KTĐT - Trong tiếng ồn ào của máy mài, máy cắt, hơn 50 công nhân của cơ sở sản xuất sơn mài Thanh Long đang khẩn trương chuẩn bị những lô hàng để xuất đi các nước.
Dù có những lúc thăng trầm nhưng ông Bùi Văn Thanh vẫn giữ được lòng say mê với nghề. Ông đã đưa sản phẩm sơn mài sang những thị trường đòi hỏi cao như Pháp, Ý, Mỹ...
Tại triển lãm đồ gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ tỉnh Bình Dương lần I tổ chức mới đây, gian hàng của cơ sở sản xuất sơn mài Thanh Long thu hút đông đảo khách hàng trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm. Những sản phẩm tại đây không chỉ đa dạng về mẫu mã mà còn độc đáo ở chỗ đã đưa chất liệu tre, gáo dừa, vỏ cây... vào tác phẩm sơn mài. Người khởi xướng dòng sơn mài nghệ thuật này chính là ông Bùi Văn Thanh, chủ cơ sở Thanh Long (xã Tân An, Thủ Dầu Một- Bình Dương).
Khó khăn cũng không bỏ nghề
Nghệ nhân Bùi Văn Thanh sinh ra và lớn lên tại xã Tân An, một trong những nơi có làng nghề sơn mài truyền thống. 11 tuổi, ông đã quen với các công đoạn làm sơn mài như khảm, mài, đánh bóng... Lớn lên, ông rời quê lên TPHCM mở tổ hợp sơn mài Thanh Liêm với hơn 150 lao động, chủ yếu làm thủ công mỹ nghệ xuất sang các nước Đông Âu. Ông nhớ lại: “Thời ấy, bao nhiêu sản phẩm làm ra cũng không đủ tiêu thụ.
Những dòng tranh như cá vàng, bình hoa, khay, đĩa... rất được các nước ưa chuộng”. Thế nhưng, khi các nước XHCN Đông Âu tan rã, những sản phẩm sơn mài cũng mất dần thị trường. Ông ngậm ngùi kể: “Tôi buộc phải giải thể tổ hợp chuyển sang nghề thiết kế. Nhìn những sản phẩm sơn mài bị bỏ xó, tôi không khỏi xót xa, nuối tiếc; tự nhủ khi có điều kiện sẽ trở lại với nghề truyền thống của gia đình”.
Năm 2002, ông trở về Bình Dương thăm gia đình. Trong lúc ra vườn hóng gió, ông chợt thấy những cành tre, vỏ cây khô có hình thù lạ mắt. Cầm những vỏ cây lên ngắm nghía, ông chợt nghĩ sao không thử dùng những chất liệu có sẵn ở quê nhà ứng dụng lên sản phẩm sơn mài? Những sản phẩm trước đây không tiêu thụ được vì dùng chất liệu cũ như vỏ ốc, trứng, đá vốn không có gì mới mà chi phí sản xuất lại cao.
Suy nghĩ nhiều đêm liền, cuối cùng, ông quyết định làm thử dòng sản phẩm sơn mài mới “kết hợp giữa truyền thống và hiện đại”. Ông bắt tay vào việc tìm kiếm vỏ cây, gáo dừa, mây, tre về sản xuất thử. “Lúc mới làm, đã xảy ra không biết bao nhiêu là sự cố, khi thì vỏ cây bị nứt, bể; khi thì tre bị cong...
Sau hơn vài chục lần thử nghiệm, tôi phát hiện, để những chất liệu thiên nhiên khảm được lên bình hoa, lọ có độ bền, không bị hư, vỏ cây, tre, trúc cần được xử lý cho khô, chống mối mọt...”- ông nói. Mất 2 năm mày mò nghiên cứu, những bình hoa, khay, đĩa, tranh, bàn ghế được khảm vỏ cây, tre, mây, gáo dừa ra đời.
Đưa sản phẩm truyền thống ra nước ngoài
Trong tiếng ồn ào của máy mài, máy cắt, hơn 50 công nhân của cơ sở sản xuất sơn mài Thanh Long đang khẩn trương chuẩn bị những lô hàng để xuất đi các nước. Ở cuối dãy nhà, nghệ nhân Bùi Văn Thanh rất điêu luyện khi đưa những vỏ cây, tre, gáo dừa khảm vào bình hoa, tranh, khay... Trong phút chốc, những bức tranh hình hoa, bướm được khảm xong. Một lớp sơn mỏng quét lên trên tác phẩm trước khi chúng được đưa đi mài, làm bóng. Qua gần 20 công đoạn, tác phẩm nghệ thuật của ông dần hiện lên với những nét đặc sắc sinh động.
Nhiều nghệ nhân trong ngành sơn mài nhìn nhận: Sản phẩm của ông không chỉ đẹp mà còn lạ, lại rất có hồn. Những bức tranh sơn mài hoa, bướm, đại bàng qua bàn tay ông trở nên sinh động lạ thường. Hay những bộ bàn ghế khảm vỏ cây trông vừa hoang sơ vừa gần gũi. Ngay cả những khách hàng khó tính nhất cũng vừa lòng khi chọn sản phẩm của ông. Đưa tôi tham quan cơ sở, ông chỉ vào một bộ bàn ghế, bảo: “Tôi vừa hoàn tất đơn hàng này sang Mỹ. Nhiều khách hàng tại Ý cũng đang đặt bình, chậu hoa, khay... nhưng phải để cho công nhân nghỉ ngơi”.
Không chỉ tạo nét riêng cho nghề thủ công mỹ nghệ, ông Thanh còn dạy nghề, tạo việc làm cho nhiều lao động. Anh Lê Trường Giang, quê ở Kiên Giang, trước đây không có công ăn việc làm, được người quen giới thiệu vào làm việc ở cơ sở. Sau gần 5 năm gắn bó, anh cho biết: “Tôi được ông dạy nghề và tạo việc làm ổn định. Không những thế, tôi còn được ông đối đãi như người nhà.
Mỗi khi tôi ốm đau ông đều giúp đỡ tận tình”. Còn chị Nguyễn Thị Xuân Hương, ở xã Tân An - Bình Dương, làm việc gần 1 năm qua, nói: “Chúng tôi rất quý ông bởi ông đã cho chúng tôi công ăn việc làm, lại tận tình giúp đỡ khi gặp khó khăn”. Đó cũng là lý do khiến hơn 50 công nhân luôn làm việc nhiệt tình, xem cơ sở như ngôi nhà thứ hai của mình.
Ông Bùi Văn Thanh cho biết: “Trong tương lai, tôi sẽ cho ra đời những sản phẩm mới vẫn sử dụng chất liệu từ thiên nhiên. Trước mắt, tôi sẽ mở thêm phòng trưng bày sản phẩm tại TPHCM, tham gia các hội chợ thủ công mỹ nghệ để chính thức bước vào thị trường thông qua kênh phân phối chính thức, không qua trung gian như hiện nay”. |