Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm gì để bảo tồn cổng làng trong phố?

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giữa nhịp sống hiện đại, bên những tòa nhà cao tầng, con phố nhộn nhịp, đâu đó ở Hà Nội vẫn thấp thoáng chiếc cổng làng rêu phong, cổ kính.

Trải qua hàng trăm năm, nhiều cổng làng nằm giữa lòng Thủ đô vẫn giữ được nét đẹp riêng, không chỉ đơn thuần về kiến trúc, còn là trầm tích văn hóa của mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến cần được gìn giữ, bảo tồn.

Cổng làng Thượng Thụy, quận Tây Hồ. Ảnh: Công Hùng
Cổng làng Thượng Thụy, quận Tây Hồ. Ảnh: Công Hùng

Nét kiến trúc xưa trong lòng Hà Nội

Nằm dọc theo trục phố Thụy Khuê ngày nay theo thứ tự là các làng Yên Thái, An Thọ, Đông Xã, Hồ Khẩu và Thụy Khuê, gắn với những chiếc cổng có tên gọi ngắn gọn mà thân thuộc như cổng Giếng, cổng Hầu, cổng Chùa, cổng Cái, cổng Xanh.

Mỗi cổng làng mang một dáng vẻ riêng, từ kích thước đến kiến trúc riêng không thể hòa lẫn. Trong đó phải kể đến cổng làng Đông Xã ở ngõ 444 Thụy Khuê có kiểu thiết kế vuông vức, xưa có 5 bậc lên xuống nhưng do bất tiện người dân đã phá bỏ những bậc thang này. Theo thời gian cổng làng đã bong tróc nhưng hệ thống kèo cột vẫn còn chắc chắn, nhất là vẫn giữ được hàng ngói cũ rêu phong cổ kính.

KTS Nguyễn Địch Long - Hội Kiến trúc sư Hà Nội, người có nhiều nghiên cứu về cổng làng cho hay: Hà Nội từ 5 cửa ô nối đến những làng cận đô thành mạng lưới giao thông dày đặc, ở đó đã tồn tại gần 300 cổng làng Việt cổ. Số cổng làng tuy đã giảm nhiều so với thuở nguyên khai nhưng Hà Nội vẫn đứng đầu so với các tỉnh, thành trong khắp cả nước, trong số đó, rất nhiều cổng đã tồn tại trên 100 năm, mang trong mình giá trị văn hóa, kiến trúc đặc biệt.

Cần giữ giá trị nội tại cho chiếc cổng làng

Mỗi chiếc cổng làng đều là công trình kiến trúc với một nét đẹp rất riêng, độc đáo của làng trong phố giữa lòng Hà Nội. Thế nhưng trong guồng quay hiện đại hóa, nhiều chiếc cổng làng đã bị phá bỏ để thay vào đó là những con đường nhựa, những nhà cửa đua nhau mọc san sát. Quá trình xây dựng ồ ạt khiến những chiếc cổng làng còn sót lại phải chen chúc, o ép với các kiến trúc đủ hình dạng xung quanh. Không những thế, nó còn bị chiếm dụng trở thành nơi buôn bán, sinh hoạt của các hộ dân.

Cổng Hầu ở ngõ 530 Thụy Khuê là lối dẫn vào làng An Thọ xưa, sở hữu nét đẹp cổ kính. Ảnh: Duy Khánh
Cổng Hầu ở ngõ 530 Thụy Khuê là lối dẫn vào làng An Thọ xưa, sở hữu nét đẹp cổ kính. Ảnh: Duy Khánh

Ông Bùi Văn Khôi - Trưởng Ban quản lý di tích làng Hồ Khẩu, phường Bưởi, quận Tây Hồ chia sẻ, cổng làng là một chứng tích rất thiêng liêng đối với dân làng, nhưng chiếc cổng Cái của làng tại ngõ 372 phố Thụy Khuê từng bị một số hộ dân lấn chiếm. Do đó, chính quyền địa phương đã phải tiến hành tu sửa, tôn tạo cổng làng từ tháng 9 vừa qua.

Mấy năm trở lại đây, việc chỉnh trang, xây dựng nông thôn mới đang thực hiện trên phạm vi toàn TP, ở nhiều huyện xuất hiện việc xây mới, phục dựng cổng làng. Đây là việc làm thiết thực, góp phần tô điểm cho làng quê Hà Nội thêm khang trang, đồng thời khôi phục phát triển nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt xưa.

Tuy nhiên, điều đáng bàn, do không có một quy định cụ thể nào nên việc xây dựng cổng làng đang diễn ra tự phát, quy mô, kiểu dáng mỗi nơi một khác. Giảng viên Nguyễn Thị Thanh Mai - Khoa Văn hóa học, trường Đại học Văn hóa đánh giá: “Có một điều rất tiếc là nhiều cổng làng đang bị rơi vào tình trạng phô trương, đem đến rất nhiều yếu tố đương đại làm mất đi giá trị riêng có, cái hồn của những chứng tích”.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng, cổng làng xưa được làm cùng thông số với kiến trúc đình, đền, chùa, không quá cao to. Tuy nhiên, hiện tại ở nhiều làng quê đang xuất hiện việc xây sửa cổng làng nhưng không chú ý đến tính toàn thể này.

“Chức năng của cái làng và kiến trúc làng ngày nay đã khác. Việc xây dựng một cổng làng kiểu cổ xưa không còn phù hợp. Nếu còn cổng cũ thì nên giữ nguyên làm di sản văn hóa, nếu không còn cũng nên xây mới cho phù hợp với khung cảnh kiến trúc hiện đại nói chung. Tất nhiên cổng làng đóng vai trò hình ảnh đầu tiên của cái làng, do đó nó cần được nghiên cứu và thiết kế cẩn thận” - ông Phan Cẩm Thượng nhấn mạnh.

Các kiến trúc sư cho rằng, việc dựng mới cổng làng cần tuân thủ các yêu cầu về kiến trúc, để khi hoàn thành, chiếc cổng làng sẽ cất lên tiếng nói của người dân sống trong ngôi làng đó. Đồng thời, nhìn vào đó, người ta thấy toát ra vẻ đẹp của ngôi làng. Chính vì thế, rất cần có bản vẽ kiến trúc, thậm chí cần có sự góp ý của giới kiến trúc chuyên nghiệp.