Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm rõ vai trò của cán bộ thú y cấp xã

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/10, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và ATTP (Lifsap) tổ chức hội nghị phổ biến, triển khai Luật Thú y và góp ý Dự thảo Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Thú y cho các tỉnh phía Bắc.

Làm rõ vai trò của cán bộ thú y cấp xã - Ảnh 1
Luật Thú y được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 19/6/2015 tại kỳ họp thứ 9, gồm 7 chương, 116 điều, sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2016. Luật được xây dựng trên cơ sở tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm từ việc thực thi Pháp lệnh Thú y năm 2004, cũng như cập nhật nhiều quy định mới của Luật Thú y thế giới và các nước trong khu vực. Luật Thú y có nhiều quy định cụ thể, sát với thực tế và có tính khả thi cao nên khi có hiệu lực sẽ là công cụ để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về thú y.

Dự thảo Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Thú y được các đại biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị gồm 3 chương, 19 điều, tập trung vào các nội dung quy định của Luật Thú y. Nội dung chính được các đại biểu tập trung thảo luận là Điều 4 về tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với nhân viên thú y ở xã, phường, thị trấn. 

Theo các đại biểu, cần làm rõ vai trò, vị trí của cán bộ thú y xã, bởi hiện nay ngoài công việc chuyên môn cán bộ xã còn phải kiêm nhiệm nhiều đầu việc trong sản xuất nông nghiệp. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả trong công tác phòng chống dịch ở địa phương. 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, việc phổ biến, giới thiệu nội dung Luật Thú y cũng như các văn bản hướng dẫn thực hiện nhằm giúp các tổ chức, cá nhân hiểu rõ trách nhiệm trong việc phòng, chống dịch bệnh trên động vật và các hoạt động liên quan trong lĩnh vực thú y.