Làm kinh tế trong lòng hồ chứa thủy lợi

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Bên cạnh việc triển khai các mô hình nuôi cá nước ngọt, khu vực lòng hồ chứa nước còn có nhiều lợi thế để kết hợp phát triển du lịch sinh thái.

Nhiều tiềm năng

Công trình hồ chứa nước Nước Trong (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) xây dựng hoàn thành và đưa vào vận hành từ năm 2016. Đây là dự án lớn, góp phần quan trọng trong việc bổ sung, cấp nước tưới ổn định cho hệ thống thuỷ lợi Thạch Nham, kết hợp phát điện và điều tiết, cắt lũ cho vùng hạ lưu sông Trà Khúc.

Hồ chứa nước Nước Trong.
Hồ chứa nước Nước Trong.

Hồ có diện tích lưu vực khoảng 46km2, dung tích 289 triệu m3, diện tích mặt hồ trên 1.100ha. Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thả giống bổ sung tái tạo nguồn lợi thuỷ sản nên lượng thuỷ sản trong hồ tương đối phong phú, đa dạng. Người dân khai thác, hưởng lợi từ hồ khá lớn.

Năm 2022, Hợp tác xã nông nghiệp thương mại và dịch vụ Hiệp Phát được cấp có thẩm quyền cho phép triển khai mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ, với 3 lồng nuôi gồm các giống như cá lăng, cá chình, cá thát lát, cá điêu hồng.

Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ chứa nước Nước Trong.
Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ chứa nước Nước Trong.

Sản lượng thu hoạch từ mô hình khoảng từ 6-7 tấn/năm. Dự kiến trong thời gian tới, số hộ tham gia mô hình tăng lên, hợp tác xã sẽ triển khai thêm 4 lồng nuôi.

Ngoài nuôi cá, tận dụng cảnh sắc tuyệt đẹp ở nơi đây, một số người dân nhạy bén còn đầu tư trang thiết bị để phục vụ khách du lịch quanh lòng hồ Nước Trong.

Dịch vụ thuyền du lịch ở khu vực hồ chứa nước Nước Trong.
Dịch vụ thuyền du lịch ở khu vực hồ chứa nước Nước Trong.

Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Đinh Thị Trà cho biết, đối với hồ chứa nước Nước Trong, mấy năm qua được tỉnh quan tâm, nhà đầu tư đã tận dụng tiềm năng để phát triển kinh tế, trong đó có nuôi cá nước ngọt. Huyện phấn đấu trong năm 2023- 2024 sẽ có sản phẩm OCOP từ mô hình này.

“Theo định hướng của huyện Sơn Hà, thời gian tới vẫn tập trung kêu gọi nhà đầu tư đủ năng lực để phát triển kinh tế ở hồ Nước Trong, nhất là đầu tư chế biến sản phẩm từ nuôi cá.  Gần đây, nhiều du khách đã lên đây check in và có một số dịch vụ được triển khai. Tuy nhiên, để phát triển du lịch thì cần nhiều thời gian và nhiều vấn đề phải thực hiện. Trước mắt, huyện kiến nghị đưa vào quy hoạch bến đò để có có sở phát triển du lịch”- bà Trà thông tin.

Vừa nuôi thủy sản, vừa làm du lịch

Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 124 hồ chứa với tổng dung tích trữ thiết kế hơn 409 triệu m3, nằm trên địa bàn 11/13 huyện, thị xã, thành phố; trong đó, có 25 hồ chứa nước lớn, 36 hồ chứa nước vừa và 63 hồ chứa nước nhỏ. Đa số các hồ chứa đều có độ sâu mực nước hơn 10 mét và diện tích lưu vực lớn.

Hàng năm, trên địa bàn tỉnh có khoảng 940ha diện tích mặt nước nuôi thủy sản nước ngọt, trong đó có khoảng 800ha nuôi ở các hồ chứa với sản lượng khoảng 1.700 tấn/năm.

Nuôi thủy sản trong hồ chứa thủy lợi hứa hẹn nhiều triển vọng phát triển kinh tế.
Nuôi thủy sản trong hồ chứa thủy lợi hứa hẹn nhiều triển vọng phát triển kinh tế.

Việc tận dụng được lợi thế nguồn mặt nước dồi dào từ các hồ chứa cùng với đầu tư bài bản, có khoa học, phù hợp với từng địa phương sẽ giúp mô hình nuôi trồng thủy sản nước ngọt trong lòng hồ chứa phát triển, tạo sinh kế  cho người dân. Đồng thời, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hướng tới phát triển bền vững môi trường sinh thái ở các hồ chứa.

Qua khảo sát lòng hồ và kiểm tra mô hình nuôi cá ở hồ chứa nước Nước Trong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền đánh giá, những năm gần đây, phong trào nuôi cá nước ngọt tại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện và các hồ chứa tự nhiên có sự phát triển, đã và đang thực hiện với nhiều đối tượng nuôi truyền thống và đối tượng nuôi có giá trị kinh tế như cá chình, thát lát, lăng nha, bống tượng, trắm, điêu hồng... với hình thức nuôi lồng bè, thả nuôi tự nhiên.

Dù vậy, ông Hiền cho rằng, việc nuôi thủy sản trong lòng hồ chứa nước gặp nhiều vấn đề không thuận lợi vì người dân địa phương đa phần kinh tế khó khăn, khả năng đầu tư thấp; còn hạn chế trong việc nhận chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới, hầu hết còn nuôi theo kiểu truyền thống. Đầu ra sản phẩm chưa ổn định, chỉ mới cung ứng được trên thị phần manh mún ở địa phương, giá trị kinh tế chưa cao.

“Chính quyền địa phương cần rà soát quy hoạch khu vực, vị trí nuôi trồng thủy sản đảm bảo đúng quy định; đồng thời phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng và hình thành các sản phẩm du lịch giải trí nhằm phát triển kinh tế, tạo sinh kế ổn định cho người dân”- ông Hiền yêu cầu.

Bên cạnh việc nuôi trồng thủy sản, khu vực hồ chứa còn có tiềm năng để phát triển sản phẩm du lịch giải trí. 
Bên cạnh việc nuôi trồng thủy sản, khu vực hồ chứa còn có tiềm năng để phát triển sản phẩm du lịch giải trí. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở NN&PTNT chỉ đạo đơn vị chuyên môn thường xuyên tổ chức hoạt động thả giống thủy sản bổ sung để tái tạo nguồn lợi thủy sản. Theo dõi, đánh giá hiệu quả nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ chứa nước Nước Trong nói riêng, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh nói chung. 

Bên cạnh đó, triển khai tập huấn quy trình kỹ thuật chăm sóc, khai thác và xử lý môi trường lồng nuôi cho người dân để vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.