Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm gì để nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long?

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm kết nối cung cầu để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ chuỗi lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ngày 19/11, Tổ điều hành Diễn đàn 970 của Bộ NN&PTNT chủ trì tổ chức “Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu chuỗi lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Diện tích giảm, giá trị tăng

Theo ông Nguyễn Văn Đoan - Trưởng Văn phòng đại diện Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) tại TP Hồ Chí Minh, vùng ĐBSCL có diện tích gieo trồng lúa gạo lớn; bình quân hàng năm khoảng 4 triệu héc-ta, có nhiều năm cao điểm lên tới 4,3 triệu héc-ta, chiếm khoảng 56% tổng diện tích gieo trồng và sản lượng lúa gạo cả nước.

“Hiện nay, bà con vùng ĐBSCL có nhiều tiến bộ trong sản xuất, biết áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất cao. Sản lượng khoảng 24 triệu tấn/năm. Gạo phục vụ xuất khẩu từ 6 - 8 triệu tấn/năm, trị giá 3,7 tỷ USD...” - ông Nguyễn Văn Đoan cho hay.

Năng suất lúa gạo tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng nhờ sử dụng cơ cấu giống có chất lượng cao.
Năng suất lúa gạo tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng nhờ sử dụng cơ cấu giống có chất lượng cao.

So với năm 2015, diện tích sản xuất lúa tại ĐBSCL từ 4,3 triệu héc-ta nay đã giảm xuống còn 3,8 triệu héc-ta, sản lượng đạt gần 3,8 triệu tấn. Nguyên nhân là do chuyển đổi cây trồng từ lúa sang cây ăn trái, nuôi thủy sản.

Mặc dù diện tích trồng giảm nhưng giá trị lại tăng. Nguyên nhân là do các giống lúa chất lượng cao, đặc sản, nhiều giống lúa chất lượng như ST24, ST25... Tỷ lệ gạo chất lượng cao đạt gần 50%.

Đại diện Cục Trồng trọt tại TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, năm 2023, theo kế hoạch, ĐBSCL vẫn duy trì diện tích khoảng 3,9 triệu héc-ta, sản lượng 24 triệu tấn. Thời vụ tuỳ thuộc vào mùa nước, nhưng ưu tiêu xuống giống nhanh, kịp thời vụ.

Ngoài ra, tiếp tục áp dụng các ứng dụng khoa học kỹ thuật. Ưu tiên hàng đầu là giảm khối lượng giống gieo sạ. Hiện nay, đã giảm từ 150 kg/ha xuống còn 120 kg/ha, thậm chí nhiều nơi giảm thấp hơn, còn dưới 100 kg/ha.

Về cơ cấu giống, sẽ ưu tiên các giống lúa ngắn ngày chất lượng cao, giống lúa thơm phù hợp với yêu cầu của thị trường; giảm tỉ lệ các giống lúa chất lượng trung bình và lúa nếp. Đẩy mạnh sử dụng cấp giống xác nhận có năng suất, chất lượng khá, cứng cây, chống đổ ngã.

Thêm vào đó, tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80 - 100 kg/ha; tăng cường sử dụng công cụ sạ bằng máy, sử dụng máy cấy; cơ giới hóa trong thu hoạch lúa, thu hồi rơm, rạ tái sử dụng…

Xây dựng thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam là đòi hỏi đặt ra cấp thiết.
Xây dựng thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam là đòi hỏi đặt ra cấp thiết.

Lúa gạo Việt Nam còn thiếu thương hiệu mạnh

“Việt Nam còn đang thiếu thương hiệu mạnh ở thị trường nội địa và quốc tế. Tỷ lệ tiêu thụ lúa qua thương lái còn cao. Đối với hợp đồng tiêu thụ, thì tỷ lệ phá vỡ hợp đồng còn cao…” - ông Phan Minh Thông - Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn, bày tỏ quan điểm khi tham gia Diễn đàn.

Theo thống kê của Trung tâm này, xuất khẩu gạo những năm gần đây giảm về số lượng, nhưng tăng về giá trị. Các thị trường truyền thống vẫn giữ được, phát triển thêm thị trường mới, thị trường khó tính như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản... Cụ thể, năm 2021 xuất khẩu hơn 6,2 triệu tấn gạo, song đạt tới 3,28 tỷ USD, cao hơn so với các năm trước.

 

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), những đồng lúa Đông Xuân sớm ở Đồng bằng sông Cửu Long đang vào vụ thu hoạch. Nếu duy trì sản lượng xuất khẩu trên 400.000 tấn/tháng trong 2 tháng cuối năm, xuất khẩu toàn ngành gạo năm 2022 có thể đạt từ 6,8 tới 7 triệu tấn.

Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL vẫn còn một số hạn chế. Đầu tiên là sử dụng lượng giống sạ còn cao, thời gian xuống giống kéo dài, chưa an toàn với né rầy, hạn, mặn và mưa lũ; Vật tư đầu vào chưa đảm bảo chất lượng, sử dụng cũng chưa tiết kiệm; Liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chưa chặt chẽ; Kho bãi thiếu thốn. 

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, ngành lúa gạo Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều bước chuyển mình thay đổi để hướng tới sản xuất cánh đồng mẫu lớn, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện để hoạt động canh tác, sản xuất lúa gạo hiệu quả hơn.

Thực trạng sản xuất lúa ở ĐBSCL hiện nay là vẫn sử dụng lượng giống rất lớn khiến chi phí đầu vào bị đội lên nhiều lần, phụ thuộc nhiều vào phân bón hóa học… Đặc biệt, Việt Nam vẫn chưa có nhiều thương hiệu mạnh để tạo nên thương hiệu gạo quốc gia.

Điều đặt ra hiện nay là các doanh nghiệp tiên phong trong xây dựng cánh đồng lớn gắn với nông dân và xây dựng thương hiệu gạo nổi tiếng cần dẫn dắt, trở thành hình mẫu cho ngành sản xuất lúa nước nhà. Qua đó, tạo dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Đề xuất công bố giá lúa định kỳ

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Trương Kiến Thọ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang cho rằng, về kỹ thuật canh tác và giống lúa, Việt Nam có sự tiến bộ rất nhanh, đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, câu chuyện liên kết trong chuỗi giá trị lúa gạo là khó nhất trong sản xuất lúa hiện nay ở ĐBSCL.

“Tại An Giang, hiện nay đang có các đơn vị thực hiện liên kết chuỗi giá trị lúa gạo tốt như: Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Tân Long… Hiện nay, riêng diện tích của Lộc Trời đã tăng lên trên 40.000 héc-ta và dự kiến sẽ tăng lên hơn 100.000 héc-ta, chiếm hơn 50% diện tích sản xuất lúa của tỉnh” - ông Thọ lấy ví dụ. 

Cần có giá thu mua lúa, gạo định kỳ nhằm ổn định thị trường.
Cần có giá thu mua lúa, gạo định kỳ nhằm ổn định thị trường.

Đại diện Sở NN&PTNT An Giang cho biết thêm, để chuỗi liên kết đạt kết quả, sau mỗi mùa vụ, ngành nông nghiệp An Giang đều mời các bên liên quan ngồi lại vơi nhau, cùng kết nối, lắng nghe, chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân tham gia cần thực hiện đúng những gì đã cam kết.

Có một khó khăn nữa là trong khâu thanh toán thu mua lúa nguyên liệu. Doanh nghiệp có tiền, có tài khoản nhưng không thanh toán được cho nông dân vì họ chưa quen với ngân hàng số. Nông dân vẫn có tâm lý muốn nhận tiền mặt ngay sau khi bán lúa, buộc doanh nghiệp phải mang theo số tiền lớn, dễ rủi ro…

Trong khi đó, ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ nêu thực trạng việc liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp và người dân tại địa phương không nhiều; đa phần doanh nghiệp sẽ thu mua thông qua bên trung gian như thương lái.

Thời gian gần đây, trên địa bàn TP Cần Thơ xuất hiện tình trạng thương lái thu mua lúa gạo số lượng ít, nhưng với giá cao hơn hẳn so với thị trường, tạo ra sự nhiễu loạn thị trường và gây nhiều khó khăn trong việc liên kết thu mua giữa doanh nghiệp và nông dân.

Do đó, ông Trần Thái Nghiêm đề xuất Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương định kỳ công bố giá lúa tươi, lúa khô trong vụ thu hoạch để các đơn vị thu mua và nông dân tham khảo. Đây sẽ là giải pháp tránh được sự nhiễu loạn trong thị trường, cũng như tạo dựng niềm tin giữa doanh nghiệp và nông dân, thúc đẩy chuỗi giá trị lúa gạo cho vùng ĐBSCL.