Trong tháng 3 đầu năm, lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã giảm xuống còn 2,3%, cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 6 năm 2021. So với các quốc gia khác thuộc Liên minh Châu Âu (EU), giá tiêu dùng tại Đức đã tăng 2,7% so với cùng kỳ tháng 2 vừa qua.
Các dữ liệu về tình trạng lạm phát tại Đức đã được công bố sớm hơn một ngày so với các thông số liên quan trong khu vực, điều này đặc biệt thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu kinh tế.
Nhà phân tích kinh tế thuộc công ty tư vấn nghiên cứu kinh tế Pantheon Macro Economics - Claus Vitesen dự báo: “Dữ liệu tổng hợp từ Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha cho thấy có sự khác biệt đáng kể trong diễn biến lạm phát tại khu vực đồng tiền chung Châu Âu.”
Một cuộc khảo sát của các nhà kinh tế do Reuters thực hiện dự báo tình trạng lạm phát trong khu vực đồng tiền chung Châu Âu sẽ ở mức 2,6% trong tháng 3, không có nhiều khác biệt so với tháng trước đó.
Được biết, để có thể đưa mức độ lạm phát trong khu vực giảm xuống hai con số, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã phải tăng mức lãi suất của đồng euro lên cao nhất từ trước đến nay. Bà Christine Lagarde - Giám đốc ngân hàng ECB kỳ vọng rằng việc suy giảm lạm phát này sẽ mở đường cho kinh tế trong khu vực phát triển hơn trong năm nay.
Bên cạnh đó, lãnh đạo ngân hàng ECB còn khẳng định thêm: “Tình trạng lạm phát đang ở mức thấp nhất kể từ khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm 2022”.
Cố vấn kinh tế cấp cao Ralph Solveen của Commerzbank cũng cho biết: “Nhìn vào các số liệu về giá tiêu dùng tại Đức trong tháng 3 vừa qua có thể thấy rằng chính sách tiền tệ sớm cần được nới lỏng”. Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ thêm: “Mặc dù giá năng lượng và các mặt hàng thực phẩm đang biến động mạnh, tình trạng lạm phát vẫn gần như không chậm lại”.
Hiện nay, tỷ lệ lạm phát cơ bản của Đức (không tính đến sự biến động trong giá thực phẩm và giá năng lượng) đang chạm mức 3,3% trong tháng 3, giảm 0,1% so với tháng trước đó.
Không chỉ lạm phát, các con số phản ánh giá năng lượng và các mặt hàng thực phẩm cũng đang biến động đáng kể. Giá năng lượng hiện nay đã giảm 2,7% so với tháng 3 năm ngoái, còn giá thực phẩm đã lần đầu tiên giảm xuống dưới mức cùng kỳ năm trước kể từ tháng 2 năm 2015.
Giải thích cho tình hình lạm phát hiện nay, các nguyên nhân cơ bản được cho là xuất phát từ xu hướng gia tăng giá cả dịch vụ, song song với đó là sự ảnh hưởng từ mức tăng mạnh của các tiền lương.
“ECB đặt mục tiêu tỷ lệ lạm phát cơ bản ổn định ở mức 2%, tuy nhiên chúng tôi kỳ vọng các con số sẽ ở mức tốt hơn thế trong những tháng tới,” ông Solveen chia sẻ.