Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - TS Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, có nhiều nguyên nhân, nhưng trên hết chính là vấn đề trách nhiệm.
Phải xuất phát từ tinh thần trách nhiệm
Thời gian vừa qua, tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm là vấn đề đang được nói đến nhiều, là một người từng làm việc trong ngành nội vụ và nghiên cứu nhiều về công tác cán bộ, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Đây là một thực tế đang diễn ra. Theo tôi, việc “không dám làm”, e dè, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, nguyên nhân nổi lên là nhiều người trước đây làm ẩu hoặc từng làm chưa đúng, tuy nhiên chưa bị xem xét xử lý. Đến khi việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, làm rất tích cực, làm không ngừng nghỉ, nhiều người bị xử lý, không có vùng cấm.
Trong các lĩnh vực như đấu thầu, đấu giá, đất đai..., nhiều sai phạm được chỉ ra, bị xử lý, nên họ sợ, chùng xuống, không dám làm. Bởi làm thì lo sợ sẽ bị xử lý.
Cùng với đó, hệ thống pháp luật cũng còn những điểm chưa đồng bộ, vướng mắc, chồng chéo, nhiều chính sách, cơ chế trong khu vực công chưa hợp lý dẫn đến việc cán bộ, công chức e ngại "làm sẽ sai".
Bởi thực tế cũng vẫn còn việc có thể làm theo luật, quy định này thì đúng nhưng lại không đúng theo luật, quy định khác. Từ đó cũng khiến cán bộ dù có năng lực, làm vì cái chung song vẫn sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm, chờ hướng dẫn.
Và thực tế thời gian qua còn xuất hiện cả tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Như báo cáo về giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri cũng đã chỉ ra, nhiều vấn đề kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương vẫn được đẩy lên Trung ương.
Hay câu chuyện tại một số địa phương trong giải quyết các vấn đề phát sinh, cũng xuất hiện tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa bộ chuyên ngành hay địa phương, gây ra ách tắc.
Tuy nhiên, theo tôi, dù nguyên nhân nào thì việc không dám làm, sợ sai, sợ trách nhiệm đó đã làm công việc chung bị đình trệ, gây khó khăn cho người dân, DN. Đây là vấn đề cần phải nhanh chóng chấn chỉnh.
Như vậy, để triệt tiêu tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm này, có những vấn đề gì cần giải quyết, thưa ông?
- Theo tôi, có hai vấn đề cần giải quyết, đó là tăng cường tinh thần trách nhiệm và rà soát các cơ chế, chính sách, tạo sự minh bạch, thông thoáng, thống nhất. Trong đấy, vấn đề trách nhiệm là quan trọng.
Bởi cán bộ, công chức nếu làm đúng thì không việc gì phải sợ; chỉ có những người đã từng làm sai mới sợ hoặc những người không biết mình đúng hay sai, thiếu năng lực chuyên môn mới sợ.
Chúng ta phải thực hiện đúng theo các quy định, bởi nhiều vụ việc xảy ra thời gian qua, nhiều người vẫn cố tình làm sai dù quy định đã nêu rất rõ ràng.
Cùng với đó, chúng ta phải rà soát, xem xét những văn bản quy phạm pháp luật chưa hợp lý, có sự chồng chéo, cái nào chưa rõ ràng, chưa hợp lý thì phải hoàn thiện lại cho chặt chẽ và phù hợp. Việc này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo, phải làm và làm cho đúng, ai không làm được thì để người khác làm, ai làm sai thì chịu hình phạt xử lý.
Cũng phải nhắc lại, có nhiều vụ nhiều khi do cán bộ cố tình làm sai, còn trong quá trình làm, nếu chúng ta nhận thấy những chỗ nào vướng cơ chế, văn bản pháp lý chưa hợp lý thì làm báo cáo để nhận hướng dẫn và tháo gỡ. Đồng thời với đó, cần tuyên truyền để các cán bộ hiểu “làm đúng thì không sợ”; nâng cao tinh thần trách nhiệm tinh thần cống hiến đúng theo chủ trương của Đảng; đánh giá phân loại những người không dám nghĩ, không dám làm, thay thế những người khác đủ năng lực phục vụ Nhân dân.
Thêm hành lang pháp lý
Vừa qua, Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ đạo về vấn đề này, việc phân cấp, phân quyền cũng đang dần triệt để hơn, như vậy có tháo gỡ được những ách tắc, thưa ông?
- Tôi nhận thấy Chính phủ đã rất nhanh chóng nắm bắt vấn đề, đưa ra những chỉ đạo quyết liệt; đồng thời, việc phân cấp, phân quyền ngày càng triệt để hơn, như gần đây UBND cấp huyện sẽ được ủy quyền quyết định giá đất trong các trường hợp như tính tiền bồi thường, thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư, tính tiền thuê đất...
Trong công điện yêu cầu chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là kiểm tra đột xuất; kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được cấp có thẩm quyền giao.
Đây là những chỉ đạo rất quyết liệt và được đồng tình. Nhưng theo tôi, để chấm dứt tình trạng này, cần phát huy tinh thần trách nhiệm, tính tự quản của chính quyền địa phương.
Nhiệm vụ đã giao cho cấp nào, người nào thì cấp đó, người đó phải thực hiện theo đúng quyền hạn được giao
. Hiện nhiều địa phương cũng đã làm khá tốt việc giảm đầu mối, tầng nấc xử lý các nhiệm vụ, để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu chính đáng của người dân, DN. Với nguyên tắc việc nào, cấp nào sát thực tế, giải quyết kịp thời, phục vụ tốt hơn yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cấp đó thực hiện, việc bóc tách các nhiệm vụ, phân cấp, ủy quyền một cách triệt để cũng sẽ tránh được việc đùn đẩy.
Vấn đề tạo hành lang pháp lý an toàn cho cán bộ, công chức yên tâm thực hiện công vụ, khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung cũng là vấn đề đang đặt ra, quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
- Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương vừa diễn ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa đã nhấn mạnh đến việc chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, "che chắn", giữ "an toàn"; đồng thời đề cập đến việc có cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Trước đó, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 “về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”, việc sớm thể chế hóa Kết luận bằng Nghị định đang được khẩn trương thực hiện, đây là việc rất cần thiết để tạo cơ sở pháp lý, cơ chế, sự yên tâm, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Trong đó, điều quan trọng, khó nhất trong Nghị định là phải nhận diện được là "thế nào là vì lợi ích chung?", bởi trong thực tiễn không thiếu người lợi dụng vì "lợi ích chung" nhưng lại gài những lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.
Bên cạnh đó, cũng cần quy định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu để phát động, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm; nhưng đồng thời cũng cần cơ chế để người đứng đầu cũng phải dám làm, dám chịu trách nhiệm cùng với người dám làm. Khi có được người khuyến khích, bảo vệ mình, cùng cơ chế rõ rằng chắc chắn cán bộ sẽ yên tâm hơn nhiều.
Tôi rất tin tưởng với những cách làm, chỉ đạo quyết liệt hiện nay, cùng với việc dần sửa đổi, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho các lĩnh vực, sẽ sớm khắc phục được tình trạng e dè, sợ trách nhiệm hiện nay.
Xin cảm ơn ông!