Làm rõ bất cập trong cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 24/3, Bộ VHTT&DL tổ chức họp báo thường kỳ Quý I năm 2023. Tại buổi họp báo, nhiều vấn đề nóng liên quan đến Hãng Phim truyện Việt Nam đã được cơ quan quản lý trả lời báo chí.

Nhà đầu tư chiến lược thiếu hợp tác

Liên quan đến việc thu hồi vốn của Tổng Công ty Vận tải thủy (VIVASO), Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ VHTT&DL) Phan Linh Chi  cho biết do thiếu sự hợp tác từ phía nhà đầu tư chiến lược này nên chưa thể thực hiện sau nhiều năm.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Lại Tấn.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Lại Tấn.

Cụ thể, từ năm 2018 đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc khẩn trương thu hồi cổ phần và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư, thậm chí yêu cầu cưỡng chế. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại VIVASO vẫn chưa đưa ra được phương án phù hợp.

Theo thông tin tại buổi họp báo, đến thời điểm này, nhà đầu tư chiến lược VIVASO  vẫn chưa đưa ra được tính toán hợp lý, hợp lệ và đề xuất cụ thể về số tiền nhận lại khi hoàn trả cổ phần. Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Phan Linh Chi cho biết: "Mặc dù nhà đầu tư chiến lược không có những hợp tác tích cực, Bộ VHTT&DL vẫn có các văn bản gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp kiến nghị xử lý. Bộ Tư pháp đã phản hồi và cho biết việc này cần sự thống nhất hai bên, bởi Bộ VHTT&DL không thể đơn phương thực hiện vì đây là hợp đồng dân sự".

Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Phan Linh Chi thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: Lại Tấn.
Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Phan Linh Chi thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: Lại Tấn.

Lãnh đạo Vụ Kế hoạch Tài chính cũng cho biết: "Nếu VIVASO đưa ra số tiền cụ thể, chúng tôi sẽ có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau đó sẽ đưa vào dự toán chi hàng năm của Bộ VHTT&DL, tất cả đều phải có quy trình.

Thêm vào đó, ngày 22/3, Bộ VHTT&DL có báo cáo chi tiết với Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái rất cụ thể, chi tiết về lộ trình cổ phần hoá Hãng Phim truyện Việt Nam. Không những bộ VHTTT&DL phải báo cáo mà cả Thanh Tra Chính phủ cũng báo cáo về việc này. Hai báo cáo đều trùng khớp”-  bà Phan Linh Chi cho biết.

Hiện trạng của Hãng Phim truyện Việt Nam. Ảnh: CTV.
Hiện trạng của Hãng Phim truyện Việt Nam. Ảnh: CTV.

Bên cạnh đó, trước khi tiến hành việc cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam, Bộ VHTT&DL cũng đã bàn các phương án tìm nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, do điện ảnh là lĩnh vực đặc thù nên không hề dễ kiếm nhà đầu tư.

Bộ VHTT&DL cũng đã làm việc với một số đơn vị, trong đó VOV đã có văn bản trả lời không đủ nguồn lực về tài chính. Chính vì thế, đến thời điểm hiện tại, Bộ vẫn chưa tìm được nhà đầu tư chiến lược mới thay VIVASO.

Số phận của những bản phim

Về số phận của những bản phim, phương tiện quay phim gắn liền với lịch sử gần 70 năm của Hãng phim truyện Việt Nam  hiện đang bị hư nỏng nặng, không có khả năng phục hồi do bị bỏ rơi quá lâu, đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ VHTT&DL) cho biết, những bản phim hiện được lưu trữ tại hãng phim là phiên bản, còn bản gốc đã được lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam.

Sân của Hãng phim truyện Việt Nam biến thành nơi trông giữ ôtô. Ảnh: CTV.
Sân của Hãng phim truyện Việt Nam biến thành nơi trông giữ ôtô. Ảnh: CTV.

"Nếu Hãng phim truyện Việt Nam có tất 291 phim đang lưu tại Hãng thì có 278 bản phim gốc đã được lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam. Tất cả các bản phim được Nhà nước đầu tư đều có bản phim gốc lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam. Còn 13 phim còn lại, không lưu tại Viện Phim Việt Nam vì đây là những phim Hãng này làm theo đơn đặt hàng của các đơn vị bên ngoài như "Điện ảnh chiều thứ Bảy" của Đài Truyền hình Việt Nam và các phim hợp tác sản xuất bên ngoài. Vì thế chúng ta có quyền yên tâm là các bản phim gốc đang được bảo quản tốt và không lo sợ sẽ bị mất mát" - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Phan Linh Chi cho biết.

Trước đó, NSND, Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cùng nhiều nghệ sĩ của Hãng Phim truyện Việt Nam chia sẻ lại những hình ảnh ông chụp được vài ngày trước về sự đổ nát, hoang tàn, xuống cấp của kho lưu trữ phim. Ông Nguyễn Thanh Vân cho biết, kho lưu trữ phim của Hãng Phim truyện Việt Nam đã tồn tại 40 năm nay. Trong một quá trình dài như vậy, máy điều hòa không bao giờ nghỉ. Tuy nhiên, sau khi Hãng phim được cổ phần hóa, nhà đầu tư chiến lược đã không cho bảo quản như trước đây khiến hơn 300 bản phim bị ẩm mốc từ ngoài vào trong. NSND Nguyễn Thanh vân đã đưa ảnh cho các chuyên gia nhưng các chuyên cho là hầu như không có khả năng khôi phục.

 

Hãng Phim truyện Việt Nam ra đời từ năm 1959, đặt trụ sở tại số 4 Thụy Khuê, Hà Nội. Đây là nơi sản xuất những bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam như: “Chung một dòng sông, “Vợ chồng A Phủ”, “Con chim vành khuyên”, Em bé Hà Nội… Nhiều nghệ sĩ tên tuổi như NSND Phạm Văn Khoa, NSND Hải Ninh, NSND Trà Giang, NSND Minh Châu, NSND Như Quỳnh trưởng thành từ các tác phẩm điện ảnh kinh điển do Hãng Phim truyện Việt Nam thực hiện.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần