Cuộc đua lãi suất tăng nhiệt
Thống kê trên thị trường, lãi suất tiền gửi 12 tháng của các ngân hàng dao động từ 6,4 đến khoảng 7,3%.
VIB là ngân hàng có mức độ điều chỉnh tăng mạnh nhất trên thị trường, tăng thêm 0,8% cho kỳ hạn 6 tháng, lên mức 5,8%/năm. Kỳ hạn 24 tháng được điều chỉnh tăng thêm 0,4%, lên 6,2%/năm. Trong tháng 6/2022 cũng ghi nhận loạt ngân hàng như SCB, OceanBank, BaoVietBank, PGBank, ACB, SHB... thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất với mức phổ biến thêm 0,1 - 0,4%/năm.
Trước đó, Techcombank có chính sách tặng thêm 0,5%/năm lãi suất đối với khách hàng gửi tiền lần đầu. Tương tự, VPBank tăng thêm 0,3% lãi suất đối với tiền gửi các kỳ hạn 12, 24 và 36 tháng, đưa lãi suất lên 6,4%/năm. VietCapitalBank tăng lãi suất huy động lên mức cao nhất là 7%/năm ở kỳ hạn 24 tháng theo hình thức trực tuyến…
Ngay cả nhóm ngân hàng quốc doanh như BIDV đã tăng lãi suất huy động khách hàng cá nhân áp dụng từ ngày 1/6. BIDV đã điều chỉnh tăng 0,1% lãi suất ở tất cả kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, ở 5,6%/năm. Việc điều chỉnh tăng lãi suất huy động thêm 0,1% đã đánh dấu đợt tăng lãi suất đầu tiên của nhà băng này trong 3 năm qua.
Trong khi đó, Vietcombank mới đây công bố biểu lãi suất huy động cho hình thức gửi trực tuyến trên website, cộng thêm 0,1%/năm so với hình thức gửi tại quầy.
Áp lực lạm phát tác động lên tâm lý người gửi tiền đang là một trong những nguyên nhân chính khiến các ngân hàng phải nhanh chóng tăng lãi suất huy động để giữ chân người gửi tiền. Một số ngân hàng đã sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được phân cho năm 2022, cho thấy nhu cầu vốn trong nền kinh tế đang mạnh mẽ như thế nào. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc cuộc cạnh tranh huy động vốn sẽ càng thêm gay go và quyết liệt trong thời gian còn lại của năm nay.
Hiện nay tăng trưởng tín dụng mới đạt 8,03%, cách khá xa so với định hướng 14% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Các Ngân hàng thương mại (NHTM) phải có kế hoạch để đáp ứng nhu cầu này của thị trường bằng cách tích cực huy động vốn trung và dài hạn. Điều này cũng giúp họ đảm bảo lãi suất thực dương, qua đó có thể tiếp tục huy động vốn trước áp lực của lạm phát tăng cao.
Trong báo cáo vĩ mô mới phát hành, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết lãi suất huy động đã nhích tăng với mức tăng trung bình 0,1 - 0,2 điểm %, cá biệt tại kỳ hạn 12 tháng, mức tăng đạt xấp xỉ 0,7 điểm %. Như vậy, từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động đã tăng 0,3 - 0,8 điểm %.
Nhiều dự báo cho thấy NHNN sẽ bắt đầu tăng lãi suất điều hành trở lại từ nửa cuối năm nay, như là cách ứng phó với lạm phát kỳ vọng cũng như đi theo xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước. Khi đó, một cuộc đua tăng lãi suất đầu vào có thể lại được kích hoạt, nhất là khi càng về cuối năm thanh khoản của hệ thống càng chịu áp lực nhiều hơn.
Doanh nghiệp nhỏ khó vay lãi suất thấp vì tín nhiệm không cao
Trong bối cảnh lãi suất huy động liên tiếp tăng, lãi suất cho vay khó giữ thấp. Theo đó, mục tiêu phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5 - 1% trong 2 năm 2022 - 2023 của NHNN sẽ là thách thức.
Với dự báo áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tiếp theo, đi cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, VCBS cho rằng lãi suất huy động còn có thể tiếp tục tăng. Cụ thể, lãi suất huy động có thể chịu áp lực tăng 1 - 1,5 điểm % trong cả năm 2022. Trong khi đó, VCBS dự báo lãi suất cho vay ghi nhận áp lực tăng, tuy nhiên sẽ có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất huy động. Cùng với đó, sẽ có sự phân hoá giữa mức tăng và thời điểm tăng giữa các ngành nghề.
Tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV chiều 8/6, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho hay, 5 tháng đầu năm 2022, điều hành chính sách lãi suất của NHNN chịu áp lực khá lớn từ bên ngoài khi lạm phát tăng, ngân hàng trung ương của các nước trên thế giới đều tăng lãi suất. Trong nước, lãi suất phụ thuộc vào cung - cầu vốn.
“Áp lực lớn nhưng NHNN đã điều tiết, cơ bản ổn định mặt bằng lãi suất, chỉ tăng 0,09% so với đầu năm ngoái” - bà Nguyễn Thị Hồng nói.
Hiện tại, Nghị quyết 43/2022-QH15 đưa ra quan điểm và mục tiêu là cần giảm mức lãi suất, thực hiện phục hồi kinh tế, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, NHNN đang điều hành trên cơ sở tổng thể, phối hợp các công cụ điều hành để đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí trong hoạt động, giảm lãi suất cho DN.
Người đứng đầu NHNN cho biết thêm, các DN nhỏ và vừa có nhiều hạn chế trong điều kiện tài chính, khả năng quản trị… nên độ xếp hạng tín nhiệm không cao, gặp khó khăn trong vay vốn tại các ngân hàng, dễ phải chịu mức lãi suất cao hơn so với DN có độ tín nhiệm cao.
Theo TS Cấn Văn Lực, mức độ giảm lãi suất năm nay là cực kỳ khó, bởi tất cả lãi suất đầu vào và các nước trên thế giới đều tăng lãi suất. Năm nay nếu giữ bình ổn được lãi suất cho vay đã là một thành công.
“Chênh lệch lãi suất ròng sẽ giảm đi so với những năm trước. Ngân hàng buộc phải tìm cách đa dạng hoá hoạt động để tăng nguồn thu” - TS Cấn Văn Lực cho biết.
Các ngân hàng cũng đẩy mạnh số hóa để thu hút tiền gửi không kỳ hạn Casa. Đây là khoản tiền để trong tài khoản thanh toán của người dân, có lãi suất thấp, chỉ khoảng 0,2%/năm, thấp hơn nhiều so với tiền gửi có kỳ hạn. Do đó, sẽ làm giảm giá vốn trung bình của ngân hàng.
Ngoài rủi ro nợ xấu từ nợ tái cơ cấu đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, xu hướng lãi suất huy động tăng nhanh đang được xem là rủi ro chính yếu của hoạt động ngân hàng hiện nay cũng như cho giai đoạn tới. Do làm thu hẹp biên độ lãi ròng của các ngân hàng, vì lãi suất cho vay khó có thể tăng nhanh theo kịp lãi suất huy động.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng