Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm gì để giữ gìn một Hà Nội xinh đẹp và cá tính?

Martin Rama - Chuyên gia WB
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cái tên Martin Rama không xa lạ với độc giả yêu Hà Nội. Năm 2014, cuốn sách đầu tiên "Hà Nội, một chốn rong chơi" của ông đã đạt Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội trong hạng mục Tác phẩm.

Cuốn sách thứ hai "Vì tình yêu Hà Nội" xuất bản cuối tháng 7/2023 bao gồm 5 chương: Hà Nội thật đặc biệt; Di sản là gì; Các chiến dịch bảo tồn; Thiên sử ca Bùi Chu; Một dự án cho Hà Nội, vì tình yêu Hà Nội.

Báo Kinh tế & Đô thị xin giới thiệu bài viết của ông với vai trò như một người bạn đã đến và yêu Hà Nội, muốn đóng góp để Hà Nội đẹp hơn, hiện đại hơn nhưng vẫn giữ cho mình những bản sắc riêng có.

Du khách tham quan Triển lãm ảnh ''Hà Nội trong tôi” năm 2024 do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Phạm Hùng
Du khách tham quan Triển lãm ảnh ''Hà Nội trong tôi” năm 2024 do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Phạm Hùng

Tôi làm việc tại bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) với nhiệm vụ hỗ trợ các nhóm hoạt động ở nhiều quốc gia khác nhau và Việt Nam là một trong số đó, có lẽ trong số 20 quốc gia. Tôi rất quan tâm đến Việt Nam. Tôi xúc động trước sự hy sinh, lòng dũng cảm và nỗi đau khổ của người dân Việt Nam. Khi mới còn là một sinh viên trẻ ở Mỹ Latinh, tôi đã được biết về những người lính Việt Nam và cảm động trước câu chuyện của người dân Việt Nam thời điểm đó.

Rõ rằng, bất chấp quá khứ đau thương, người dân Việt Nam rất ấm áp, rất tích cực, họ chỉ nói rằng, bạn biết đấy, hãy cứ hạnh phúc đi. Tôi rất ấn tượng với nét tính cách này của người Việt Nam. Đó là một điều mới mẻ mà tôi đã chờ đợi từ rất lâu, từ khi còn là một thiếu niên. Sự ấm áp quen thuộc này thật có điểm tương đồng với người dân Latinh. Tôi cũng đã hình dung về Đông Dương như một nơi thú vị với sự pha trộn, sự hòa quyện giữa văn hóa Pháp và châu Á. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà khi có đề nghị làm việc ở Việt Nam tôi đã ngay lập tức đồng ý. Có lẽ những gì đã xảy ra giống như trong những câu chuyện tình, khi bạn yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Tôi đã đến với một Hà Nội thật đẹp. Lúc đầu tôi tưởng tượng đó sẽ là một TP cũ nát, nhưng không, tôi ngỡ ngàng trước những hàng cây, những ngôi chùa cổ, những biệt thự đậm chất Pháp pha lẫn với kiến trúc Á Đông. Và tôi nghĩ, TP này thật tuyệt vời. Và kể từ đó, tôi cứ quay lại Hà Nội vài tháng một lần. Và khi có cơ hội chuyển đến Hà Nội, tôi đã nắm bắt ngay và có 8 năm thật hạnh phúc ở Hà Nội.

Martin Rama - chuyên gia WB - tác giả sách“Vì tình yêu Hà Nội và Hà Nội một chốn rong chơi”.
Martin Rama - chuyên gia WB - tác giả sách“Vì tình yêu Hà Nội và Hà Nội một chốn rong chơi”.
 

Tôi muốn dùng những gì mình biết với tư cách là một nhà kinh tế để khiến “cô ấy” ngày càng tốt đẹp. Bạn nghĩ vậy làm sao người ta có thể tạo ra một chữ tình? Chỉ yêu thôi là chưa đủ. Những gì tôi cố gắng là kết hợp trái tim và khối óc để nhằm phục vụ mục tiêu bảo tồn một Hà Nội xinh đẹp và cá tính.

Hà Nội để mà nói, thì càng biết nhiều về "cô ấy", càng thấy "cô ấy" thật tuyệt vời. Nếu có thể làm bất cứ điều gì để bảo tồn những "cá tính" của Hà Nội, tôi sẽ luôn sẵn sàng. Bởi bản thân tôi đã đi đến nhiều nước đang phát triển và nhiều TP trở nên nhạt nhòa với đường cao tốc và trung tâm mua sắm và không có gì cả, tôi không muốn thấy điều đó ở Hà Nội.

Lần đầu tiên tôi tới Hà Nội là vào năm 1998, một nửa phương tiện lúc đó vẫn là xe đạp. Hà Nội bấy giờ là một TP tĩnh lặng, rất lãng mạn với những chiếc xe đạp đi qua Phố Tràng Thi, nơi tôi vẫn thường đi bộ qua để tới văn phòng làm việc. Giờ đường phố có thêm nhiều ô tô, nhà cao tầng và ô nhiễm hơn. Mặt khác, Hà Nội có tàu điện, có những tòa nhà hiện đại và tiện nghi hơn. Thực tế là mọi quốc gia đều cần phát triển và chuyển đổi. Tất cả những điều đó thật tuyệt. Nhưng không thể phủ nhận đó là một sự chuyển đổi khó khăn và trong quá trình đó, mọi đô thị khi phát triển hơn sẽ đều tồn tại những điểm sáng và cả góc tối. Tôi ấn tượng về việc vẫn còn rất nhiều điều tốt ở Hà Nội.

Đó là những nét cốt lõi của Hà Nội vẫn được gìn giữ. Điều đó được thể hiện ở nhiều yếu tố. Thứ nhất là kiến trúc, sự kết hợp tuyệt vời giữa kiến trúc hiện đại của Liên Xô và Pháp truyền thống cùng thiên nhiên, hồ nước, cây cối. Thậm chí, TP này hiện có nhiều cây xanh hơn thời điểm tôi mới đến. Bên cạnh đó là những nét độc đáo về đời sống xã hội. Một trong những điều hấp dẫn nhất về Hà Nội là mọi thứ đều diễn ra trên vỉa hè. Mọi người ăn uống, gặp gỡ mọi người, chia sẻ, hẹn hò, hay thậm chí nuôi dạy con cái. Mọi thứ đều diễn ra trên vỉa hè, và điều đó tạo nên một TP sôi động, phi thường.

Việc Hà Nội vẫn giữ được bản sắc của mình, theo tôi không phải ngẫu nhiên. Đó là nhờ tầm nhìn sáng suốt của chính quyền, được triển khai trong một thời gian dài. Có thời điểm khi một nguồn tài trợ quốc tế đề xuất kế hoạch về cơ bản là biến trung tâm TP Hà Nội trở thành một khu vực toàn bộ nhà cao tầng, với lý do đó là trung tâm của một Thủ đô và cần hiện đại hóa trên hết. Chính quyền đã phản đối và cho rằng như vậy sẽ khiến việc bảo tồn bản sắc của khu vực phố cổ trung tâm gặp áp lực.

Thay vào đó, quyết định cuối cùng là phát triển về phía Hồ Tây, về khu vực Mỹ Đình ở phía Nam và giảm bớt áp lực cho trung tâm TP. Quyết định đó thực sự đúng đắn và hiệu quả.

Tôi nghĩ một yếu tố quan trọng nữa là Hà Nội coi trọng và nhìn nhận “chất Pháp” là một tài sản. Nền văn hóa Pháp lưu dấu tại Hà Nội rất phong phú về kiến trúc, thiết kế, nghệ thuật. Sự công nhận đó cực kỳ quan trọng đối với Hà Nội. Và vì vậy, khi nhìn về phía trước, tôi hy vọng Hà Nội sẽ thực sự vạch ra những kế hoạch rõ ràng như vậy về mặt chiến lược. Điều này sẽ khiến TP trở nên rất khác biệt so với các TP Đông Nam Á khác. Tôi cũng cho rằng khi nhìn về tương lai, có lẽ một trong những quyết định chiến lược quan trọng nhất đối với

Hà Nội để bảo tồn bản sắc sẽ là về khu vực sông Hồng. Chúng ta đã thấy điều đó thông qua những trận lũ lụt vừa qua. Sông Hồng đã thể hiện vai trò “bảo vệ” Hà Nội. Dòng sông này mang trong mình nền văn hóa riêng, thảm thực vật riêng và sức hấp dẫn của các dự án xây dựng lân cận sông Hồng sẽ rất lớn.

Do đó, cần có sự rõ ràng về cách bảo tồn tài sản khổng lồ như cây xanh, không khí trong lành cho một TP văn hóa. Hãy lưu ý đến khu vực lân cận cây cầu Long Biên nối phố cổ với Gia Lâm. Đó là những nơi mà tôi hy vọng các nhà chức trách đô thị sẽ có sự rõ ràng về mặt chiến lược để tiếp tục biến Hà Nội thành một TP tuyệt vời hơn nữa.