Làm gì để có một xã hội hạnh phúc?

PGS.TS Phạm Quang Long - nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chưa bao giờ vai trò của văn hóa được nói đến cả trong nghiên cứu lẫn các văn bản chính thống của Đảng và Nhà nước ta nhiều như vài thập niên gần đây.

Ở đây không nói đến văn hóa từ góc độ hàn lâm, bản thể của nó mà chỉ nói đến một số yếu tố thuộc về văn hóa ứng dụng, văn hóa trong đời sống để tạo nên hạnh phúc của Nhân dân và sự rộng mở trong vận mệnh của cả một quốc gia.
Lễ hội đường phố được tổ chức trên không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn kiếm. Ảnh: Phạm Hùng
Lễ hội đường phố được tổ chức trên không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn kiếm. Ảnh: Phạm Hùng

Hạnh phúc, bình an - tiêu chí số một trong văn hóa

Trong Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII, phần Mục tiêu tổng quát có nội dung “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”; ở phần định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 cũng viết “phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam… để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vào 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là một trong những nhiệm vụ của văn hóa trong hai thập niên tới. Đây là một trách nhiệm vẻ vang nhưng cũng hết sức nặng nề của xây dựng con người, phát triển văn hóa. Tôi nói đến mệnh đề xây dựng con người trước khi nói đến phát triển văn hóa không có ý gì khác ngoài việc nhấn mạnh có xây dựng con người thành công thì mục tiêu phát triển văn hóa mới đạt được bởi con người là chủ thể trong xây dựng văn hóa. Cuộc sống hạnh phúc, bình an của con người cũng là một mục tiêu, tiêu chí số một cho các chính sách văn hóa đối với bất kỳ xã hội nào”.

Thể chế nào cũng mong muốn cho đất nước cường thịnh, Nhân dân hạnh phúc. Khái niệm hạnh phúc mỗi thời có những cách hiểu khác nhau nhưng hai tiêu chí lớn nhất là thái bình và an lạc luôn là cơ sở quan trọng nhất cho một xã hội.

Trong bài thơ Vận nước viết từ thế kỷ X, vị Quốc sư nổi tiếng Đỗ Pháp Thuận khi trả lời câu hỏi của vua Lê Đại Hành vận nước dài ngắn thế nào? đã cho rằng khi (nhà vua) thuận theo lẽ tự nhiên thì thiên hạ sẽ thái bình, Nhân dân sẽ hạnh phúc, vận nước sẽ rộng mở. Chân lý ấy giản dị, dễ thấy, dễ được thừa nhận nhưng để thực hiện được nó không hề dễ dàng. Nó đòi hỏi tài năng, tầm nhìn, tài tổ chức của người cầm quyền nhưng lại cũng đòi hỏi cả sự ủng hộ và quyết tâm đến cùng thực hiện của mọi thành viên.

Chưa bao giờ con người thấy sự có mặt của văn hóa trong đời sống gần gũi, thiết thân và cấp bách đến thế. Ngay sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói đến văn hóa có khả năng sửa đổi hủ hóa, tham nhũng, quan liêu, làm thay đổi xã hội. Bác nói nhiều đến văn hóa và đời sống mới, văn hóa có thể đem lại ấm no, hạnh phúc cho con người.

Chúng ta luôn nói đến việc phải học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhưng thực tế làm được chưa nhiều. Bởi việc học và làm theo Bác chưa phải là nhu cầu tự thân của mọi cá nhân, tổ chức xã hội, chưa thành ý thức tự giác và sự phấn đấu liên tục, không ngừng nghỉ, chưa nghĩ đến nơi, đến chốn việc học và làm theo là vì tương lai của đất nước, hạnh phúc của Nhân dân, trong đó có mình.

Thanh niên Hà Nội diễu hành tại phố đi bộ quanh hồ Hoàn kiếm.
Thanh niên Hà Nội diễu hành tại phố đi bộ quanh hồ Hoàn kiếm.

Định hướng lại tư tưởng sai trái

Nói vai trò văn hóa như là “nguồn lực nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”, có khả năng “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” tức là đã nói đến một sự thay đổi nhận thức rất quan trọng về vai trò của văn hóa trong phát triển xã hội.

Hạnh phúc đích thực của một xã hội, một cộng đồng, một gia đình hay một cá nhân cũng không phải tự trên trời rơi xuống, không do một ai có thể ban phát cho mà phải đổi bao nhiêu công sức, mồ hôi, trí tuệ, thậm chí cả máu và nước mắt mới có được. Không một thái độ thụ động, một sự ỷ lại nào có thể đem tới hạnh phúc, cho dù hạnh phúc mở cửa cho tất cả nhưng sẽ khép lại với những ai không biết phấn đấu, không dám vượt lên chính mình để giành lấy nó.

 

Con người chỉ có thể hạnh phúc trong một gia đình lành mạnh, xã hội lành mạnh. Điểm xuất phát của vấn đề này vẫn là vấn đề của văn hóa quản trị. Chìa khóa của một xã hội hạnh phúc vừa nằm ở mỗi người, vừa nằm ở cơ quan quản lý Nhà nước nhưng người quyết định lại là các cấp quản lý Nhà nước.

Cơm no áo ấm như là những điều kiện để cho con người có hạnh phúc. Rồi song hành với sự đủ đầy về vật chất phải là những thỏa mãn về đời sống tinh thần, về một môi trường xã hội bình an, khi mà con người chỉ phải tập trung trí tuệ và sức lực cho lao động, phấn đấu vun đắp cho cuộc đời ngày một tươi đẹp hơn.

Hiện nay, mức sống của người Việt nói chung đã vượt ra khỏi mức thu nhập của nước nghèo và nhìn vào thực trạng đời sống vật chất, không ai có thể phủ nhận những thành tựu phát triển kinh tế trong vài thập niên gần đây. Đời sống no đủ hơn nhưng lo lắng cũng nhiều hơn vì những đe dọa về an sinh, xuống cấp của đạo đức xã hội, tham nhũng, dối trá, tệ nạn xã hội… bủa vây. Con người sống đầy đủ hơn nhưng không hạnh phúc hơn.

Nguyên nhân thì có nhiều nhưng bình tâm suy xét có thể thấy, mấy thập niên gần đây chúng ta đã có những nhận thức sai lầm về chuẩn mực xã hội. Không có một văn bản nào của Nhà nước hay những nghiên cứu chuyên ngành của các nhà khoa học về đạo đức, xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa… lại không đề cao chính nghĩa, không lên án tình trạng xuống cấp của đạo đức xã hội nhưng tại sao trong thực tiễn tham nhũng, dối trá, bạo lực… không giảm? Tại sao rất nhiều cán bộ quản lý cao cấp ở mọi lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực nghiêm cẩn nhất như Công an, kiểm sát, thanh tra, y tế, giáo dục, thậm chí cả trong lĩnh vực tâm linh, tín ngưỡng cũng vi phạm pháp luật, đạo đức?

Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là xã hội đã tôn vinh sai giá trị vật chất như quyền lực tiền tài, quyền lực chính trị, quyền lực danh vọng… mà xem nhẹ giá trị của đạo đức, lòng vị tha và sự liêm sỉ của con người nói chung. Xã hội chạy theo danh vọng trong bằng cấp, khen thưởng, danh hiệu… nên cả nhà trường lẫn gia đình dốc sức chạy bằng được những “chứng chỉ thật cho những tri thức ảo”.

Bao nhiêu cán bộ quản lý các cấp chỉ vì để có nhiều tiền, nhiều quyền mà bất chấp các quy định, thậm chí cả luật pháp nhưng cuối cùng đã phải trả giá. Vi phạm của họ gây ra những thiệt hại lớn cho xã hội và tổ chức suy cho cùng chỉ vì họ tôn thờ và theo đuổi những dục vọng thấp kém và những lệch lạc trong nhận thức. Lỗi của họ là chính nhưng có lỗi của xã hội đã chạy theo những giá trị lệch lạc.

Giá trị của văn hóa quản trị

Quyền lực vật chất có sức hấp dẫn ghê gớm, không chỉ hô hào suông mà ngăn chặn hay loại trừ được trong khi vẫn để cho dòng tâm lý tôn thờ nó âm ỉ sống trong lòng xã hội. Phải vừa tạo ra những hành lang pháp lý để ngăn chặn, vừa từng bước xây dựng lại hệ giá trị xã hội. Điều này phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan hành pháp và những thay đổi trong nhận thức về giá trị của xã hội để tăng sự đề kháng nhằm ngăn ngừa sự xuống cấp của đạo đức xã hội.

Loại bỏ những đặc quyền của bất kỳ tầng lớp nào và xây dựng lại hệ chuẩn mực quốc gia là yêu cầu đầu tiên để không cho tham nhũng có đất sống, không cho những hành vi lệch chuẩn có cơ hội phát tác, làm cơ sở cho công cuộc chấn hưng dân khí, dẫn đến chấn hưng văn hóa. Cái đó phụ thuộc rất nhiều vào bộ máy và mỗi cá nhân.

Trải qua cuộc chống dịch Covid-19, chúng ta đã thấy rất nhiều những tấm gương quên mình vì cộng đồng của các tổ chức, cá nhân song cũng có không ít tổ chức, cá nhân lợi dụng tai họa để lo cho riêng mình. Chỉ ca ngợi gương tốt hay lên án về mặt đạo đức những kẻ mất nhân cách, táng tận lương tâm là chưa đủ. Phải xây dựng những cơ chế pháp lý (luật và dưới luật) sát thực, hiệu quả đồng thời với việc “làm thật, nói thật, khen thưởng thật, xử lý sai phạm thật” không trừ bất kỳ ngoại lệ nào để đưa xã hội vào kỷ cương.

Mỗi người dân phải thay đổi, phải tự vượt lên mình, biết bỏ qua những lợi ích cá nhân nhưng có hại cho xã hội thì mới hy vọng có những thay đổi. Đó chính là cái gốc của một xã hội lành mạnh. Một cá nhân sống lành mạnh, một gia đình lành mạnh sẽ là cơ sở để một cộng đồng, một xã hội lành mạnh.

Đây là vấn đề dân trí, là động lực cho xã hội phát triển hướng tới những điều tốt đẹp. Các tổ chức Nhà nước cũng cần loại bỏ những quy định lỗi thời, không sát thực tế, không có lợi cho người dân, dám từ bỏ những quyền lợi không chính đáng để trong sạch bộ máy, trong sạch nền hành chính công đang có quá nhiều khuyết tật như hiện nay.

 

GS.TS.NGND Trần Văn Bính - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh): Những giá trị tốt đẹp cần phải được tuyên truyền, khích lệ

Làm gì để có một xã hội hạnh phúc? - Ảnh 1

Những tư tưởng lớn về văn hóa đã được Đảng đưa thành Nghị quyết trong các kỳ đại hội rất đầy đủ. Vấn đề là đưa những tư tưởng đó triển khai sâu rộng trong đời sống và có chế tài để giám sát thực hiện. Ví dụ, muốn kinh tế không tác động xấu đến môi trường phải có luật, xử phạt công minh, đích đáng, khen thưởng kịp thời, đúng đối tượng.

Người Việt ta cơ bản vẫn giữ được lòng yêu nước, có ý chí vươn lên thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Nét nổi bật nhất là lòng nhân nghĩa vẫn được phần lớn dân ta trân trọng, gìn giữ và phát huy. Khi nơi nào đó gặp hoạn nạn, thiên tai, lũ lụt, đồng bào ta luôn biết nhường cơm sẻ áo, sẵn sàng tương trợ, giúp đỡ những gia đình khó khăn, bất hạnh.

Nhiều phong trào từ thiện, những việc làm nhân ái xuất hiện ngày càng nhiều chứng tỏ người dân Việt Nam không mất đi truyền thống tương thân tương ái trong xã hội hiện đại. Những giá trị tốt đẹp đó cần phải được tuyên truyền, khích lệ, phát huy.

Một vấn đề quan trọng mà chúng ta phải tìm cách khắc phục là văn hóa gia đình hiện nay rất yếu. Có thể coi văn hóa gia đình là cơ sở của văn hóa xã hội. Nhưng hiện nay, quan hệ gia đình hết sức lỏng lẻo. Khi quan hệ gia đình lỏng lẻo thì con người mất môi trường văn hóa của mình từ thuở ấu thơ, khi lớn lên thành người mất phương hướng, bất định.

 

 

GS.TS Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: Khơi dậy động lực nội sinh của văn hóa thúc đẩy sự phát triển đất nước

Làm gì để có một xã hội hạnh phúc? - Ảnh 2

Cần nhận thức rõ sự hiện diện của văn hoá trong mọi khía cạnh của cuộc sống, bởi văn hoá chính là con người, gắn chặt với con người từ lúc sinh ra cho đến khi nhắm mắt xuôi tay và chi phối họ trong tất cả mọi hành vi, thái độ, ứng xử ở mọi nơi mọi lúc…

Hiểu như vậy mới thấy rõ văn hoá là động lực, sức mạnh nội sinh. Động lực văn hoá ở mọi khía cạnh đó của cuộc sống nếu biết khơi dậy đúng hướng tính nhân bản, tính tích cực, hướng thiện sẽ là cái làm cho con người có một sức mạnh ghê gớm để vươn lên, vượt qua mọi thử thách, cam go, tạo ra sự sáng tạo vượt trội.

Ngược lại nếu bị chệch hướng sang tiêu cực thì cũng dễ dàng dẫn con người ta đến những kết cục đau đớn, vùi dập cuộc đời họ xuống bùn đen, đẩy họ sa ngã, dẫn đến đầu hàng, phản bội lại Tổ quốc, dân tộc, khi đó sẽ gây ra tác hại không hề nhỏ cho toàn xã hội, cho đất nước.

Làm gì để khơi dậy động lực và sức mạnh văn hóa? Trước hết, phải tạo ra được một xã hội có môi trường văn hoá nhân bản, lành mạnh và tiến bộ. Trong xã hội đó, sự trung thực, lòng trắc ẩn, hướng thiện phải được đề cao. Bảo vệ và phát huy nền văn hoá truyền thống của dân tộc vốn được xây đắp hàng nghìn đời nay bằng máu xương và mồ hôi, nước mắt của biết bao thế hệ cha ông.

Nền văn hoá đó phải bắt đầu từ cái nôi đầu tiên là gia đình với những truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam rồi tới cộng đồng và xã hội. Đó là những động lực văn hoá nâng con người ta lên trước những thử thách, khó khăn.

Lan Ngọc ghi