Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng phát biểu khai mạc Diễn đàn toàn thể chiều 9/12. |
Với chủ đề “Để du lịch Việt Nam thực sự cất cánh”, Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam lần 2 - 2019 là sự kiện gặp gỡ, đối thoại công - tư quy mô quốc gia nhằm tạo sự bứt phá, bền vững, cải thiện năng lực cạnh tranh. Đây cũng là nơi cung cấp thông tin cơ chế, chính sách, chiến lược, tiềm năng và tìm giải pháp quảng bá, thu hút du khách từ các thị trường mục tiêu. Đặc biệt, Diễn đàn là kênh đối thoại để thúc đẩy thực hiện sáng kiến xây dựng thị trường hàng không chung hay còn gọi “Bầu trời mở ASEAN” vào năm 2020.
Phát biểu khai mạc diễn đàn toàn thể chiều 12/9, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng nhấn mạnh những phát triển vượt bậc của ngành du lịch nước nhà, bao gồm chỉ số năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam theo ghi nhận của Diễn đàn kinh tế Thế giới đã liên tục cải thiện, từ hạng 75/141 quốc gia vào năm 2015, lên hạng 67/136 quốc gia vào năm 2017.
Năm 2019, chỉ số năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tăng hạng 63/140 nền kinh tế, tuy nhiên nhiều chỉ số lại cho thấy sự sụt giảm ở mức thấp, bao gồm hạ tầng mặt đất, nhân lực và thị trường lao động, sự bền vững môi trường dịch vụ…
Điều này phần nào nhắc nhớ những tồn tại cần nhanh chóng giải quyết, để du lịch Việt Nam phát huy được tối đa tài nguyên vốn có, đóng góp vào sự chuyển dịch và phát triển tích cực của nền kinh tế quốc gia.
Từ đó, lãnh đạo Bộ VHTT&DL kỳ vọng cao vào các đề xuất, ý kiến của giới chuyên gia, DN có mặt tại Diễn đàn năm nay, chủ yếu tập trung làm sáng tỏ 2 chủ đề cụ thể: “Giải pháp vì một Việt Nam đẹp - yêu chuộng hòa bình - văn hóa đặc sắc trong lòng du khách” và “Việt Nam làm gì để phát triển hàng không, chắp cánh cho du lịch”.
Tuy nhiên từ sáng 9/12, các giải pháp đã được thảo luận sâu trong 4 hội thảo chuyên đề chi tiết hơn, bao gồm: “Tổ chức hoạt động quảng bá và truyền cảm hứng cho du khách”; “Cải thiện quá trình lập kế hoạch - đặt dịch vụ của du khách”; “Cải thiện trải nghiệm của du khách tại điểm đến” và “Việt Nam làm gì để phát triển hàng không - chắp cánh cho du lịch”.
Trong đó, các đề xuất đáng chú ý nhấn mạnh giải pháp lựa chọn hình thức xúc tiến, quảng bá du lịch phù hợp, đặc biệt giữa bối cảnh các quỹ hỗ trợ còn eo hẹp, nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó, chính sách của Nhà nước và hướng hoạt động của DN cần chuyển mình theo xu hướng biến hóa ngày một phức tạp trong nhu cầu của du khách, đặc biệt là trong vấn đề nới lỏng thị thực và ứng dụng công nghệ trong hoạt động du lịch.
Tổng kết hội nghị, Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) Trần Trọng Kiên ghi nhận các đề xuất thiết thực tại 2 phiên làm việc, góp phần đáp ứng đầu vào thông tin và nghiên cứu đã đề ra. Nhiều dự án đã được ký kết tại Diễn đàn năm nay, mở ra những phương hướng phát triển đầy tiềm năng cho du lịch Việt Nam trong thời gian tới.