Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm nghề 10 năm mới có hy vọng sống bằng nghề

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Diễn viên, biên đạo múa Tấn Lộc từng khiến những người hoạt dộng trong lĩnh vực múa tâm phục khẩu phục với “Chuyện kể những chiếc giày”, “Mộc”.

Dường như, người nghệ sĩ được trưởng thành từ cái nôi của nghệ thuật múa nước ngoài đã không quên thổi hồn dân tộc vào mỗi vở múa của mình. Để rồi trong hoàn cảnh sống chật vật bằng nghề, anh chưa bao giờ nối tiếc lựa chọn về Việt Nam lập nghiệp.

 
Làm nghề 10 năm mới có hy vọng sống bằng nghề - Ảnh 1
 
Tấn Lộc trên sàn tập.

Mùi vị nghệ thuật Nam ở Hà Nội

Sân khấu của Hà Nội đang ngập tràn những đêm diễn giải trí. Rất nhiều loại hình nghệ thuật vốn ăn khách như hài kịch “Đời cười” cũng phải loay hoay tìm khán giả. Anh có thấy việc đưa hàng chục diễn viên, kèm với trang thiết bị, trang phục lỉnh kỉnh từ Nam ra Bắc chỉ để vở múa “Sương sớm” công diễn một đêm duy nhất (22/1) tại Hà Nội là sự liều lĩnh?

- “Sương sớm” đã được công diễn tại TPHCM vào ngày 13 -14/11/2012 và nhận được nhiều lời khen ngợi từ phía chuyên môn và khán giả. Đó là động lực để ekip quyết định mang vở diễn ra Hà Nội với hy vọng giới thiệu đến Hà Nội một thứ nghệ thuật gọi là của Nam. Nó khác “mùi vị” nghệ thuật của Hà Nội. Trong khi, thông thường, người trong Nam được coi nghệ thuật của Bắc nhiều hơn. Hơn nữa, một nửa số người trong nhóm Arabesquelà người Hà Nội, nên đây là cơ hội để mọi người trong nhóm biểu diễn cho người nhà.

Tại sao chủ đề của “Sương sớm” lại là chân dung người nông dân qua múa đương đại? Phải chăng anh lại lựa chọn chủ đề đó thay cho lời nói hồn Việt và để tạo sự phân biệt giữa vở múa Việt và vở múa nước ngoài?

- Tôi nghĩ rằng người làm nghệ thuật phải giúp khán giả hiểu thông qua nghệ thuật, chứ không phải hô lên tôi đang làm cái này, tôi là cái nọ. Đúng là nét độc đáo của vở “Sương sớm” là việc thể hiện hình ảnh người nông dân Việt Nam từ tờ mờ sáng đến tối khuya với công việc hàng ngày là ra đồng, xay gạo, chuẩn bị phiên chợ sớm…

Nhưng tôi chọn ý tưởng cho vở múa “Sương sớm” về người nông dân bởi vì đôi khi tôi giật mình giữa bộn bề cuộc sống, dường như con người ta đã quên mất những thứ đẹp nhất xung quanh mình. Giới trẻ giờ đây chỉ lao vào cuộc chơi đi động, ipad, họ quên mất hạt gạo đang ăn hàng ngày do ai làm ra.

 
Làm nghề 10 năm mới có hy vọng sống bằng nghề - Ảnh 2
 
Một cảnh trong vở diễn.

Tôi cố gắng không tạo hình ảnh người nông dân với sự cổ điển, rất xưa, rất quê mùa. Tôi cũng không có ý định làm mới, làm sang trọng họ mà chỉ để diễn tả chân thật nhất sự hiểu biết của mình về họ. Và để xây dựng nên vở múa này, tôi cùng các thành viên trong nhóm Arabesquelà đã xuống Nam Bộ cùng ăn, cùng ở, cùng làm suốt cả tháng trời.

Và Tấn Lộc làm thế nào để những tên tuổi nổi tiếng cùng nghề múa như: NSƯT Ngô Thụy Tố Như, nghệ sĩ Ngọc Anh (Học viện Nghệ thuật Hong Kong), nghệ sĩ Ngô Thanh Phương (tốt nghiệp trường Folkwang University of the Arts), nghệ sĩ  Vũ Ngọc Khải (từng làm việc 5 năm ở Châu Âu), cùng nhạc sĩ Tôn Thất An (Pháp), Đức Trí (Việt Nam)… cùng tham gia xây dựng vở diễn?

- Tôi may mắn được làm với những con người giỏi hơn mình. Chúng tôi cộng tác được với nhau vì có cách nghĩ, cách nhìn giống nhau.

Nên tự cứu mình, đừng kêu người khác cứu

Tốt nghiệp trường múa Hà Nội, xong rồi anh có cơ hội học tiếp chuyên ngành múa ở Hồng Kong, Nhật Bản, Thụy Sĩ và lại có 9 năm làm nghề tại Anh. Tại sao anh lại về Việt Nam?

-  Tôi trở về Việt Nam một phần vì lý do riêng, nhưng phần nữa vì nhìn thấy rất nhiều tài tăng trẻ ở trong nước chưa được giới thiệu đến công chúng. Lúc đó, tôi chưa nghĩ đến khái niệm lớn lao là yêu nước, mà chỉ nghĩ đơn giản là trở về làm những việc để giúp mọi người thấy Việt Nam cũng có tài năng. Và 10 năm làm nghề tôi đã có hy vọng sống bằng nghề.

 
Làm nghề 10 năm mới có hy vọng sống bằng nghề - Ảnh 3
 
Một cảnh trong vở diễn.

Nhưng những người nghệ sĩ múa ở Việt Nam than rằng, hôm nay có thể làm công chúa, mai có thể đi nhảy phụ họa để kiếm sống. Thực tế đó có làm anh buồn không?

- Tôi lại nghĩ khác. Diễn viên múa của Việt Nam sướng hơn diễn viên nước ngoài. Tôi biết nhiều bạn diễn viên múa ở Nhật Bản, ở Đức cũng là những diễn viên giỏi. Nhưng họ chỉ làm nghề một mùa, còn buổi tối đi bưng bê ở nhà hàng để có tiền hoạt động nghề múa.

Trong khi ở Sài Gòn, nếu nghệ sĩ giỏi thì vào nhà hát giao hưởng, kém hơn thì múa ở vũ đoàn, múa ở tụ điểm đám cưới… có nghĩa là vẫn hoạt động được bằng nghề múa, có thu nhập giúp các bạn tiếp tục học lên cao. Tôi nghĩ nghề nào cũng có cái vất vả riêng, nên mỗi người nên cứu lấy mình chứ đừng kêu người khác cứu.

Và cho đến bây giờ anh đã không ân hận về quyết định lập nghiệp ở Việt Nam, vì múa đương đại đã có chỗ đứng trong đời sống?

- Tôi chưa bao giờ ân hận về quyết định của mình. Sự tiếp nhận của khán giả đối với múa đương đại đi cùng với sự phát triển của kinh tế và văn hóa đất nước, không có công của riêng ai. Những người yêu thích múa đương đại đang cố gắng để khán giả tiếp thu được mình, chứ không phải gào lên rằng: “Tôi làm múa đương đại này anh, hãy coi đi”. Cho đến nay, chúng tôi cũng chỉ cố gắng mỗi năm ra 1-2 vở diễn mới, cùng với “Chuyện kể những chiếc giày”, “Mộc” duy trì thường xuyên các đêm diễn.

Cảm ơn anh.

“Sương Sớm – The Mist” là một chương trình biểu diễn múa đương đại độc đáo với những yếu tố đặc biệt bất ngờ. Với sự dẫn dắt của biên đạo múa Tấn Lộc, NSƯT Ngô Thụy Tố Như và các vũ công Arabesque, “Sương sớm” hứa hẹn sẽ mang đến nhiều màn trình diễn tuyệt vời và tràn đầy cảm xúc. Vở diễn sẽ công diễn một đêm duy nhất (22/1) tại Rạp Công nhân (42 Tràng Tiền – Hà Nội).