”, găm đầy bom đạn chưa phát nổ. Vì máy bay Mỹ đánh phá ác liệt tuyến đường này nên phong trào “xe chưa qua, nhà không tiếc”, “địch phá, ta sửa ta đi” rồi “địch phá ta cứ đi” của đồng bào khu 4 đã được báo chí thời đó nhắc đến nhiều lần.

Nhưng dù các phong trào này lên cao, chúng ta vẫn không thể sử dụng QL1 để đưa quân, hàng hóa vào chiến trường mà phải dựa vào địa hình rừng núi, trung du bán sơn địa, ít sông suối của QL15 để vận chuyển. Từ đó, QL15 trở thành con đường huyết mạch, nối hậu phương với tiền tuyến nhưng cũng đồng thời là trọng điểm đánh phá thường xuyên của địch. Trên đoạn QL15 qua Hà Tĩnh, ngã ba Đồng Lộc là địa danh nổi tiếng nhất cả về vai trò trọng yếu cũng như về mức độ khốc liệt. Cắt đứt ngã ba này là cắt đứt con đường vận chuyển vũ khí, quân nhu vào chiến trường nên nơi đây trở thành chiến địa mặt đối mặt giữa ta và giặc Mỹ trong suốt nhiều năm. Chính tại khu vực trải qua nhiều đau thương, mất mát nhưng anh hùng này đã nổi lên những tấm gương chiến đấu kiên cường như 10 nữ TNXP của tiểu đội 4 đã dũng cảm hy sinh trong một trận bom, anh hùng La Thị Tám cắm chốt trên cao điểm giữa ngã ba để cảnh báo bom, hay anh hùng Nguyễn Tiến Tuẫn tham gia bảo đảm giao thông thông tại đây, anh hùng lái máy ủi Vương Đình Nhỏ không quản nguy hiểm gạt bom chưa nổ để thông đường…

Trong những năm tháng ấy, vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, tôi cùng tổ phóng viên Hà Tĩnh luôn bình tĩnh, lạc quan, không quản ngại hy sinh để tác nghiệp, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp một phần không nhỏ vào chiến thắng chung của dân tộc. Với tinh thần có lệnh là đi, có việc là đến, có lần, chúng tôi đã vượt gần 60km đường từ nơi sơ tán vào chân đèo Ngang, khi tới cửa hàng ăn uống Núi Voi đã là 5 giờ chiều, trời chạng vạng tối. Cửa hàng đã bị máy bay Mỹ san phẳng, không một ai sống sót. Trong đêm tối, chúng tôi tìm được chỗ trên đỉnh đồi để chôn cất những người đã hy sinh, tìm các nhân chứng để viết tin và gửi về Hà Nội. Chiều hôm sau, Đài Tiếng nói Việt Nam đã đọc tin của tổ phóng viên chúng tôi trong mục Tố cáo tội ác chiến tranh của chương trình thời sự chính. Đây chỉ là một trong những sự kiện được tổ phóng viên Hà Tĩnh phản ánh đầy đủ, không sót một vụ đánh phá nào của không quân Mỹ nhằm vào các khu dân cư trong suốt 4 năm chiến tranh phá hoại. Những tin tức chân thực ấy đã hun đúc nên ý chí quyết tâm đánh và đánh thắng giặc Mỹ của quân và dân ta, góp phần nói lên sự thật cho nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới hiểu về bản chất thật sự của đế quốc Mỹ.

 Một lần khác, nghe tin 10 cô gái tại ngã ba Đồng Lộc hy sinh sau một trận bom, cả tổ phóng viên Hà Tĩnh đã nhanh chóng có mặt ở hiện trường. Đó là một chuyến đi đầy nguy hiểm nhưng đứng trước 10 chiếc quan tài phủ đầy hoa rừng giữa sườn đồi hun hút gió, chúng tôi biết hình ảnh, tin tức về những nữ anh hùng ấy sẽ tiếp thêm sức chiến đấu cho quân và dân cả nước…

Trong quãng đời làm phóng viên chiến trường, điều khiến chúng tôi nhớ nhất là khâu chuyển tin, bởi viết tin, chụp ảnh mới chỉ hoàn thành 20% công việc, 80% còn lại phụ thuộc vào khâu chuyển tin có kịp thời hay không. Có trường hợp vì không chuyển được tin, bài kịp thời nên cả chuyến công tác gian khổ bị uổng phí. Phương tiện liên lạc chủ yếu với Thông tấn xã hay Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn là máy đánh tín hiệu bằng moóc của Trung Quốc. Chất lượng của moóc phụ thuộc nhiều vào thời tiết, vào ăng ten, vào nguồn điện. Nếu trên đường đi, gặp mưa gió, sấm sét, tín hiệu sẽ bị nhiễu, có khi phải bỏ phiên liên lạc. Muốn tín hiệu rõ, phải căng ăng ten cao, mà ăn ten cao rất dễ bị máy bay địch phát hiện. Cơ cực nhất là thay phiên nhau quay máy phát điện dù máy phát 15kW không đến nỗi quá nặng, nhưng khi đã phát tín hiệu moóc thì vất vả vô cùng. Quay mấy vòng là mồ hôi vã ra như tắm trong khi muốn phát một bài chừng 500 - 800 chữ, phải quay cả giờ đồng hồ liên tục, không lúc nào được nghỉ. Vì thế, chúng tôi thường thay phiên nhau làm việc này. Chỉ khi nào phía đầu nhận tin báo đã nhận đủ tin, bài, ảnh và kết thúc phiên liên lạc, chúng tôi mới có thể tạm yên tâm.

Chiều phát đã vất vả, chiều nhận cũng khổ cực không kém. Ở chiến trường, không được tiếp cận thông tin qua giao ban, đài báo nên những thông tin thu lượm tình cờ rất quan trọng. Tổ phóng viên chúng tôi có một máy thu thanh ô-ri-ông-tông buộc pin ngoài và gần như mọi thông tin mà chúng tôi tiếp nhận được đều từ chiếc máy đó. Từ chuyện Bác Hồ mất, tình hình chiến sự hai miền, tình hình sản xuất ở miền Bắc, diễn biến của Hội nghị Paris đến các tin tức thế giới khác. Ở chiến trường, không thể chờ Trung tâm hướng dẫn và chỉ đạo mọi chuyện mà chúng tôi phải tự “suy ra” từ những thông tin nghe được.

Để kể về cuộc đời làm phóng viên chiến trường, kinh nghiệm tác nghiệp trong chiến tranh, tôi và những đồng nghiệp cùng thời cần nhiều hơn khuôn khổ và dung lượng của một trang báo. Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với tư cách là một phóng viên chiến trường đã nếm trải những gian khổ, hy sinh nhưng cũng được chứng kiến vô vàn những tấm gương anh hùng, tôi hy vọng các thế hệ nhà báo hôm nay và tương lai phát huy được truyền thống kiên trung, tinh thần sẵn sàng hy sinh, chịu khó và chịu khổ của thế hệ đi trước để hoàn thành tốt sứ mệnh của người chiến sĩ trên mặt trận báo chí.