Đây cũng là loại hình vận tải được khuyến khích, nhằm hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông. Cũng bởi vậy, việc Thông tư số 197/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, vẫn buộc xe buýt phải đóng phí bảo trì đường bộ đang gây xôn xao dư luận trong những ngày gần đây.
Vòng luẩn quẩn
Điều 3 của Thông tư số 197/TT-BTC quy định rõ các trường hợp miễn phí sử dụng đường bộ gồm: Xe cứu thương; Xe cứu hoả; Xe chuyên dùng phục vụ tang lễ; Xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh.
Hành khách lên xe buýt số 12 tuyến Chùa Bộc - Thái Hà. Ảnh: Thanh Hải
Như vậy, xe buýt không nằm trong đối tượng được miễn phí sử dụng đường bộ. Trong khi đó, vai trò của xe buýt là phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, góp phần hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, giảm ùn tắc và TNGT. Mới đây, Đề án Phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt giai đoạn 2012 - 2020 đã được Chính phủ phê duyệt đã tạo cơ hội để "định vị" lại vai trò của xe buýt ở các đô thị và nêu rõ các chính sách hỗ trợ, ưu tiên để phát triển xe buýt. Bởi xe buýt đã và đang đáp ứng nhu cầu đi lại của học sinh, sinh viên, người lao động, đồng thời thực hiện chức năng kết nối với các loại hình vận tải hành khách khác và các nhà ga, bến xe. Nếu phải đóng phí sử dụng đường bộ sẽ làm khó cho các đơn vị vận tải buýt.
Đơn cử, tại Hà Nội, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đang có khoảng 1.500 xe buýt, nếu tính thấp nhất 1 triệu đồng/xe, thì mỗi năm mất tới hàng chục tỷ đồng. Tại TP Hồ Chí Minh, với 2.000 đầu xe buýt đang hoạt động, số tiền phải đóng phí lớn hơn. Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe buýt là cách tính luẩn quẩn. Bởi tiền ngân sách hỗ trợ cho xe buýt hoạt động và xe buýt lại nộp phí sử dụng đường bộ cũng nộp được lại vào ngân sách? và cái sự luẩn quẩn này xem ra đã làm rối một chuyện vốn đơn giản.
Ông Nguyễn Trọng Thông, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) khẳng định, việc phải nộp phí sẽ khiến chi phí hoạt động của xe buýt tăng lên đáng kể và ảnh hưởng trực tiếp tới giá vé. Về câu hỏi liệu giá vé xe buýt có tăng khi chi phí tăng lên, ông Thông cho biết: "Giá vé có tăng hay không còn phụ thuộc vào việc trợ giá của ngân sách TP".
Nên bỏ thu phí?
Với trách nhiệm là cơ quan quản lý Nhà nước về xe buýt tại Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành GTĐT - (Sở GTVT) Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, việc xe buýt phải đóng phí bảo trì đường bộ là chủ trương của Chính phủ và Bộ GTVT nên phải chấp hành. Tuy nhiên, định kỳ hàng năm, sau khi cân đối UBND TP Hà Nội sẽ cấp bù cho các DN vận tải xe buýt. Vì vậy, số tiền trợ giá cho xe buýt cũng sẽ tăng. Sau một thời gian thực hiện, Sở GTVT Hà Nội sẽ có tổng hợp báo cáo cũng như đề xuất việc miễn giảm phí cho xe buýt. "Trước đây, các doanh nghiệp buýt vẫn phải thuê đất để xây dựng trạm bảo dưỡng, sửa chữa, bãi đỗ xe. Sau khi có báo cáo, đề xuất của các DN, Chính phủ đã có Quyết định số 55/2012/QĐ-TTg miễn tiền thuê đất cho doanh nghiệp VTHKCC bằng xe buýt tại mọi địa bàn để xây dựng trạm bảo dưỡng, sửa chữa, bãi đỗ xe" - ông Hải nói.
Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, xe buýt hiện nay có hai loại là trợ giá và không trợ giá. Đối với các tuyến xe buýt có trợ giá (buýt nội đô), phải nộp phí sử dụng đường bộ thì chỉ là hình thức để nguồn vốn ngân sách được xoay vòng. "Quỹ Bảo trì đường bộ là ngân sách, nguồn thu vào sẽ được gửi 35% về cho các địa phương. Do đó, Nhà nước sẽ thu xếp vốn bù vào để trợ giá, thậm chí có thể từ Quỹ Bảo trì chuyển sang. Trợ giá xe buýt cũng là ngân sách địa phương nên bản chất thực ra cũng chỉ là một" - ông Liên phân tích.
Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, việc bắt buộc xe buýt đóng “thuế đường" để lấy tiền nộp ngân sách, sau đó, ngân sách Nhà nước trích lại để trợ giá xe buýt xem ra không khác gì việc lấy tiền từ túi phải bỏ sang túi trái. Đó là chưa kể những phức tạp sẽ nảy sinh trong quá trình này và đơn giản nhất là nên đưa xe buýt vào danh mục được miễn loại phí này.
Theo Vụ Vận tải - Bộ GTVT, cả nước hiện có 54/63 tỉnh, TP có xe buýt, với trên 600 tuyến xe buýt và hơn 8.000 đầu xe hoạt động. Riêng tại Hà Nội, năm 2012 đã có 416 triệu lượt khách đi lại bằng xe buýt. Để khuyến khích người dân đi xe buýt, giá vé xe buýt hiện đang ở mức thấp và hàng năm Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều phải bù lỗ từ ngân sách cho xe buýt hàng trăm tỷ đồng. |