Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm rõ ngọn ngành những nghi ngại trong quy định mới về "sổ đỏ"

Khang Nhi (Theo Chinhphu.vn)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày gần đây, một vài quy định trong Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành và có hiệu lực từ ngày 5/12/2017 đang gây tranh luận. Sáng 25/11, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức Tọa đàm "Làm rõ quy định mới về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất" để dư luận hiểu rõ thêm những nội dung này.

Cuộc tọa đàm với sự tham dự gồm: Ông Mai Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục đăng ký đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty luật BASICO.
 Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Dưới đây là nội dung Tọa đàm:
Trước tiên xin làm rõ một số điều được sửa đổi, bổ sung trong Thông tư lần này mà chúng ta quan tâm đến: Điểm c Khoản 1 Điều 5 như sau:
“c) Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình như quy định tại Điểm a Khoản này; địa chỉ thường trú của hộ gia đình. Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với… (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất).”
Thưa ông Mai Văn Phấn, xin ông cho biết tại sao lại có những thay đổi này?
Ông Mai Văn Phấn: Trước tiên tôi xin làm rõ phạm vi và bản chất của lần sửa đổi Thông tư này. Về phạm vi, đây là phạm vi điều chỉnh các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia định sử dụng đất. Như chúng ta biết, quy định pháp luật hiện hành có 17 trường hợp thể hiện thông tin của người sử dụng đất trên giấy chứng nhận và hộ gia đình chỉ là một trong số 17 trường hợp đó.
Thứ 2, bản chất của việc điều chỉnh lần này là chúng ta chỉ điều chỉnh cái thể hiện thông tin của các chủ thể và là thành viên trong hộ gia đình mà có chung quyền sử dụng đất. Như chúng ta biết, quản lý đất đai trải qua các thời kì khác nhau, nó phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm đó. Trước đây, luật 1998, luật 1993, chúng ta quy định chủ thể trong việc sử dụng quản lý đất đai là hộ gia đình. Vì vậy, qua các thời kì chúng ta đã ghi tên của chủ gia đình hoặc chủ hộ gia đình trên giấy chứng nhận. Tuy nhiên, trong thời kì đổi mới, thị trường đất đai, quyền sử dụng đất được mở rộng, nên tên của người chủ sử dụng đất, người chủ gia đình không còn phù hợp, nó không còn thích ứng với điều kiện bây giờ.
Cũng từ việc phát sinh là ghi tên chủ hộ gia đình, đến thời điểm hiện nay, giá trị đất đai lên, quyền sử dụng đất được mở rộng, chính sách về thu hồi, đền bù đất khi nhà nước có mục đích sửu dụng và có chính sách đền bù hỗ trợ cho người bị thu hồi đất. Vì vậy, trong nội bộ các hộ gia đình sẽ phát sinh ra sự tranh chấp quyền sử dụng đất giữa các thành viên.
Bên cạnh đó, khi quyền sử dụng đất được đưa vào thị trường đất sẽ gây khó khăn giữa người sử dụng đất và người nhận quyền sử dụng đất.
 Ông Nguyễn Hữu Nghĩa phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thứ ba, khi nhà nước thực hiện các dự án phát triển là thực hiện thu hồi đất thì các thành viên trong hộ gia đình có người có quyền sử dụng đất, có người không có quyền sử dụng đất; vì vậy khi thực hiện việc đền bù và hỗ trợ thì không xác định được rạch ròi, rõ ràng thành viên nào là đủ quyền được hỗ trợ. Trong điều chỉnh lần này chúng tôi muốn đi vào bản chất, xác định chính xác chủ thể nào là thành viên trong hộ gia đình có quyền sử dụng đất để bảo đảm tính chặt chẽ về pháp lý, bảo đảm giảm thiểu mâu thuẫn trong hộ gia đình, bảo đảm việc minh bạch trong giao dịch quyền sử dụng đất sau này, bảo đảm việc khi nhà nước có hỗ trợ, đền bù.
Nhiều người vẫn đang nhìn nhận khái niệm Hộ gia đình một cách chưa đầy đủ, Thưa luật sư Trương Thanh Đức, ông có thể định nghĩa rõ khái niệm hộ gia đình áp dụng cụ thể vào Thông tư này được không?
Ông Trương Thanh Đức: Khái niệm hộ gia đình đã được chúng ta đưa vào rất nhiều đạo luật. Đầu tiên, từ năm 1964, có trên 50 luật ghi nhận hộ gia đình. Nó có rất nhiều dạng khác nhau. Hộ gia đình sử dụng đất đã được định nghĩa rõ trong Luật Đất đai năm 2013 ở Điều 3 Khoản 29, hộ gia đình là những người có đặc điểm chung như quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân, quan hệ nuôi dưỡng (bố mẹ nuôi, con nuôi). Những ý kiến lo ngại như giúp việc hay người thân quen nào đó nhập vào hộ khẩu để ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất là không có căn cứ. Thứ hai, họ đang chung sống ở thời điểm nhà nước ghi nhận, được nhà nước cấp giấy. Thứ ba, họ có quyền sở hữu chung tài sản đối với đất thì được gọi là quyền sử dụng chung. Cuối cùng, pháp luật tính ở thời điểm được nhà nước giao đất, cho thuê đất, được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất hoặc là những người đó được nhận quyền sử dụng đất từ thừa kế, tặng cho hay hợp đồng nào đó.
Từ bốn đặc điểm như thế, chúng ta có thể xác định rõ ai là chủ thể, ai là thành viên hộ gia đình để có quyền sử dụng đất. Nhưng chúng ta chỉ mới định nghĩa nó ở khái niệm còn chưa thể hiện nó trên giấy tờ nên dẫn đến vướng mắc rất lớn như ông Phấn nói; khi mua bán, thế chấp, giao dịch thì những người công chứng viên cơ quan nhà nước không biết đâu là thành viên hộ gia đình, mà những thành viên đó thì có quyền về tài sản. Vì vậy, bây giờ đã đến lúc phải ghi vào, đó là một điều cần thiết, đúng đắn, hợp lý.
Mới đây, có ý kiến cho rằng “Nói hộ gia đình ở đây có nghĩa là hai người chủ hộ tương đương nhau là vợ và chồng. Hai người chủ của gia đình xác định quyền của mình đối với con cái, nếu con cái thực sự có đóng góp vào tài sản chung đó thì phải có sự xác thực của 2 chủ hộ. Liệu làm được việc này có gì khó khan không và chúng ta có cần thiết phải làm những việc như thế này?
Ông Trương Thanh Đức: Nếu như đất nhà nước giao cho hộ gia đình nông nghiệp, nông dân, ngư nghiệp thì tất cả các thành viên đều có quyền nhưng đối với đất hình thành từ nguồn gốc khác thì phải do bản thân những thành viên trong hộ gia đình xác định. Nếu bố mẹ thấy con cái có đóng góp vào xây nhà, mua đất thì việc con cái cùng đứng tên là hợp lý, nếu như không có việc đó hoặc con cái nhỏ thì không có quyền đứng chung vào sổ đỏ của gia đình.
Đất như nào được giao cho hộ gia đình thưa ông Nghĩa? Khi có nhu cầu chuyển nhượng có phải cần chữ ký của tất cả các thành viên trong gia đình?
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa: Thứ nhất, đất nào cũng có thể giao cho người sử dụng theo quy định của luật đất đai. Thứ hai, người nào có tên trong giấy chứng nhận thì sẽ phải ký tên trong giao dịch chuyển nhượng, mua bán.
Thông tư là cái hướng dẫn thực hiện Nghị định, Nghị định là cái quy định thực hiện pháp luật. Vấn đề ở đây là thông tư là để hướng dẫn cho ai, chính là cho những người thực hiện như chúng tôi, những người trực tiếp thực hiện. Bản chất của Thông tư 33 riêng đối với nội dung này không khác gì với Thông tư 23 lần trước, nó chỉ hướng dẫn thêm về mặt chuyên môn đối với những người thực hiện (điều 5 mục a và c; mục a đối với cá nhân thì Thông tư chỉ thêm từ “căn cước” bởi trước đây chưa có căn cước; mục c được thêm ở cuối là “dòng tiếp theo ghi tên của các thành viên của hộ gia đình”, trước đây trong Thông tư 23 không hướng dẫn cụ thể là tên của các thành viên trong gia đình được ghi ở đâu).
Một số cá nhân đã hiểu khi được giao đất cho hộ gia đình thì mặc nhiên những người có tên trong hộ khẩu sẽ được ghi tên vào sổ đỏ. Trong hộ khẩu thường ghi đủ các thành viên từ ông bà, cha mẹ đến con cái, thậm chí nhiều sổ còn có anh chị em và các cháu? Người ta lo ngại nếu như vậy thì mảnh đất của người at sẽ bị chia năm sẻ bảy, ông Phấn có thể giải thích kĩ hơn đối với trường hợp này?
Ông Mai Văn Phấn: Trong những ngày qua, dư luận nổi lên vấn đề ghi tên, ghi thông tin người sử dụng đất căn cứ vào hộ khẩu, chúng ta nên phân định rạch ròi ra, hộ khẩu để quản lý việc thường trú của công dân, giấy chứng nhận ghi quyền sử dụng đất của người sử dụng đất. Sổ hộ khẩu chỉ là một thông tin tham chiếu để ghi tên của người có quyền sử dụng đất trên giấy chứng nhận chứ không phải là tất cả các thành viên trong sổ hộ khẩu mà không có quyền sử dụng đất lại được ghi tên trên giấy chứng nhận.
Ông có thể cho biết có quy định hay hướng dẫn cụ thể nào để các thành viên trong gia đình cùng có quyền được đứng tên trong sổ đỏ? Nếu trong hộ gia đình đó có người từ chối đứng tên, nhưng sau khi chuyển nhượng lại đòi quyền lợi? Sổ đỏ cũ trước đây giờ có phải đổi lại theo quy định mới này không?
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa: Đối với nội dung này rất đơn giản thôi, vẫn như Thông tư 23 trước đây, bản chất lần này nó chỉ làm rõ hơn ý thôi. Sổ đỏ cũ và sổ đỏ mới hoàn toàn không phải thay đổi, chỉ đến khi đăng ký biến động có nhu cầu thay đổi thì đăng ký thay đổi vào, giá trị pháp lý sổ đỏ trước đây và bây giờ không khác gì nhau. Thứ hai, người đứng tên trong quyền lợi thì lại trở lại khái niệm như anh Đức nói là hộ gia đình, nhưng phải tại thời điểm nhà nước giao đất. Chúng ta đừng làm phức tạp vấn đề lên ở chỗ cứ thực hiện đi, cứ làm đi, mỗi nội dung, mỗi việc làm đều có pháp luật quy định. Ví dụ: Tôi bán đất cho anh, cứ bán, rồi đến cơ quan công chứng, họ sẽ xử lý câu chuyện giữa tôi với các con tôi, hay với vợ, với anh em họ hàng, lúc đó sẽ liên quan đến luật hôn nhân, luật gia đình… chứ mình đừng làm nó rối rắm quá.
 Ông Mai Văn Phấn phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ông Trương Thanh Đức: Quy định này nó không ảnh hưởng gì đến chỗ anh Nghĩa, đến cơ quan nhà nước, nó có 2 sự lựa chọn: ghi hay không ghi các thành viên vào cũng được. Nhưng nếu phải trao đổi với những người có quyền lợi liên quan, với những người giao dịch thì có lẽ chúng ta hết sức cân nhắc. Nếu chúng ta có quyền sử dụng, có quyền quyết định giao dịch đấy mà không ghi tên vào thì gần như đã từ bỏ quyền lợi chính đáng và gây khó dễ, gây rủi ro cho những giao dịch quanh đấy. Theo quan điểm của tôi, đã quy định như thế, tiến đến một bước xác định rất rõ anh từ chối, sau này anh không có quyền ký giao dịch đấy nữa, mặc nhiên hợp đồng có hiệu lực. Không sau này anh lại bảo tôi có quyền trong đấy, tôi không ký thì vô hiệu, như vậy như là lật lọng, làm rối tung vấn đề lên.
Ông Mai Văn Phấn: Liên quan đến vấn đề này, tôi nhấn mạnh thêm, việc ghi tên người sử dụng đất trên giấy chứng nhận phải tổ hợp của điều 5 Thông tư 23 và khoản 5 điều 6 của Thông tư số 33 thì nó mới tổ hợp lại đầy đủ 17 trường hợp quy định rất rõ ràng cách ghi như thế nào với từng trường hợp cụ thể. Thứ 2, một thành viên có quyền sử dụng đất trong gia đình từ chối không đứng tên là anh đã từ bỏ quyền của anh, sau anh muốn khôi phục lại thì anh không có cơ sở để khôi phục. Thứ 3, với các sổ đã cấp trước đây, thì bây giờ có phải đổi không? Việc này đã dược quy định tại điều 98 của luật đất đai, là các giấy chứng nhận đã cấp trước đây đều vẫn có giá trị pháp lý, việc cập nhật, chỉnh lý, bổ sung tên cho đúng theo quy định tại khoản 5 điều 6 của Thông tư 33 là khi các giao dịch thực hiện ở các cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền phải cập nhật đúng tên chủ thể là thành viên của hộ gia đình mà có chung quyền sử dụng đất.
Ví dụ thành viên trong gia đình tại thời điểm giao đất mà họ từ chối quyền xác nhận vào sổ đỏ nhưng sau đó một thời gian, người ta nghĩ lại và bổ sung thành viên đó thì có được không?
Ông Trương Thanh Đức: Đây là rủi ro rất lớn chúng ta phải tiếp tục xử lý. Từ chối có 2 loại, 1 là tôi từ chối quyền sở hữu quyền sử dụng thì sau này không có quyền vào lại nữa. Còn nếu người ta chỉ từ chối quyền cho người khác đứng tên, đứng thay mặt, uỷ quyền thì đến lúc nào đấy người ta bảo là có quyền, theo luật hôn nhân gia đình, luật dân sự thì hoàn toàn phải thừa nhận quyền đấy của người ta. Tôi nghĩ phải xử lý thế này, trong luật hôn nhân có quy định là người nào đứng tên trên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán thì mặc nhiên được quyền giao dịch hợp pháp dù không biết tiền của ai. Có lẽ đến lúc Luật Đất đai phải sửa ghi nhận câu đấy, anh nào đứng tên thì được giao dịch, còn tranh chấp là tranh chấp bên trong, tranh chấp nội bộ chứ không phải là đẩy rủi ro đấy cho xã hội, cho bên ngoài.
Có ý kiến cho rằng giờ đây Bộ luật Dân sự 2015 đã bỏ đi chế độ sở hữu Hộ gia đình, vậy quy định này liệu có bị va với Bộ luật Dân sự không thưa ông?
Ông Trương Thanh Đức: Tôi cho rằng nó không những không mâu thuẫn, xung đột mà không sửa cái này mới là nguy cơ mâu thuẫn với Bộ luật Dân sự. Bộ luật Dân sự trước đây quy định cụ thể cá nhân, pháp nhân và các doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh không có tên pháp nhân thì vẫn là một chủ thể. Nhưng Luật Dân sự bây giờ thì bỏ hộ gia đình không phải là một chủ thể, quan hệ dân sự sẽ không ký hợp đồng, không đứng tên một cách chính thức nữa thì phải hiểu rằng cái vỏ vẫn là hộ gia đình nhưng bản chất là các cá nhân, nếu 1 là một người, còn nếu nhiều là nhiều cá nhân chứ không còn là một hộ đương nhiên được đứng tên, vì nó là chủ thể ảo, không xác định rõ.
Thưa luật sư, theo tôi hiểu thì “ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất có nghĩa chỉ ghi những thành viên mà xác lập được quyền tài sản đối với mảnh đất đó. Hay nói nôm na hơn là ai có thực sự đóng góp mới được ghi vào sổ đỏ?
Ông Trương Thanh Đức: Thực ra, nó còn một vài điểm nữa, nhiều người vẫn thắc mắc chưa đến tuổi thành niên, chưa đến tuổi có chứng minh nhân dân thì ghi cái gì? Trong thông tư ghi rất rõ giấy khai sinh. Tất nhiên có một điểm sau này chúng ta tiếp tục xem xét, đó là đối với quyền sử dụng đất tương đối rõ nhưng mắc thêm sở hữu nhà nữa. Nếu có quyền sử dụng chung về đất nhưng không chung nhà thì lúc đấy ghi thế nào và ngược lại? Còn nếu hai cái tỉ lệ như nhau thì rất dễ. Như vậy vẫn còn những điểm quả thật chưa giải quyết được hết. Đây là lĩnh vực của tài nguyên môi trường và chủ yếu điều chỉnh về quyền sử dụng đất thì phải phối hợp với các bộ ngành khác để giải quyết tổng thể về giấy chứng nhận tài sản. Bộ Tư pháp trước đây có dự án về đăng ký tài sản thì may ra mới giải quyết được chứ bây giờ cũng chỉ được phần nào thôi.
Thưa ông Nghĩa, là người trực tiếp giải quyết đất đai ở Hà Nội thì những trường hợp như ông Đức nêu, ông đã gặp bao giờ chưa?
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa: Trường hợp như anh Đức nói hiện nay ở Hà Nội số thửa đất chúng tôi cấp giấy chứng nhận là 1.551.951 thửa đất. Sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp là 612.623 thửa đất đã được giải quyết. Với số lượng 1.551.951 thửa đất thì giao dịch là rất khủng khiếp nên những quan hệ phát sinh như anh Đức nói thì ở Hà Nội quá nhiều. Nhưng đến giờ phút này, tôi khẳng định là nếu phức tạp đến mức phải ra toà thì tỉ lệ cực kỳ nhỏ. Có nghĩa là Thông tư 23 trước đây đủ căn cứ để định hướng hoạt động quản lý. Tôi phải nói lại, tự chúng ta làm rối vấn đề, chứ câu chuyện giữa tài sản và quyền sử dụng đất đã được quy định trong thông tư 23: Nếu trên cùng thửa đất, người sở hữu tài sản là người khác, sử dụng đất là người khác thì đã có hướng dẫn rất cụ thể cách ghi như thế nào để nó thể hiện trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản gắn liền với đất có tên tôi, có tên anh là rất rõ ràng và đầy đủ.
Ông nghĩ thế nào khi người dân có nhu cầu chuyển quyền sử dụng đất và như vậy việc xin ý kiến xác nhận đồng ý của từng thành viên có tên trong sổ đỏ sẽ là một “cuộc hành trình đầy gian nan”. Có những gia đình thành viên đó công tác hoặc sinh sống cách cả ngàn cây số.
Ông Mai Văn Phấn: Liên quan đến nội dung này, cụ thể là điều 212 Bộ luật Dân sự như anh Đức vừa nói đã có chế tài để quy định. Tức là tài sản khi đăng ký giao dịch hoặc tài sản chung bất động sản, động sản của hộ gia đình mà các thành viên có quyền trong đó đều phải ký nhận. Tuy nhiên, trong Bộ luật Dân sự, có quy định đối với hộ gia đình sử dụng đất thì sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai. Trong giao dịch đất đai rất phức tạp, ngay trong pháp luật đất đai cũng đưa ra 2 giải pháp để chủ sử dụng đất cũng như chủ sở hữu tài sản có thể lựa chọn 1 trong 2 là: Khi tham gia giao dịch với các hộ gia đình có các thành viên chung quyền sử dụng đất có thể lựa chọn hình thức cùng ký giao kết, giao dịch. Phương án thứ 2 là uỷ quyền cho người đại diện thực hiện các giao dịch. Người sử dụng đất rất linh hoạt lựa chọn 1 trong 2, không phải là khi ở xa muốn giao dịch lại phải bay về nơi có đất để ký kết giao dịch.
Một số ý kiến cho rằng vô tình sổ đỏ trở thành sổ hộ khẩu thứ 2 khi phải điền đầy đủ tên của những người trong gia đình? Ông nhận xét thế nào về ý kiến này?
Ông Trương Thanh Đức: Họ nói thế là cảm tính thôi, Bộ luật Dân sự bỏ chủ thể hộ gia đình, đồng thời nói rằng riêng hộ gia đình sử dụng đất thì thực hiện theo quy định luật đất đa, luật căn cước công dân thì tinh thần là từ 2020 – 2021 bỏ quản lý hộ khẩu, thế nhưng đất đai không có gì gắn với hộ khẩu cả. Có thể trùng hộ khẩu, có thể là không. Hộ khẩu để quản lý hành chính, và mục tiêu hoàn toàn khác, bỏ cái kia không ảnh hưởng gì đến cái này và hoàn toàn không gây phiền phức, khó dễ gì cho người dân.
Có một bạn đọc đã gửi thư cho chúng tôi, tôi xin tóm tắt nội dung: Gia đình tôi có đất rộng dành cho sản xuất, trước đây ghi đứng tên của bố tôi, trong khi đất này được giao cho hộ gia đình nhưng ông đã cầm cố và tự ý bán. Hiện nay, gia đình tôi không còn đất để sản xuất. Thông tư mới này liệu có áp dụng được cho trường hợp của gia đình tôi không? Gia đình tôi liệu có thể kiện đòi lại đất được không?
Ông Trương Thanh Đức: Không phải chỉ có Thông tư mới này, cách giải quyết với tình huống này thì ngay Thông tư 23 trước đây đã có hướng dẫn chứ không phải đến thông tư mới này mới trao đổi về nội dung này. Quay lại câu chuyện như anh Đức nói là quan hệ dân sự, nếu đúng trường hợp như thế thì người con hoàn toàn có quyền khởi kiện ra toà để xử lý. Đúng với quy định như tôi trao đổi lúc nãy, tại thời điểm giao đất nếu có tên người đòi yêu cầu sử dụng đất thì hoàn toàn có quyền khởi kiện ra toà để xử lý câu chuyện này.
Với quy định mới chắc hẳn những trường hợp như thế này sẽ khó xảy ra đúng không thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa: Tôi cho là như thế này, chúng ta đang hướng tới xây dựng một chính quyền điện tử, với Hà Nội đang xây dựng hạ tầng cho thành phố thông minh. Khi đạt được mức này thì Thông tư 23, thậm chí những thông tư tiếp theo đòi hỏi tính pháp lý phải nâng cao lên nữa. Đây là bước để chúng chuyển lên chính quyền điện tử.
Như ở Hà Nội, Bộ Công an đã chỉ đạo và Công an Thành phố đã xây dựng được dữ liệu dân cư. Khi dữ liệu dân cư được chia sẻ thì liên quan đến cơ quan tài nguyên moii trường, việc thực hiện giấy chứng nhận vô cùng đơn giản. Nhiều ý kiến cho rằng Thông tư 23 này ra gây rắc rối thêm, phiền hà thêm thủ tục hành chính thì tôi khẳng định luôn không có thêm thủ tục hành chính, không gây phiền hà, không gây rắc rối. Câu chuyện ghi bao nhiêu người, ghi những ai, thời điểm nào thì dữ liệu dân cư đã có rất đầy đủ, công với dữ liệu quản lý đất đai chúng tôi đang xây dựng thì nó còn đơn giản hơn trước đây rất nhiều. Vậy nên hoàn toàn không có chuyện Thông tư 23 gây rắc rối thêm.
Ông Trương Thanh Đức: Với câu hỏi của khán giả vừa rồi thì là theo nguyên tắc chung thôi, của Bộ luật Dân sư, Luật Đất đai là cùng chung sở hữu, chung quyền sử dụng tài sản thì phải có quyền định đoạt, nếu tước đoạt quyền đấy của người ta thì sẽ là vô hiệu. Chỉ có là quan điểm của luật mới, luật cũ thì vô hiệu toàn bộ hay một phần. Còn cách ghi theo Thông tư mới này thì dễ hơn, trước đây quyền lợi của chúng ta, chúng ta phải chứng minh rằng tôi có quyền trong hộ gia đình trong giấy tờ đất dù nó không thể hiện. Còn bây giờ, tự dưng đưa ra toà là toà sẽ chấp nhận ngay, còn trước đây khó mà chứng minh với toà.
Ông Mai Văn Phấn: Việc này phù hợp với cá thể hoá chủ thể, việc thay đổi từ sổ hộ khẩu sang đến cá thể là công dân thì dữ liệu từng quyền sử dụng đất của từng cá thể, từng chủ thể là thành viên thì sẽ thống nhất với dữ liệu của công dân như anh Nghĩa vừa nói.
Như vậy, việc quy định trong Thông tư này không hề gây rắc rối phiền hà cho người dân. Đồng thời còn giải quyết khá nhiều khúc mắc tồn đọng từ trước. Xuất phát điểm gây hiểu nhầm ông có nghĩ là cần phải quy định rõ hơn nữa, nhất là giải thích ngữ nghĩa để người dân khi tiếp cận có thể hiểu đúng và đủ?
Ông Mai Văn Phấn: Với cơ quan xây dựng chính sách chúng tôi xin cầu thị tiếp thu, trong xây dựng văn bản pháp luật tiếp theo, chúng tôi cố gắng hòa nhập văn phong pháp luật và văn phong nôm để chính sách đi vào cuộc sống dễ hiểu, dễ làm.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa: Theo tôi, với tư cách là người trực tiếp thụ hưởng Thông tư, bản chất pháp lý thì Thông tư 33 và Thông tư 23 không có gì khác nhau, Thông tư 33 ra đời chỉ chi tiết cụ thể hơn đối với người làm như chúng tôi, dễ thực hiện hơn, còn căn cứ và bản chất pháp lý không có gì khác.
Luật sư Trương Thanh Đức: Với việc xôn xao của dư luận thời gian qua, ít nhiều cơ quan chức năng có phần có lỗi. Thứ nhất diễn đạt câu chữ cần dễ hiểu. Thứ hai, chúng ta chưa giải thích kịp thời. Hy vọng qua buổi Tọa đàm này mọi người không còn băn khoăn lo lắng gì nữa.
Như vậy tôi có thể tóm lại một chút, việc quy định trong Thông tư không hề gây rắc rối, phiền hà, và giải quyết khá nhiều các khúc mắc, tồn đọng trước đây, cụ thể cho những cơ quan dễ dàng hơn trong việc xử lý, giải quyết công việc. Xuất phát điểm của việc gây hiểu nhầm đòi hỏi chúng ta cần quy định rõ hơn, ngôn ngữ thể hiện dễ hiểu hơn, cần truyền thông kịp thời đến người dân.
Quy định này sẽ khắc phục những tồn tại trong thực tế triển khai thi hành Luật Đất đai như tranh chấp, mâu thuẫn về quyền sử dụng đất giữa các thành viên trong hộ gia đình khi thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất.
Quy định trên cũng không đặt thêm thủ tục hành chính khi thực hiện các quyền của hộ gia đình sử dụng đất như một số ý kiến đã nêu mà bảo đảm sự phù hợp với quy định của pháp luật về dân sự.