Lạm phát tăng cao, giá xăng dầu giảm tuần thứ 3 liên tiếp

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều chỉ báo tiêu cực, trong đó lạm phát tăng cao làm hạ nhiệt nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu khiến giá dầu thô có tuần giao dịch giảm mạnh thứ 3 liên tiếp.

Chốt tuần giao dịch, trên sàn New York Mercantile Exchanghe giá dầu hôm nay ghi nhận dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12/2021 đứng ở mức 80,69 USD/thùng, giảm 0,90 USD/thùng trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 1/2022 đứng ở mức 82,01 USD/thùng, giảm 0,86 USD/thùng trong phiên.
Ảnh minh họa.
Các chuyên gia phân tích, giá dầu thô trong tuần giao dịch từ ngày 8/11 diễn biến theo 2 chiều hướng trái ngược. Nếu như trong những phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu được thúc đẩy bởi quyết định duy trì mức sản lượng của OPEC+ thì ở 3 phiên cuối tuần, áp lực lạm phát, rủi ro tăng trưởng và dịch Covid-19 đã kéo giá dầu đi xuống.
Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, đầu giờ sáng ngày 8/11 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12/2021 đứng ở mức 81,62 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 1/2022 đứng ở mức 82,98 USD/thùng, tăng 0,24 USD/thùng.
Giá dầu ngày 8/11 duy trì đà tăng nhờ kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu thô gia tăng khi các nước châu Âu, Mỹ bước vào mùa Đông và mùa mua sắm sẽ thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hoá.
Sự hoài nghi về khả năng tăng sản lượng của OPEC+ theo kế hoạch, các kho dự trữ dầu thô giảm mạnh, quyết định tăng giá bán chính thức đối với dầu thô nhà sản xuất dầu quốc doanh Aramco (Saudi Arabia)... cũng tạo động lực thúc đẩy giá dầu đi lên.
Bước vào phiên giao dịch ngày 10/11, giá dầu thô đã bật tăng mạnh. Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, đầu giờ sáng ngày 10/11 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12/2021 đứng ở mức 84,51 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 1/2022 đứng ở mức 85,07 USD/thùng.
Dữ liệu vừa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của nước này trong tháng 10/2021 đã tăng mạnh, tới 27,1% so với cùng kỳ 2020, đạt 300,2 tỷ USD. Nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 10/2021 cũng tăng tới 20,6%.
Đáng chú ý, nhập khẩu than trong tháng 10 của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2020 do Trung Quốc có nhiều nỗ lực đẩy mạnh tăng nguồn cung điện để giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng.
Nhập khẩu khí đốt tự nhiên, loại nhiên liệu thay thế điện để sưởi ấm cũng tăng tới 22% so với cùng kỳ 2020 trong tháng 10/2021.
Ở diễn biến khác, các nhà phân tích hàng hoá của JPMorgan Chase nhận định nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong tháng 11/2021 đã gần trở về mức trước đại dịch là 100 triệu USD/thùng ngày. Con số này là cao hơn khá nhiều so với khả năng cung ứng dầu thô trên thị trường.
Tổng kho xăng dầu Nhà Bè của PVOIL (ảnh minh họa).
Tuy nhiên, trong 2 phiên giao dịch cuối tuần, khi một loạt các dữ liệu về lạm phát và tăng trưởng kinh tế của Mỹ được công bố, cộng với diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19 ở Trung Quốc, Anh, Đức… khiến giá dầu thô quay đầu giảm mạnh.
Tại Mỹ, quốc gia có công suất lọc dầu lớn nhất thế giới, chỉ đạt mức tăng trưởng GDP quý III/2021 ở mức đạt 2%, thấp hơn rất nhiều mức tăng 6,7% và 6,3% của 2 quý trước đó.
Nếu đà lạm phát tiếp tục leo thang ở mức cao, nền kinh tế Mỹ hoàn toàn có thể rơi vào tình trạng suy thoái, bất chấp những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong việc triển khai các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế.
Chi phí hàng hoá leo thang, các chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy kéo theo giá cả nhiều loại hàng hoá tăng cao, bóp nghẹt túi tiền của người tiêu dùng và đẩy lạm phát tăng cao. Nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu tình hình không được cải thiện thì sức cầu tiêu dùng chắc chắn giảm, khi đó sẽ tác động ngược lại với hoạt động sản xuất.
CPI tháng 10 của Mỹ đã tăng 0,9% so với tháng 9 và tăng tới 6,2% so với cùng kỳ 2020, vượt xa con số dự báo 5,9%. Đây là mức tăng lớn nhất được ghi nhận tại Mỹ trong hơn 30 năm.
Ở diễn biến mới nhất, OPEC đã cắt giảm dự báo nhu cầu dầu thô trong năm 2021 chỉ tăng 5,7 triệu thùng/ngày, thấp hơn 160.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. Dự báo trên được OPEC đưa ra khi nhu cầu tiêu thụ dầu thô ở Trung Quốc, Ấn Độ trong quý III/2021 giảm.
Nga cũng bắt đầu tăng mạnh sản lượng khí đốt đến các bể chứa ở châu Âu. Theo nhà điều hành Gascade của Đức, việc vận chuyển khí đốt trực tiếp đến Đức qua đường ống Yamal-Europe đã tăng 25% vào ngày 10/11 so với một ngày trước đó.
Từ sáng 10/11, lượng khí đốt được giao tăng lên thành 1,2 triệu m3/giờ, nhiều hơn một phần tư so với mức trung bình hàng giờ vào tối ngày 9 tháng 11, dao động trong khoảng 870.000 - 880.000m3.
Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ cũng được đẩy mạnh và dự báo sẽ lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2020 vào tháng 12/2021 với sản lượng dự kiến là 8,68 triệu thùng/ngày.
Trong nỗ lực nhằm hạ nhiệt thị trường năng lượng, qua đó giảm áp lực đối với lạm phát và tăng trưởng kinh tế, nhiều chuyên gia dự báo Mỹ sẽ sớm phải xả các kho dự trữ chiến lược nhằm hạ nhiệt giá năng lượng khi đây được xem là một trong những nguyên nhân đẩy lạm phát của nước này lên mức cao nhất 31 năm.
Với những diễn biến như trên, giá dầu ngày 14/11 ghi nhận chỉ báo về một giai đoạn khó khăn mới khi áp lực lạm phát được dự báo kéo dài, tăng trưởng kinh tế chậm lại và khả năng Fed sẽ sớm nâng lãi suất, qua đó kéo đồng USD đi lên.