Kinhtedothi - Sáng 30/10, đập phụ của đê Đầm Hà (huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) bị vỡ, nước tràn vào gây ngập lụt nhiều khu dân cư và cô lập gần 5.000 người dân.
Sáng 31/10, trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, việc đập phụ bị vỡ vào đầu giờ sáng qua do lũ xảy ra rất nhanh với lưu lượng lớn nên bị tràn mặt đập, gây ra vỡ đập phụ khoảng 50m, nhưng rất may không có thiệt hại về người. Công tác khắc phục hậu quả của đập này đã và đang được thực hiện.
- Mặc dù chưa có thống kê cụ thể về thiệt hại do đập Đầm Hà (Quảng Ninh) vỡ nhưng sự cố này đã ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân địa phương. Nguyên nhân của sự cố này đã được làm rõ chưa, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Đập Đầm Hà ở Quảng Ninh bị vỡ là đập cỡ trung bình với dung tích khoảng 15 triệu m3, chiều cao đập 27,5m, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư và quản lý nhà nước về công trình này. Sau khi bị cơn lũ đột xuất với lưu lượng nước rất lớn thì nước đã tràn đến đỉnh đập. Chỗ yếu nhất của đập đã bị vỡ và rất may là không có thiệt hại về người.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng trả lời báo chí bên lề Quốc hội sáng 31/10. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN).
|
Khi nhận được tin này, chúng tôi đã cử lực lượng đến kiểm tra trực tiếp tại hiện trường, phối hợp cùng với các cơ quan chức năng của địa phương và Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tìm nguyên nhân, giải pháp khắc phục.
Sáng nay, tôi cũng đã điện thoại trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy và Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cũng như Sở Xây dựng Quảng Ninh và được biết hiện địa phương cũng đang tập hợp các ngành có liên quan xem xét và tìm ra nguyên nhân và tìm giải pháp xử lý. Hiện việc xử lý hậu quả đang được tiến hành khẩn trương, có trách nhiệm. Nguyên nhân cụ thể sẽ được Bộ Xây dựng kết luận sau khi có đánh giá cơ quan chức năng mà cụ thể là Cục Giám định các công trình xây dựng.
- Chất lượng và đảm bảo an toàn hệ thống hồ đập trong cả nước đã được cảnh báo nhưng sự cố vẫn xảy ra nhất là mỗi khi mùa mưa bão đến. Xin Bộ trưởng đánh giá về công tác quản lý hồ đập hiện nay?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Đảm bảo an toàn hồ đập là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng vì khi có sự cố về đập xảy ra thì không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho việc đầu tư mà còn gây thiệt hại về của cải, thậm chí là tính mạng cho người dân. Bởi vậy, nhiệm vụ này luôn cần phải được quan tâm từ khi đề ra tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế hồ đập.
Chúng ta phải bắt đầu từ việc nâng cao, đảm bảo chất lượng từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công công trình và cả trong quá trình giám sát. Việt Nam có gần 7.000 hồ đập nhưng những năm qua, có một số công trình có chất lượng không như mong muốn. Các sự cố thường thấy ở các công trình này là vỡ đập phụ, có cái lại vỡ trong quá trình thi công…
Bởi vậy, khi kiểm tra cần phải chỉ ra thật rõ ràng trách nhiệm trong từng khâu. Có sự cố xảy ra thì thuộc về thi công, cũng có nguyên nhân là do thiết kế hoặc do vận hành kém... Việc tập trung, chấn chỉnh để tăng cường quản lý hồ đập là cần thiết và phải làm thường xuyên để đảm bảo an toàn và hạn chế các sự cố có thể xảy ra.
Trước sự việc nêu trên, thực hiện chức năng thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, ngay trong ngày 31/10, Bộ Xây dựng đã có công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức kiểm tra, xác định nguyên nhân vỡ đập, trong đó tập trung vào chất lượng đập và vận hành các cửa van trong quá trình xả lũ.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với chức năng quản lý nhà nước về hồ đập thủy lợi chỉ đạo kiểm tra, rà soát các hồ đập thủy lợi trên cả nước, tập trung vào các hồ đập có khiếm khuyết về chất lượng, các hồ đập phải hạ mực nước hồ chứa dưới mực nước thiết kế và các hồ đập không đảm bảo khả năng xả lũ theo quy định.
- Xin cám ơn Bộ trưởng./.