Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách
Nghị quyết đã Quyết nghị rõ nhiều nội dung cụ thể liên quan đến: Phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025; Phân bổ vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023.
Theo đó, để tổ chức thực hiện Nghị quyết giao Thủ tướng Chính phủ: Giao kế hoạch vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 theo quy định của Luật Đầu tư công và các Nghị quyết của Quốc hội. Giao dự toán và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của các Chương trình mục tiêu quốc gia cho từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các Nghị quyết của Quốc hội. Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các nhiệm vụ, dự án quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 2 Nghị quyết này.
Đồng thời, Nghị quyết cũng giao Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Ninh Thuận khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư Dự án đầu tư hạ tầng ổn định đời sống nhân dân của xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải; Bộ Giao thông-Vận tải khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư Dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc. Báo cáo Ủy ban TVQH xem xét, cho ý kiến trước khi Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn cho các dự án theo quy định.
Nghị quyết cũng nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách; nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban TVQH; chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư dẫn đến chậm báo cáo Ủy ban TVQH theo Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội về phương án phân bổ số vốn còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn, bảo đảm quản lý, sử dụng nguồn vốn đúng pháp luật, đúng mục đích, đạt hiệu quả.
Cho phép điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được bố trí vốn trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 theo quy định tại Điều 67 Luật Đầu tư công và bố trí nguồn vốn thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong các năm 2024, 2025 để hoàn thành các dự án theo đúng Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.
Đối với số ứng trước còn lại chưa thu hồi, ngân sách trung ương không bố trí thêm để hoàn trả. Giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương rà soát, chịu trách nhiệm cân đối trong tổng số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 đã được giao hoặc vốn ngân sách địa phương để thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước chưa thu hồi.
Trường hợp các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương đề nghị sử dụng vốn ngân sách trung ương để thu hồi số vốn ứng trước thuộc trách nhiệm của ngân sách trung ương, Thủ tướng Chính phủ thực hiện điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho từng nhiệm vụ, dự án trong tổng mức vốn của từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã được giao.
Trường hợp các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương không thực hiện hoàn trả vốn ứng trước, không báo cáo chính xác, đầy đủ, kiên quyết không bố trí vốn ngân sách nhà nước để thu hồi vốn ứng trước, đồng thời kiểm điểm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu và các tổ chức, cá nhân liên quan. Chính phủ báo cáo Quốc hội việc thực hiện tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV (tháng 10/ 2023).
Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) được thông qua với một số điểm mới
Sáng 22/6, với 468/477 đại biểu tham gia biểu quyết, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã được thông qua. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) gồm 7 chương, 54 điều có một số điểm mới so với luật hiện hành.
Về phạm vi điều chỉnh, Luật chỉ quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định về nội dung, hình thức, điều kiện của giao dịch thuộc các lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Giao dịch trong lĩnh vực nào sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành của lĩnh vực đó.
Đối với trách nhiệm quản lý Nhà nước về giao dịch điện tử, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) quy định Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Bộ TT&TT thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chữ ký số theo quy định của pháp luật.
Đối với chữ ký điện tử (mục 1 Chương III), có ý kiến đề nghị bổ sung các loại hình chữ ký điện tử khác ngoài chữ ký số đáp ứng đủ các điều kiện để bảo đảm chữ ký an toàn, giá trị pháp lý. Về vấn đề này, Ủy ban TVQH cho biết, theo khoản 11 Điều 3 của dự thảo Luật, chữ ký điện tử được sử dụng để xác nhận chủ thể ký và xác nhận sự chấp thuận của chủ thể đó đối với thông tin trong thông điệp dữ liệu được ký và phải được tạo lập dưới dạng dữ liệu điện tử gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu thì lúc đó mới được coi là chữ ký điện tử.
Hiện nay, các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử như chữ ký scan, chữ ký hình ảnh, mật khẩu sử dụng một lần (OTP), tin nhắn (SMS),… không phải là chữ ký điện tử. Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn triển khai nghiệp vụ trong ngành ngân hàng, hải quan,… và nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử, khoản 4 Điều 22 của dự thảo Luật đã quy định việc sử dụng các hình thức xác nhận này được thực hiện theo quy định pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, từ Điều 43 đến Điều 47 của Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) quy định cụ thể về các loại hình giao dịch điện tử, các hoạt động, trách nhiệm của cơ quan nhà nước và các quy định hỗ trợ nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử.