Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lạm dụng tiêu chí xanh để trục lợi

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu như trước đây, yêu cầu về giá thành và vị trí được xem là những yếu tố tiên quyết để khách hàng lựa chọn căn hộ, thì nay... gió đã đổi chiều.

Kinhtedothi - Khi nền nhiệt độ có xu hướng tăng, các công trình đạt chuẩn xanh mới tạo ra sức hút lớn. Nắm bắt được tâm lý trên, nhiều dự án tại Hà Nội khi quảng cáo luôn gán mác tiêu chuẩn xanh của Mỹ, Singapore...

“Khoảng cách giữa quảng cáo và thực tế độ xanh của bất động sản (BĐS) đang có độ vênh rất lớn. Nguyên nhân cốt lõi là do người kinh doanh vẫn lạm dụng tâm lý của người mua nhà để trục lợi” - GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nhận định.

Mượn nhãn xanh để kích cầu

Hà Nội ngày càng trở nên ngột ngạt bởi sự xuất hiện của hàng loạt khối công trình bê tông, nhất là trong những ngày nắng nóng cao điểm như vừa qua. Các chủ đầu tư lập tức cụ thể hóa bằng tiêu chí xanh áp dụng vào mỗi dự án (DA). Bởi, các sản phẩm BĐS có nhiều khoảng xanh đang được cộng điểm tối đa. Khảo sát các dự án hot trong thời gian gần đây tại Hà Nội như Discovery Complex, Thăng Long Garden, EcoLife Capitol… ghi nhận tiêu chí xanh được sử dụng triệt để trong marketing. Nghịch lý ở chỗ, dù môi giới liên tục khẳng định căn hộ chuẩn xanh nhưng hiếm chủ đầu tư nào cam kết trong hợp đồng rằng, khi giao nhà, DA sẽ được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn như quảng cáo. Việc quảng bá công trình xanh vì thế được xem như chỉ mang tính chất cảm tính, không có chế tài và tiêu chuẩn cụ thể.

Khách hàng tham khảo thông tin nhà ở một dự án xanh tại Hội chợ bất động sản diễn ra ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Chị Chu Vân Anh – khách hàng mua nhà tại DA Discovery Complex (302 Cầu Giấy) do Công ty CP Đầu tư thương mại dịch vụ Cầu Giấy, thành viên của Kinh đô TCI Group làm chủ đầu tư bức xúc: “Mảng xanh chỉ là yếu tố bánh vẽ câu khách từ chủ đầu tư để trục lợi. Tại thời điểm ký hợp đồng mua bán căn hộ với người mua, phía Kinh đô TCI Group cam kết DA có hệ thống các tầng cây xanh thiết kế xen kẽ giữa các tầng căn hộ để tạo môi trường xanh cho cư dân. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, theo thông tin khách hàng nắm được, không còn bất kỳ tầng cây xanh nào. Thay vào đó là các sàn thương mại hoặc căn hộ để tối đa hóa lợi nhuận".

Đang tìm kiếm một căn hộ đạt tiêu chuẩn xanh cho gia đình, anh Nguyễn Anh Tuấn (Thanh Xuân) đang tỏ ra hết sức băn khoăn. “Đa phần các DA tại Hà Nội đều được quảng cáo theo hướng đảm bảo tiêu chí xanh. Vì thế, đặc biệt nhấn mạnh đến tiêu chí không gian cây xanh hay phổ biến hơn là giáp sông, hồ điều hòa. Do đó, tên dự án bao giờ cũng thêm Eco (sinh thái), Green (xanh), Nature (thiên nhiên), Garden (khu vườn), Riverside (bên sông). Tất nhiên, gần sông với nhiều cây xanh là tốt. Thế nhưng, nếu đảm bảo tất cả các tiêu chí theo tiêu chuẩn Leed của Mỹ thì khó đạt” – anh Tuấn cho biết.

Thực tế cho thấy, hiện tượng mượn nhãn DA BĐS xanh nhằm gia tăng khả năng xoay vòng vốn và mở rộng diện người mua, nhưng các DA đạt chuẩn xanh chưa nhiều. Chủ yếu tập trung ở các khu nhà ở thương mại hạng sang, với tiêu chuẩn của các đơn vị tư vấn nước ngoài như Edge (của tổ chức IFC thuộc Ngân hàng Thế giới); Green Mark (Singapore), Leed (Mỹ), Lotus của Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC). Trong khi đó, hầu hết các công trình quảng cáo xanh trên thị trường chỉ mang tính chất chung chung, ví như: Môi trường sống xanh, cuộc sống xanh, TP xanh…

Theo quan điểm của giới chuyên môn quy hoạch, mốt BĐS xanh là con dao hai lưỡi. Nếu DN không tôn trọng những chuẩn mực tối thiểu về pháp luật và đạo đức kinh doanh, nói sai sự thật, cơ sở pháp lý không vững chắc phải chịu hiệu ứng ngược từ khách hàng. Nếu những thông tin và luận điểm công trình xanh mang tính chất mập mờ thì đây không chỉ là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, làm vẩn đục môi trường kinh doanh, mà còn đầu độc thông tin thị trường cũng như nhiễu loạn truyền thông và lòng tin từ người mua.

Xanh khi còn trứng nước?

Đại diện VGBC cho biết, bản thân việc cấp chứng nhận xanh chỉ được thực hiện sau khi công trình đã hoàn công từ 6 - 10 tháng. Như vậy, việc nhiều chủ đầu tư quảng cáo DA đạt tiêu chuẩn xanh, đặc biệt là những công trình còn ở giai đoạn trứng nước như hiện nay là không chính xác.

Theo TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, hiện nay, cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đang có phong trào sáng tác kiến trúc xanh hóa đô thị. Điều này thể hiện ở các khu đô thị xanh, công trình kiến trúc xanh. Việc đánh giá về tiêu chí công trình xanh ở mỗi quốc gia có một hệ thống khác nhau. Ví dụ Hongkong (Trung Quốc) và Trung Quốc dựa trên 3 tiêu chí, ở Mỹ đánh giá hơn 10 tiêu chí. Riêng tại Việt Nam, thống nhất tiêu chí xanh phải đảm bảo 5 tiêu chí được xem xét tổng thể cả khu vực chứ không phải một công trình riêng rẽ. Trong đó phải đáp ứng được yêu cầu về mật độ cây xanh, năng lượng và yếu tố kiến trúc. Những năm vừa qua, nhiều công trình mang xu hướng kiến trúc xanh của Việt Nam đã đạt được giải thưởng nước ngoài, ví dụ điển hình nhất là khu đô thị Ecopark. Do đó, để xem xét chuẩn xanh phải bao quát cả một hệ thống chứ không thể xem xét vài tiêu chí. Đó cần là sự kết hợp giữa cây xanh, không gian công cộng, tiết kiệm năng lượng, sự nhất quán giữa mối quan hệ trong công trình với bên ngoài.

“Hiện nay, rất nhiều DA chưa đáp ứng đủ tiêu chí vẫn được quảng bá xanh nhằm tạo sức hút kinh doanh. Điều này đòi hỏi người mua phải có nhìn nhận thông minh, tìm hiểu kỹ giấy chứng nhận xanh của tổ chức cấp chứng chỉ đó. Hết sức tỉnh táo và thận trọng với những lời quảng cáo có cánh từ chủ đầu tư. Nếu không sẽ dẫn đến mâu thuẫn xanh trên lý thuyết chứ không phải thực tiễn công trình xanh mà mình lựa chọn” – ông Nghiêm cảnh báo.

Đồng quan điểm, ông Võ Hoàng Phong - Quản lý dự án, VGBC phân tích, những DA chung cư mà chủ đầu tư quảng bá thường gắn chữ xanh hoặc không gian xanh chỉ cung cấp chung chung về ngạch chứ không đưa ra được những con số cụ thể để đo mức độ sử dụng tài nguyên, tiện nghi sử dụng của người mua. Đồng thời, các tác động ô nhiễm đến môi trường được giảm thiểu như thế nào.

Có thể thấy, tiêu chí xanh dành cho phân khúc chung cư đang bị nhiều chủ đầu tư lạm dụng. Vì vậy, bên cạnh sự thận trọng của người dân khi giao dịch, thì cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là Bộ Xây dựng cũng cần thể hiện rõ nét hơn vai trò của mình. Trong đó, cần giám sát, kiểm tra các chủ đầu tư, thực hiện đảm bảo các công trình thi công theo đúng tiêu chuẩn xanh đã đăng ký.

Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam: Vẫn lệch chuẩn

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tại Việt Nam hiện có khoảng 60 công trình xanh. Tuy nhiên, các chuyên gia BĐS cho rằng, nếu so sánh chuẩn chỉ theo các tiêu chuẩn xanh của quốc tế thì con số trên ít hơn nhiều.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, thực tế, đại đa số chủ đầu tư, người mua nhà, các sàn giao dịch BĐS của nước ta… đang hiểu khá lệch khái niệm công trình xanh.

Ông đánh giá như thế nào về số lượng, chất lượng và triển vọng công trình xanh ở Việt Nam trong thời điểm hiện nay?

- Việc phát triển công trình xanh là xu hướng đã phát triển cách đây nhiều năm trên thế giới. Dù vậy, ở Việt Nam tốc độ hình thành các DA BĐS đúng chuẩn xanh còn chậm hơn các nước trong khu vực 15 năm. Mỗi năm, Việt Nam có thêm 100 triệu m2 nhà ở. Trung bình 1m2 nhà ở tiêu thụ điện khoảng 120kWh/năm sẽ cho ra một con số tiêu hao năng lượng lớn. Đó là chưa tính đến 1,5 tỷ m2 nhà ở đã có hiện nay. Nếu chúng ta áp dụng tốt các tiêu chí xanh như nhiều quốc gia để mức tiêu thụ điện của 1m2 nhà ở chỉ còn 60kWh/năm là một sự tiết kiệm khổng lồ. Triển vọng phát triển công trình xanh của chúng ta vì thế là lớn, song lộ trình để hiện thực hóa thì còn mù mờ. Khái niệm xanh được nhiều DN lẫn khách hàng tại Việt Nam thường nghĩ tới chủ yếu là trồng nhiều cây xanh. Suy nghĩ này chưa hẳn là sai nhưng chưa đủ. Xét theo khía cạnh chuyên môn, công trình xanh còn phải hội tụ nhiều yếu tố khác như sử dụng tài nguyên (năng lượng, nước…) tiết kiệm và tái tạo, mức độ thân thiện với môi trường hay an toàn cho sức khỏe con người.

Lý do dẫn đến tình trạng tiêu chí xanh vẫn còn là thách thức đối với hầu hết các DN Việt Nam?

- Việt Nam chưa hình thành quy định bắt buộc các công trình xây dựng phải đáp ứng tiêu chí xanh. Do đó khó đòi hỏi sự tuân thủ của thị trường. Các DA chung cư được quảng bá xanh thì một mình một phách, chẳng theo tiêu chuẩn nào, nhằm mục đích marketing để bán hàng. Hơn 60 công trình được chứng nhận xanh hiện nay chủ yếu là do các chủ đầu tư thực hiện, nhằm phục vụ quảng bá thương hiệu và những công trình mà chủ đầu tư sẽ trực tiếp vận hành trong vòng đời DA. Còn những DA xây lên, quảng cáo rầm rộ “xanh” nhưng bán xong, hết bảo hành là hết trách nhiệm thì khó đòi hỏi sự tuân thủ quy chuẩn công trình xanh. Bài toán đặt ra là phải cân bằng lợi ích giữa nhà đầu tư với người sử dụng tại các DA.

Xin cảm ơn ông!

Gia Tuấn (thực hiện)