Năm học tới, Bộ GD&ĐT dự định sẽ áp dụng không chấm điểm, thay vào đó là nhận xét với HS toàn bộ khối tiểu học. Liệu cách đánh giá mới này có khả thi? Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với một số chuyên gia, nhà quản lý giáo dục xung quanh vấn đề này.
Ông Phạm Xuân Tiến Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội:Nhận xét thay vì cho điểm không khác nhau
Còn nhiều ý kiến khác nhau trong quan điểm về nhận xét, không cho điểm và cho rằng cần có điều chỉnh. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Mọi sự đổi mới muốn thành công phải bắt nguồn từ nhận thức. Do chưa nhận thức đầy đủ nên đã có những cách hiểu khác nhau. Nếu nói nhận xét không cho điểm, thực sự không chính xác, bởi khi đánh giá định kỳ, cuối học kỳ vẫn cho điểm ở các môn Văn, Toán, Lịch sử, Địa lý… thông qua bài kiểm tra (Đề kiểm tra sẽ được thiết kế theo 3 mức độ nhận thức của HS và được đánh giá theo thang điểm 10, không cho điểm 0 và điểm thập phân - Dự thảo).
Việc đầu tiên, chúng ta phải hiểu, từ trước đến nay việc đánh giá HS bằng điểm số bao giờ cũng đi kèmvới
nhận xét. Bây giờ nhận xét thay vì cho điểm cũng không có gì khác nhau. Và một trong những yếu tố khuyến cáo không cho điểm là khi đón con ở cổng trường, phụ huynh thường hỏi, hôm nay được mấy điểm, nếu con được 9 hoặc 10 điểm thì thưởng quà cho con, nhưng con bị điểm kém có thể sẽ bị mắng, mạt sát con. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý của trẻ. Chính vì vậy, với HS tiểu học thay vì hỏi con được bao nhiêu điểm thì hãy hỏi con học thế nào, chia sẻ với các bạn ra sao và con đã làm những điều gì tốt...
Đối với giáo viên (GV) đã quen với cách chấm điểm môn Toán trả lời đúng thì viết chữ Đ, sau đó cộng tổng số và cho điểm. Nhưng thay vì việc đó, GV không cho điểm nữa nhưng vẫn đánh giá là đúng và cho chữ Đ, sai thì có thể sửa hoặc gạch dưới chân chỗ sai để HS tự sửa. Theo tôi, như thế sẽ không có gì khó khăn. Tuy nhiên, cũng còn một số GV lúng túng, vì nghĩ đã là nhận xét phải viết vào vở, phải nhận xét hàng ngày, chính vì vậy vẫn có không ít GV còn băn khoăn.
Phương pháp này đã áp dụng trong năm học 2013 - 2014 với HS lớp 1, mới thử nghiệm một năm ở lớp 1, trong khi vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Dự định sẽ đưa vào áp dụng cho toàn bậc tiểu học trong năm học tới liệu có quá vội vàng, thưa ông?
- Theo tôi là không vội vàng. Năm 2013, Bộ GD&ĐT mới ban hành hướng dẫn khuyến khích đánh giá thay bằng cho điểm, Sở GD&ĐT Hà Nội đã triển khai nội dung này, khi triển khai đã nhận được nhiều ý kiến của GV, phụ huynh. Tuy nhiên, vẫn có GV hiểu rằng, ngày nào cũng phải nhận xét vào vở, thấy rằng khó khăn và vất vả cho GV. Thực tế không phải như vậy, nhận xét có thể viết, có xem bài và nhận xét bằng lời cho các con luôn, chứ không phải viết nhận xét vào vở hàng ngày.
Phía Sở GD&ĐT cho rằng không gấp gáp, vội vàng và khả thi khi áp dụng vào thực tế, nhưng liệu có nảy sinh những khó khăn khi áp dụng cách đánh giá này?
- Sẽ có một số khó khăn. GV phải hiểu rõ việc nhận xét như thế nào để phù hợp, khích lệ HS. Nhận xét là nhận xét từng HS, chứ không phải so sánh giữa HS này với HS kia để tạo ra áp lực giữa các em. Chính vì vậy, chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn cho GV trong việc nhận xét thường xuyên cho HS, làm kỹ, làm bài bản đến tất cả GV để hiểu được bản chất vấn đề và cách làm, chắc chắn sẽ không có gì khó khăn.
Xin cảm ơn ông!
TS Nguyễn Tùng Lâm Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội: Khó bao quát
Nhận xét HS thay cho chấm điểm, so với cách đánh giá cũ có những ưu điểm, hạn chế nào, thưa ông?
- Cách đánh giá cũ là cho điểm, có lợi trong việc xếp loại HS rất nhanh, bằng cách thông qua điểm số, biết được lực học em này trung bình, em kia giỏi… Còn mục tiêu của cách đánh giá mới là để HS biết được ưu, nhược điểm của mình, để HS tự phát triển, đó là mục tiêu cao cả nhất. Với cách đánh giá cũ, HS chỉ biết mình được mấy điểm rồi đóng sách lại, mà không biết vì sao mình giỏi, vì sao kém, bố mẹ cũng chỉ biết con mình có điểm số như vậy, chứ không nắm được cụ thể năng lực, phẩm chất con mình thế nào. Vì thế không khích lệ được HS, không sát với HS để giúp HS khắc phục yếu kém của mình. Đây là nhược điểm chính của cách đánh giá cũ. Hiện nay, cách đánh giá cũ là xếp loại HS, xếp thứ tự từ trên xuống đã
tạo sự ganh đua không tốt giữa các em. Các nước không làm như vậy, không cho điểm số, trong khi chúng ta làm ngược lại. Mục tiêu của chúng ta là hình thành phát triển nhân cách mỗi con người, làm sao để cho HS biết được ưu, nhược điểm của mình để có sự nỗ lực. Đó mới là mục tiêu quan trọng.
Thưa ông, để thực hiện, làm quen với cách đánh giá mới, yêu cầu đối với GV sẽ ra sao?
- Cách đánh giá mới, không cho điểm, buộc GV phải hướng dẫn HS, đánh giá HS cụ thể, không thể nói chung chung, giúp HS có điều kiện nhận thức được ưu, nhược để các em phấn đấu. Đặc biệt, đối với HS cấp 1, thầy cô phải sát với học trò, khích lệ học trò. Có HS lực học yếu, chưa nắm được bài bị cho điểm 2, điểm 3, các em bị mặc cảm ngay, thế nhưng không cho điểm mà thày, cô phê: "Phần này con đã làm rồi, nhưng chưa đạt, con cần cố gắng thêm để đạt yêu cầu tốt hơn", như vậy GV sẽ phải nhận xét dài hơn, kỹ hơn, nhưng rõ ràng là HS đã được sự khích lệ từ thầy cô. Do đó, yêu cầu mới buộc GV phải sát với HS.
Sĩ số HS trong lớp đông, đặc biệt là ở các TP lớn. Theo ông, liệu cách đánh giá mới có khả thi?
- Với các trường ở TP, mỗi lớp học 50 - 60 HS sẽ là khó khăn để thực hiện được. Lượng HS đông, trong khi GV phải sát với các em, ngày nào cũng phải nhận xét, GV ngại. Sẽ có tình trạng chỉ đánh giá được hai đầu: HS giỏi và HS cá biệt, chứ không thể bao quát hết được. Đánh giá mới này phải dài và rất cụ thể. Ở các nước đánh giá: Mức tư duy của HS thế nào, độ chuyên cần, khả năng vượt khó của HS,… họ có tiêu chí rất cụ thể, chứ không chỉ đánh giá chung chung là làm bài tốt, không tốt... GV phải nhận xét HS nhiều mặt trong quá trình học tập rèn luyện, chứ không phải mục tiêu về điểm số, đòi hỏi phải hiểu HS. Bản thân HS cũng phải hiểu mình thế nào, cha mẹ HS cũng phải hiểu con mình thế nào, thầy cô phải hiểu HS để khích lệ HS những mặt hạn chế, yếu kém. HS cẩu thả phải rèn tính cẩn thận, HS có năng lực tư duy tốt phải khuyến khích năng lực của HS đó… Qua đánh giá bằng nhận xét phải tỉ mỉ chứ không chung chung một câu là tốt, khá…
Trên cơ sở đó, đi theo hướng đổi mới này là rất tốt, nhưng đòi hỏi thầy cô phải có nghiệp vụ, thầy cô phải vượt khó, cha mẹ phải quan tâm tới con, không chỉ hỏi con mấy điểm, mà có sự gắn kết, phối hợp cùng nhà trường, thầy cô giúp đỡ con, có vậy mới có sự chuyển biến được.
Quan điểm của ông về cách đánh giá mới? Ông có ủng hộ phương án này không?
- Theo tôi, nên ủng hộ cách làm mới, mặc dù rất khó khăn, nhưng đây là xu hướng tốt, xu hướng tiến bộ. Giai đoạn mới sẽ có những khó khăn, vướng mắc, nên chúng ta phải hết sức nỗ lực trong giai đoạn đầu. Thay đổi, học bạ cũng phải thay đổi, phải có một loạt nghiệp vụ đi theo. Điều quan trọng, Bộ GD&ĐT phải có sự hướng dẫn tỉ mỉ, không thể làm qua loa được. Ngành giáo dục phải chỉ đạo lại cấp tiểu học. Giai đoạn đầu phải có thanh tra thường xuyên, nhắc nhở uốn nắn, có hướng dẫn, giải thích, không thể làm hình thức, qua loa, bởi làm hình thức sẽ phản tác dụng.
Xin cảm ơn ông!
"Với phương pháp nhận xét, HS sẽ không bị áp lực về điểm, làm cho các con tự tin khi đến trường. Tuy nhiên, GV chúng tôi sẽ vất vả hơn rất nhiều so với chấm điểm số do phải nhận xét tỷ mỉ từng HS". Cô giáo Khánh Thị Triều - Trường Tiểu học Cát Linh "Nếu sĩ số mỗi lớp chỉ 20 - 25 HS là chuẩn, với sĩ số này mới có thể nhận xét, phân hóa cụ thể, tỷ mỉ từng HS. Hiện tại, sĩ số mỗi lớp từ 50 - 60 HS, tôi thấy việc đánh giá sẽ rất khó khăn, bất cập trong phân hóa, đánh giá HS". Cô giáo Mai Thị Nguyệt - Trường Tiểu học Thăng Long |
Giờ học toán tại trường Tiểu học Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy. Ảnh: Nguyễn Thành
|
Nhiều GV cho rằng, các nhà trường hiện chưa được tham gia góp ý cho dự thảo và mẫu sổ ghi nhật ký đánh giá có phù hợp với quy định thì mới khẳng định được cách đổi mới này có khả thi hay không. Trong khi chỉ còn hơn một tháng nữa vào năm học mới, việc triển khai để tập huấn cho cán bộ quản lý và GV sẽ rất eo hẹp về thời gian. Nên có kế hoạch để một số nhà trường làm điểm, rút kinh nghiệm và góp ý cho nội dung và phương pháp thực hiện, chưa nên vội vàng triển khai ngay trong năm học 2014 - 2015. |