Làm du lịch tại hệ thống thư viện: Giấc mơ xa vời!

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Con số thống kê của ngành thư viện mới đây cho thấy, tỷ lệ đọc sách của người dân trong các thư viện công cộng (TVCC) chỉ khoảng 0,4 cuốn/người/năm. Nguyên nhân là do công nghệ, đặc biệt là internet phát triển từng ngày, trong khi các thư viện lại vẫn rất đơn điệu.

Dịch vụ đơn điệu

Ngoài một thư viện quốc gia, hiện Việt Nam có 63 thư viện tỉnh, TP, gần 600 thư viện cấp quận, huyện, hơn 6.000 thư viện, phòng đọc sách ở các xã, phường, thôn, bản. Gắn kết với TVCC còn có khoảng 10.000 tủ sách pháp luật, hàng ngàn điểm bưu điện - văn hóa xã, phường. Đấy là chưa kể hàng vạn thư viện thuộc các trường học, ngành nghề… Song buồn là hầu hết các thư viện đều hoạt động không hiệu quả, thậm chí có nơi lặng lẽ.. đắp chiếu.

Làm du lịch tại hệ thống thư viện: Giấc mơ xa vời! - Ảnh 1

Các độc giả sách, báo tại Thư viện Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Nhìn thực trạng này, nhiều người chép miệng "đổ lỗi" cho sự lấn át của văn hóa nghe nhìn, sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông. Như Lê Thị Mai - sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: "Em trọ xa nên đến thư viện trường đọc sách rất mất thời gian, việc tìm và mượn sách cũng mất cả tiếng đồng hồ. Thế nên, em thường tra cứu thông tin trên internet, chỉ những tài liệu nào duy nhất thư viện trường có em mới lên mượn đọc". Không phủ nhận những tác động đó, song cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, các sản phẩm dịch vụ của TVCC vẫn "dậm chân" mãi ở sự nghèo nàn, đơn điệu. Phương thức phục vụ còn thụ động, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng và luôn thay đổi của người sử dụng. Đơn cử như số bản sách tính trên đầu người dân ở các TVCC chỉ mới đạt 0,4 cuốn/người, dù cho trong chiến lược phát triển, ngành văn hóa đặt mục tiêu 0,8 cuốn sách/người dân vào năm 2015 và 1 cuốn/người dân vào năm 2020.

Ngóng một hệ thống hiện đại

Thực tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới đã thu lời từ việc khai thác hệ thống TVCC làm du lịch. Ví như ở Anh, thư viện là nơi cung cấp thông tin, sách hướng dẫn du lịch trên toàn quốc. Tòa nhà thư viện ở TP Seattle (Mỹ), Thư viện quốc gia Pháp… là điểm đến thu hút sự chú ý trong tour du lịch của du khách. Hay ở Singapore, cán bộ thư viện quốc gia là một hướng dẫn viên về bảo tàng… Trước xu thế đó, đầu năm 2012, hệ thống TVCC ở nước ta đã được Bộ VHTT&DL tạo "cơ chế mở" để đón khách, nhưng cho đến giờ vẫn chưa có thư viện nào nhập cuộc được. Bởi, hầu hết công trình thư viện hiện nay chưa phải là một công trình kiến trúc, văn hóa đặc sắc. Hơn nữa, các thư viện không có những bộ sưu tập đặc biệt, phản ánh đặc trưng vùng đất, con người khiến du khách phải tìm đến tra cứu, trước khi khám phá nơi họ muốn đến.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai - Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTT&DL) cho biết: "Hầu hết thư viện cấp huyện, xã ở nước ta hiện không nằm trong trung tâm văn hóa, nên chức năng của thư viện sẽ bị lu mờ, người dân ngại đến, nói gì đến chuyện phục vụ du khách". Theo bà, một thư viện hiện đại phải là một trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, phải có các dịch vụ bổ trợ phục vụ bạn đọc như quầy bán đồ lưu niệm, dịch vụ cà phê - sách… Bởi trong bối cảnh hiện nay, người dân đến thư viện vừa để đọc sách, vừa thư giãn, vừa truy cập internet để tìm kiếm thông tin. Nếu không "đuổi kịp" và thích ứng được với nhu cầu của bạn đọc, thì người đến thư viện đã vắng sẽ ngày một vắng. Và khi đó, giấc mơ làm du lịch sẽ vẫn mãi xa vời.