Sáng 25/4, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức Phiên họp giải trình để đánh giá kết quả thực hiện, xác định rõ tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, ngành trong đầu tư, khai thác, quản lý, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn TP.
Tình trạng vừa thiếu vừa xuống cấp các thiết chế văn hóa cơ sở
Đặt câu hỏi chất vấn liên quan đến các thiết chế văn hóa còn thiếu, nhất là thiết chế văn hóa cơ sở, ĐB Nguyễn Thanh Bình (Tổ ĐB quận Tây Hồ) nêu vấn đề một số mục tiêu xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở chưa đạt yêu cầu, ví dụ như có 5 đơn vị cấp quận huyện chưa có Trung tâm văn hóa; có 5 quận, 4 huyện rơi vào tình trạng “trắng” thiết chế văn hóa; 167 thôn, tổ dân phố không đảm bảo điều kiện sinh hoạt…
“Không chỉ ở các vùng huyện khó khăn, mà thậm chí ở nội thành cũng có nơi thiết chế văn hóa xuống cấp” – ĐB Nguyễn Thanh Bình nêu vấn đề và đề nghị lãnh đạo UBND TP làm rõ nguyên nhân của thực trạng trên và giải pháp lộ trình để đảm bảo mục tiêu về hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở.
Về việc này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, công tác đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở được TP quan tâm. Tuy nhiên đến nay, TP còn thiếu 45/259 nhà văn hóa theo rà soát; trong đó còn 23 nhà văn hóa còn chưa có địa điểm triển khai, 17 nhà văn hóa chưa có thủ tục bố trí vốn. Các thiết chế văn hóa được quan tâm nhưng vẫn còn thiếu, việc quản lý còn bất cập.
Về nguyên nhân, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho rằng, công tác lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy đảng chính quyền về hoàn thiện, sử dụng và khai thác các thiết chế văn hóa tại một số nơi chưa quyết liệt, chưa đúng mức. Việc phối hợp các sở ngành còn chưa tích cực.
Về nguồn kinh phí để thực hiện việc này vẫn còn hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Nguồn ngân sách cấp huyện để đầu tư thiết chế văn hóa chưa được đầu tư đồng đều, đồng bộ; huy động nguồn lực ngoài ngân sách còn hạn chế…
Ngoài ra, trong quá trình hội nhập quốc tế, xu thế phát triển văn hóa có sự thay đổi, một số thiết chế không còn phù hợp, không thu hút được đông đảo người dân tham gia. Quỹ đất tại các khu vực nội thành còn hạn chế…
Về giải pháp, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho biết, thời gian tới, UBND TP tiếp tục tăng cường tập trung quy hoạch tổng thể thiết chế văn hóa cơ sở. Tập trung nguồn lực từ ngân sách TP, huy động nguồn lực xã hội trong công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý khai thác sử dụng các thiết chế văn hóa trên địa bàn TP. Tập trung ban hành cơ chế chính sách cho thiết chế văn hóa phù hợp với thực tế, chú trọng khuyến khích các tổ chức doanh nghiệp đầu tư vào các thiết chế văn hóa, ban hành quy chế khai thác và tổ chức hoạt động của trung tâm văn hóa cấp xã, nhà văn hóa thể thao thôn trên địa bàn TP.
Đồng thời, hoàn thiện tổ chức bộ máy, công tác quản lý tổ chức quản lý các hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ từ TP đến cơ sở; thu hút sự tham gia của các nghệ nhân… nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa thể thao cơ sở, đổi mới nội dung phương thức hoạt động gắn với nhu cầu của người dân theo độ tuổi…
Tiếp tục nêu vấn đề, ĐB Nguyễn Bích Thủy (Tổ ĐB quận Cầu Giấy) cho rằng, thời gian qua TP đã quan tâm đến hệ thống văn hóa cơ sở, tuy nhiên hệ thống này chưa được đầu tư đồng bộ, chậm thực hiện. ĐB cũng nêu lenen thực trạng một số công trình cấp TP như Cung văn hóa thể thao thanh niên Hà Nội đã hơn 15 năm chưa được triển khai thực hiện, trong khi đó các hạng mục đã xuống cấp trầm trọng; Nhà văn hóa học sinh sinh viên Hà Nội cũng ngày càng hư hỏng, nguy hiểm, mất mỹ quan đô thị… ĐB đề nghị lãnh đạo UBND TP cho biết nguyên nhân việc chậm thực hiện, giải pháp thực hiện trong thời gian tới?
Về hai dự án trên, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho biết, các dự án này được TP quan tâm từ nhiều năm trước. Về Cung văn hóa thể thao thanh niên Hà Nội, dự án được phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư từ năm 2007, đến 2013 dự án được chuyển sang Ban QLDA công trình Tả Ngạn. Đến năm 2017, được chuyển sang BQLDA đầu tư công trình dân dụng. Dự án được điều chỉnh từ năm 2014 với tổng mức đầu tư là 998 tỷ đồng. Tuy nhiên dự án trong quá trình chưa được đưa vào đầu tư công trung hạn năm 5 năm giai đoạn 2016 – 2020. Tại Nghị quyết 21 ngày 23/9/2021 của HĐND TP về phê duyệt kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 -2025 của TP, dự án này thuộc danh mục dự án khởi công mới, bố trí vốn hàng năm theo tiến độ thực hiện dự án. Dự kiến dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 7/2022.
Về Cung học sinh sinh viên Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho biết, dự án được chuyển nhiều lần qua các chủ đầu tư giai đoạn trước nhưng chưa trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 với kinh phí đầu tư khoảng 22 tỷ đồng. Dự án hiện nay đã được đưa vào danh mục trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2015. UBND TP đôn đốc các đơn vị chuẩn bị các thủ tục để quyết tâm khởi công trong năm 2022.
Giải pháp nào để giải quyết tình trạng thiếu không gian sinh hoạt cộng đồng tại các chung cư tái định cư
ĐB Phạm Thị Thanh Hương (Tổ ĐB huyện Ứng Hòa) hỏi Chủ tịch UBND huyện Mê Linh và Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai về tình trạng “trắng” nhà văn hóa cấp xã, chưa quy hoạch được khu vực xây dựng nhà văn hóa thôn. Đề nghị Chủ tịch UBND hai huyện làm rõ về tình hình triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng các nhà văn hóa thôn trên địa bàn, những vướng mắc và giải pháp khắc phục.
Trả lời câu hỏi của ĐB, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết hiện nay huyện còn 3 nhà văn hóa liên quan quan đến việc tách thôn, đã đưa vào giai đoạn danh mục đầu tư công trung hạn năm 2021 – 2025.
Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho hiện nay đã xây dựng xong 84/99 nhà văn hóa thôn tổ dân phố, năm nay sẽ tập trung hoàn thiện 15 nhà văn hóa thôn còn lại. Còn đối với 18 nhà văn hóa xã, huyện đang tiến hành quy hoạch 10 nhà văn hóa, còn 6 nhà văn hóa xã liên quan đến việc điều chỉnh phân khu.
Trong 2 năm tới, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết sẽ tập trung đầu tư 12 nhà văn hóa của 8 xã xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, mỗi nhà trị giá 15 tỷ đồng.
ĐB Hoàng Thị Tú Anh (Tổ ĐB huyện Phúc Thọ) nêu tình trạng vẫn còn tồn tại chung cư tái định cư chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng. Đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng cho biết tiến độ và kết quả rà soát việc này, đến bao giờ các nhà chung cư tái định cư mới có nhà sinh hoạt cộng đồng?
Trả lời câu hỏi của ĐB, Giám đốc Sở Xây dựng TP Võ Nguyên Phong cho biết, hiện nay TP có 187 tòa chung cư tái định cư, trong đó có 175 tòa tái định cư và 12 tòa có diện tích tái định cư nằm trong chung cư thương mại.
Qua rà soát, hiện nay trong 175 tòa, có 81 tòa có thiết kế diện tích nhà sinh hoạt cộng đồng, có 94 tòa không có. Trong đó, 70/81 tòa đã bàn giao cho ban quản trị sử dụng sinh hoạt cộng đồng, 11 tòa chưa có ban quản trị nên chưa thực hiện được.
Với các tòa không có nhà sinh hoạt cộng đồng, Sở đã rà soát và chỉ đạo bố trí thu hồi công năng các phòng kinh doanh dịch vụ sang phòng sinh hoạt cộng đồng. Đến nay, có 73 tòa hoàn thành việc chuyển đổi, 8 tòa đang rà soát để bố trí, dự kiến hoàn thành trong quý 4/2022.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Xây dựng cũng chỉ ra một số vướng mắc như: Một số nhà được xây dựng trước Luật Nhà ở năm 2015, không có diện tích kinh doanh dịch vụ để chuyển đổi mục đích. Một số nơi kinh doanh dịch vụ đang còn hợp đồng thuê, đang đàm phán để kết thúc hợp đồng thì mới chuyển đổi được; một số diện tích sinh hoạt cộng đồng được sử dụng không đúng mục đích; một số nhà chung cư tái định cư có bố trí khu vực sinh hoạt nhưng chưa vận hành vì chưa có ban quản trị hoặc chưa có 50% số dân về ở…
Về giải pháp, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, đối với nơi chưa có ban quản trị, các quận huyện chỉ đạo khẩn trương tổ chức hội nghị nhà chung cư để thành lập ban quản trị; xử lý vi phạm những nơi chưa sử dụng đúng công năng.
Đối với các nhà chung cư có diện tích kinh doanh dịch vụ, Sở sẽ cùng đơn vị đề xuất TP cho phép chuyển đổi, dự kiến hoàn thành trong quý 4/2022. Đối với 19 tòa chuyển đổi công năng khẩn trương, sửa chữa hoàn thiện để bàn giao khai thác, chậm nhất trong quý 1/2023. Đối với nhà không có diện tích, quận huyện bố trí nhà văn hóa của phường nơi gần nhất.