Bội chi ngân sách giảm dần
Tại buổi trao đổi trực tuyến chiều ngày 17/1, liên quan đến việc thắt chặt chi tiêu để kiềm chế lạm phát, Bộ trưởng Tài chính cho biết, trong năm 2011, chúng ta đã cắt giảm 81.500 tỷ đồng chi tiêu công, tiết kiệm khoảng 10% chi thường xuyên, tương đương hơn 3.900 tỷ đồng, và toàn bộ số này được sử dụng cho nhu cầu an sinh xã hội và các yêu cầu bức thiết khác. Ngoài ra, năm 2011, bội chi ngân sách tiếp tục giảm dần so với năm trước, tăng chi trả nợ năm 2011 thêm 15.000 tỷ đồng so với dự toán, nhờ vậy đã giảm dư nợ công trên 1% GDP (tính đến 31/12/2011 dự kiến nợ công là 54,6% GDP, nợ Chính phủ 43,6% GDP và nợ quốc gia 41,5% GDP), nằm trong giới hạn an toàn an ninh tài chính quốc gia. Theo tính toán của Quốc hội và Chính phủ, tổng đầu tư công năm 2011, chỉ có 180.000 tỷ đồng từ ngân sách, 45.000 tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ, tức là không tăng so với năm 2010…
Điều tiết giá xăng dầu là cần thiết
Rất tâm đắc với phát biểu "minh bạch là giải pháp của mọi giải pháp" của Bộ trưởng Vương Đình Huệ, một người dân đặt câu hỏi: Bộ trưởng đã thực hiện được những "tuyên bố" của mình như thế nào, nhất là đối với lĩnh vực nhạy cảm như quản lý giá xăng dầu, than và điện ?...
Theo Bộ trưởng Huệ, việc có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước trong vấn đề định giá xăng dầu là hoàn toàn cần thiết. Định hướng sắp tới, Bộ Tài chính vừa kiên trì thực hiện Nghị định 84, đồng thời cũng xem xét nghiên cứu sửa đổi bổ sung một số vấn đề cần thiết, như chu kỳ để tính điều chỉnh tăng hoặc giảm giá, với thời gian sẽ ngắn hơn, phù hợp với diễn biến của giá thế giới; nghiên cứu hoàn thiện thêm công thức tính giá cơ sở… Định hướng chính sách của Bộ Tài chính trong năm 2012 là tiếp tục tăng cường thanh, kiểm tra giá để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 9%.
Trước phản ánh các cơ quan thanh tra, quản lý giá (bao gồm cả T.Ư và địa phương) phát hiện được rất ít các hành vi sai phạm, giá thuốc chữa bệnh, giá sữa bột nhập khẩu bán giá quá cao gây thiệt hại cho người tiêu dùng, Bộ trưởng thừa nhận, các mặt hàng sữa, thuốc chữa bệnh có quá nhiều mặt hàng và phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, như thuốc chữa bệnh có trên 2.000 mặt hàng trong khi khâu thanh, kiểm tra lĩnh vực này thời gian qua còn nhiều hạn chế.
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Trong bối cảnh lạm phát đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, kinh tế vĩ mô được kiểm soát nhưng vẫn có dấu hiệu bất thường, Bộ trưởng cho rằng, trước hết phải tập trung mọi nỗ lực để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Chính sách tài khóa phải chung tay gánh vác với chính sách tiền tệ, có giải pháp quyết liệt để hỗ trợ cho chính sách tiền tệ đạt được mục tiêu sản xuất kinh doanh.
Trong giai đoạn khó khăn, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ miễn, giảm, hoàn thuế tích cực, quyết định giãn thuế thu nhập DN thêm 3 tháng nữa với DN nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động và tùy diễn biến tình hình, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho DN. Định hướng chiến lược thuế đến 2020 sẽ giảm thuế thu nhập DN còn 20%, để bồi dưỡng nguồn thu, khoan sức dân, khuyến khích sản xuất kinh doanh tốt hơn.
Cùng với việc hỗ trợ sản xuất, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo ngành Hải quan tập trung mọi nỗ lực đảm bảo khuyến khích kinh doanh xuất nhập khẩu, giải phóng nhanh hàng hóa, tăng cường thông quan, kể cả thủ tục về hải quan cũng như kiểm soát thông quan, để thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tăng kim ngạch xuất khẩu, hạn chế nhập siêu như chỉ tiêu Quốc hội đã giao.
Trước thông tin các vận động viên đạt thành tích tốt tại SEA Games nhưng chưa nhận được tiền thưởng trong khi Tết sắp đến, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết: Sáng 17/1, Bộ Tài chính đã xử lý vấn đề này, dù một số dữ liệu vẫn còn phải kiểm tra lại. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị 47,3 tỷ đồng, chúng tôi tạm ứng ngay 30 tỷ đồng để Bộ này và Tổng cục Thể dục thể thao thưởng cho các vận động viên. |