Lạm phát thấp nhưng chưa thể lạc quan

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 9 tháng năm 2021, lạm phát của cả nước ở mức thấp. Tuy nhiên, phân tích cho thấy nhiều yếu tố không thể chủ quan bởi áp lực lạm phát vẫn hiện hữu, đặc biệt trong những tháng cuối năm.

Lạm phát thấp do tổng cầu yếu
CPI trong 9 tháng đầu năm 2021 thuộc loại thấp. Cụ thể, trong 9 tháng, có 3 tháng giảm, 6 tháng tăng nhưng trong 6 tháng tăng chỉ có 2 tháng là cao, các tháng còn lại chỉ tăng thấp. Nếu tính sau 9 tháng chỉ tăng 1,88%, bình quân một tháng chỉ có 0,2% - thuộc loại thấp. Nếu tính sau một năm (tức là so tháng 9/2021 với tháng 9/2020) tăng 2,06% - cao hơn tốc độ tăng tương ứng của các tháng trước, có nghĩa là có xu hướng cao lên.

Nếu tính bình quân 9 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước, mới tăng 1,82%, còn thấp xa so với mục tiêu kế hoạch theo Nghị quyết của Quốc hội (khoảng 4%). Lạm phát cơ bản còn tăng thấp hơn tốc độ tăng CPI (0,88% so với 1,82%). Dự báo cả năm sẽ chỉ tăng dưới 2,5% và đây sẽ là năm thứ 6 liên tục đã kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu.
 Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị BigC Thăng Long. Ảnh: Công Hùng
Lạm phát trong 9 tháng qua thấp do nhiều yếu tố tác động. Yếu tố tổng quát, cơ bản của lạm phát là quan hệ giữa sản xuất và sử dụng, biểu hiện quan hệ giữa tổng cung với tổng cầu. Nếu xét tăng trưởng GDP dưới góc độ sử dụng GDP, thì tốc độ tăng tích lũy tài sản lên đến 4,27%, tốc độ tăng tiêu dùng cuối cùng là 1,6% - đều cao hơn tốc độ tăng sản xuất GDP (1,42%). Tuy nhiên, thực tế tổng cầu còn yếu hơn tổng cung, bởi tổng cung còn phải tính thêm nhập siêu hàng hoá trên 2,11 tỷ USD, nhập siêu dịch vụ 11,69 tỷ USD và dành một phần sử dụng GDP.

Về tích lũy tài sản cũng có một số điểm đáng lưu ý. Tốc độ tăng tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chỉ có 0,4%, nếu loại trừ yếu tố giá còn bị giảm. Thứ hai, tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP nếu năm 2020 đạt 34,4%, thì 9 tháng năm nay giảm còn 31,2%. Thứ ba, một lượng vốn không nhỏ đã bị “chôn” vào vàng, bất động sản, tiền ảo… Một yếu tố nữa là gần đây còn có thông tin, một số lượng vốn của một số DN được gửi ngân hàng “tạm trú” do chưa biết đầu tư vào đâu vì đại dịch Covid-19…

Về tiêu dùng, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính theo giá thực tế giảm 7,1%, nếu loại trừ yếu tố giá còn giảm sâu hơn (8,7%, lớn hơn mức giảm 5,1% của cùng kỳ năm trước). Nếu tính bình quân đầu người còn giảm sâu hơn nữa (gần 10%). Vì đại dịch Covid-19 mà thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán bị giảm. Nhiều địa bàn phải thực hiện giãn cách nên sản phẩm đến với người tiêu dùng ít hơn, chậm hơn, người dùng có tâm lý tiết kiệm hơn.

Không thể chủ quan

Mặc dù CPI 9 tháng qua tăng thấp và dự báo cả năm 2021 cũng sẽ tăng thấp nhưng chưa thể chủ quan thỏa mãn, bởi vẫn có những yếu tố tác động đến lạm phát vào cuối năm, nhất là đầu năm tới. Trước hết là tác động của lạm phát trên thế giới đối với Việt Nam. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ của nhiều nền kinh tế lớn thông qua các gói tiền tệ với quy mô khủng lên đến hàng chục nghìn tỷ USD, trong thời gian tương đối dài, thông qua lãi cơ bản gần như bằng 0, đang làm cho lạm phát tăng lên ở nhiều nước. Diễn biến đó cộng hưởng với việc mở cửa trở lại sẽ làm cho đơn giá tính bằng USD hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tăng, gây ra “nhập khẩu lạm phát”.

Yếu tố quan trọng của lạm phát là chi phí đẩy. Bình quân 9 tháng so với cùng kỳ, giá nhập khẩu tăng 6,03% (quý III/2021 tăng 9,46%); giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất tăng 4,87% (quý III tăng 5,36%); giá dịch vụ vận tải đường ven biển và viễn dương tăng 7% (quý III tăng 14,97%); giá sản xuất công nghiệp tăng 2,44% (quý III tăng 3,71%), trong đó khai khoáng còn tăng cao hơn (tương ứng là 12,7% và 18,35%).

Yếu tố quan trọng là quan hệ giữa sản xuất và tiêu dùng. Tăng trưởng GDP quý III giảm sâu (6,17%), tính chung 9 tháng chỉ tăng 1,42%, dự đoán cả năm có thể tăng dưới 3,5% tuy cao hơn năm 2020 nhưng thấp nhất so với nhiều năm trước đó. Nhu cầu tiêu dùng bị bào mòn trong thời gian khá dài sẽ bật lên khi dịch bệnh được kiểm soát, sản xuất đời sống sẽ ở trạng thái bình thường mới. Khi đó sức ép cung - cầu đối với giá cả sẽ tăng.

Về tiền tệ, tốc độ tăng của tín dụng, của tổng phương tiện thanh toán cao hơn tốc độ tăng của huy động sẽ tạo sức ép quan hệ giữa tiền và hàng trên thị trường, làm tăng giá. Một số gói kích thích, hỗ trợ từ hơn một năm qua không nhỏ; mới đây là thêm gói 30.000 tỷ đồng, tuy không lớn như năm 2009 nhưng gắn với cấp bù lãi suất 4%, thì sẽ kéo theo một lượng tín dụng lớn ra thị trường… Yếu tố tâm lý cũng khó giữ được ổn định như trước khi tỷ giá thương mại mang dấu âm, sẽ có lợi cho nhập khẩu, bất lợi cho xuất khẩu, sẽ tăng lên, kéo tỷ giá VND/USD tăng…

Về tiền tệ, yếu tố trực tiếp tác động tới lạm phát, cũng có những biến động đáng lưu ý. Tuy tốc độ tăng tín dụng (7,17%), tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán (4,95%) cao hơn tốc độ tăng huy động vốn (4,28%) nhưng vòng quay tiền tệ giảm nên giảm sức ép đối với lạm phát.