Sai một ly đi... vạn dặm
Theo chị Trần Thị Xuân H. (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân), tháng 5/2019, thông qua một công ty môi giới bất động sản, chị H. được giới thiệu chi tiết về lô đất liền kề, có trên bản vẽ của một chủ đầu tư tại khu vực phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Nhân viên dẫn đi xem thực tế lô đất thì có một số nhà đã xây dựng, sinh sống tại đây. Do đó, chị H. tin tưởng, tiến hành ký thoả thuận đặt cọc 80% (trên 1,2 tỷ đồng), thậm chí trả tiền chênh trên 1,8 tỷ đồng, tổng số tiền nộp trên 3 tỷ đồng.
Công ty bất động sản này sau đó đã trực tiếp làm thủ tục ký thoả thuận đặt cọc, đơn đăng ký nguyện vọng, phiếu thu nộp tiền… ghi rõ số lô đất kèm theo bản vẽ lô có đóng dấu công ty tại khu vực phường Kiến Hưng. Tới năm 2022, sau khi tìm hiểu, chị H. được biết lô đất liền kề mà chị đặt cọc không có trong Quyết định điều chỉnh chi tiết UBND TP Hà Nội.
Đáng nói, trường hợp của chị H không phải là duy nhất mà còn nhiều người như ông Trần Ngọc T., Vũ Đức T., Nguyễn Văn Kh., bà Vũ Thị Th., Nguyễn Thị H... cũng đang đứng ngồi không yên khi biết lô liền kề mà họ đặt cọc tại đây cũng không hề có trong điều chỉnh chi tiết mà thay vào đó chỉ có phần đất biệt thự.
Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp dù biết nhà đất thuộc quy hoạch nhưng vẫn liều mua vì giá rẻ. Chị Ngọc Anh (Thái Bình) chia sẻ, sau nhiều lần tìm kiếm, chị đã chọn mua lô đất 40m2 tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Lô đất có mặt tiền rộng 5m2, trước nhà ngõ ôtô rộng hơn 4m, được chủ nhà rao bán với giá 3 tỷ đồng, tương đương gần 75 triệu đồng/m2. So với những lô đất khác cùng vị trí có mức giá khoảng 100 triệu đồng/2, lô đất này rẻ hơn tới 1 tỷ đồng. Nhưng đáng nói là nó lại nằm 100% trong quy hoạch mở đường.
“Mọi người thường sợ đất dính quy hoạch, tôi lại suy nghĩ khác. Những lô đất nằm ở khu vực mặt đường lớn có nguy cơ vướng giải phóng mặt bằng rất cao. Nhưng với những lô đất nằm sâu trong ngõ và việc quy hoạch cũng đã được vạch ra gần chục năm không thực hiện thì đã thành quy hoạch treo và rất có thể phải xóa bỏ”, chị Ngọc Anh lý giải về quyết định xuống tiền mua đất.
Chuyên gia cảnh báo rủi ro
Theo ông Đỗ Văn Thạch - CEO Dova Land, thời gian gần đây, không ít nhà đầu tư liều lĩnh mua đất đón đầu quy hoạch, mua đất dính quy hoạch để chờ được đền bù và mua đất chờ xóa quy hoạch. Tuy nhiên, việc này tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo ông Thạch, về cơ bản, quy hoạch “treo” là một cách nói dùng để chỉ tình trạng không được thực hiện hoặc chậm tiến độ của các kế hoạch có nội dung sử dụng đất đai. Theo đó, toàn bộ nhà đất trong khu vực mà cơ quan Nhà nước đã công bố thu hồi để phục vụ mục đích nào đó nhưng không thực hiện đúng kế hoạch, chính là sản phẩm bất động sản dính quy hoạch “treo”.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Báo Lao Động, luật sư Vũ Văn Toàn - Công ty luật TNHH Tản Viên Sơn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 thì doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có trách nhiệm công khai thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh theo các hình thức sau đây: Tại trang thông tin điện tử của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; Tại trụ sở Ban Quản lý dự án đối với các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản; Tại sàn giao dịch bất động sản đối với trường hợp kinh doanh qua sàn giao dịch bất động sản.
Luật Kinh doanh bất động sản cũng quy định nghiêm cấm các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có hành vi không công khai hoặc công khai không đầy đủ, trung thực thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh hoặc có hành vi gian lận, lừa dối trong kinh doanh bất động sản.
"Người dân mua đất ở tại các dự án nhưng đơn vị bán sai theo quy hoạch thực tế hoặc công khai không đầy đủ, trung thực thông tin về bất động sản hay chủ đầu tư có hành vi gian lận, lừa dối trong kinh doanh bất động sản cũng là một trong các hành vi vi phạm pháp luật", luật sư Toàn cho biết.