Làm sạch hồ Hà Nội và những trăn trở, lo âu

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, việc sử dụng chế phẩm Redoxy - 3C để xử lý ô nhiễm nước hồ tại Hà Nội đã cho kết quả khả quan.

Tuy nhiên, việc bảo vệ lâu dài môi trường thủy sinh trong lành, khoẻ mạnh của hồ lại là một vấn đề khiến các cấp, ngành của TP còn những trăn trở, lo âu.
Chế phẩm Redoxy - 3C phát huy tác dụng
 Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Phan Hoài Minh cho biết, xác định rõ hồ là một trong những tài sản quý của Thủ đô, UBND TP Hà Nội đã trực tiếp chỉ đạo sát sao công tác xử lý ô nhiễm. Chế phẩm Redoxy - 3C được sản xuất theo công nghệ Đức, độc quyền cho TP, thử nghiệm từ tháng 8 - 10/2016, qua nhiều bước phân tích, đánh giá chéo tại nhiều phòng thí nghiệm đã cho kết quả rất tốt. Ông Minh cho hay: “Redoxy - 3C có khá nhiều ưu điểm. Cụ thể, thời gian cho phản ứng tích cực chỉ mất khoảng 24 tiếng, thay vì 15 - 20 ngày như các chế phẩm khác”. Ngoài ra, với Redoxy - 3C chỉ cần rải một lần để xử lý nước bị ô nhiễm; với hồ trong trạng thái bình thường chỉ cần rải trung bình 6 - 9 tháng/lần để duy trì vệ sinh. Đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết thêm, chế phẩm dạng hạt này rất dễ sử dụng, quá trình rải cũng giảm tối đa ảnh hưởng độc hại đến công nhân; chi phí sản xuất Redoxy - 3C cũng vào loại rẻ nhất trên thị trường hiện nay.

Rải chế phẩm Redoxy - 3C làm sạch nước hồ Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy. Ảnh:  Ngọc Hải

Với Redoxy - 3C, trong vài tháng qua, 66 hồ trong nội thành Hà Nội đã được xử lý ô nhiễm thành công, nước trong trở lại, hết mùi hôi thối. Đặc biệt, GS.TS Trịnh Thị Thanh - nguyên Chủ nhiệm khoa Sinh học, Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội nhận định: “Redoxy - 3C đã hạn chế được tối đa tình trạng ô nhiễm hữu cơ, phú dưỡng mà lại không ảnh hưởng đến môi trường, thành phần hệ thủy sinh của hồ”. Ông Phan Hoài Minh cho biết thêm, trong quý IV/2016, Công ty sẽ tiếp tục sử dụng Redoxy - 3C làm sạch thêm 18 hồ trong khu vực nội thành, đồng thời triển khai dần việc xử lý ô nhiễm cho các hồ khu vực ngoại thành.
Gian nan bảo vệ hồ
Hồi sinh được các hồ đã là một quá trình vất vả, tốn kém, nhưng bảo vệ được môi trường hồ trong sạch, khỏe mạnh còn khó hơn rất nhiều. Ông Bùi Văn Hải (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Sau khi xử lý ô nhiễm, Công ty Thoát nước vẫn duy trì lực lượng tua vớt rác hàng ngày. Nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức người dân. Không phải ai cũng làm được một việc tưởng chừng rất nhỏ là bỏ rác vào thùng thay vì ném xuống hồ”. Theo đánh giá của giới chuyên gia, hồ Hà Nội ô nhiễm vì 3 nguyên nhân chính: xả thải nước sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh trực tiếp xuống hồ; xả rác tùy tiện xuống hồ và thiếu sự chăm sóc thường xuyên, khoa học, bài bản.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, đầu tư mạnh mẽ của UBND TP Hà Nội và những nỗ lực liên tục của các ngành chức năng, việc chăm sóc sức khỏe hồ một cách thường xuyên đã không còn là vấn đề đáng lo ngại nữa. Tuy nhiên, hiện rất nhiều hồ của Hà Nội, đặc biệt là khu vực nội thành, tình trạng xả thải, xả rác trực tiếp xuống hồ vẫn còn khá phổ biến. Ngay những hồ lớn, mang nhiều ý nghĩa lịch sử, tâm linh như Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm... cũng không phải ngoại lệ. Thậm chí những hồ càng có lợi thế về du lịch, tâm linh lại càng chịu nhiều ảnh hưởng từ các hoạt động kinh doanh dịch vụ. Hiện tượng cá chết trên các hồ: Hoàng Cầu, Hồ Tây, Linh Đàm... thời gian qua là bài học đắt giá cho việc quản lý môi trường hồ. Về lâu dài, cơ quan chức năng cần có các biện pháp quyết liệt hơn nữa, giải quyết triệt để tình trạng xả thải trực tiếp xuống hồ. Người dân cũng cần có ý thức giữ gìn bảo vệ, không xả rác bừa bãi xuống hồ vì môi trường sống của chính mình và của cả Thủ đô.
Hà Nội hiện có 252/270 hồ bị ô nhiễm ở nhiều mức độ khác nhau. Trong đó, khu vực nội thành có 112/120; ngoại thành có 140/150 hồ cần xử lý. Dự kiến, hết năm nay, toàn bộ các hồ ô nhiễm trong nội thành sẽ được làm sạch, ngoại trừ các hồ đang thực hiện cải tạo, xây dựng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần