Thách thức với môi trường sống
Biến đổi khí hậu là vấn đề “nóng” đang gây ra nhiều thách thức đối với toàn nhân loại. Nhưng quá trình đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa đã khiến những thách thức này càng trở nên lớn hơn; bởi quá trình này gắn liền với việc sản xuất các loại VLXD phục vụ cho đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng. Trong khi các nhà nghiên cứu môi trường đã chỉ ra rằng, khoảng 15 năm trở lại đây, những công trình xây dựng đã làm tăng thêm 20% hiệu ứng nhà kính toàn cầu (chỉ kém ngành giao thông – vận tải với chỉ số là 23%).
Đáng chú ý, chỉ xét riêng trong lĩnh vực xây dựng thì các công trình nhà ở chịu trách nhiệm về khoảng 2/3 khí thải nhà kính được tạo ra. Trong đó, 80% năng lượng tiêu hao đến từ việc sử dụng nước nóng cũng như việc sưởi ấm hay làm mát ngôi nhà. Bên cạnh đó, còn có những yếu tố “giấu mặt” làm tăng thêm hiệu ứng khí thải nhà kính: năng lượng cần thiết cho việc sản xuất các loại VLXD; các khí thải ra trong quá trình xây dựng, vận chuyển VLXD từ nơi này đến nơi khác; các khí thải từ việc sưởi ấm hay làm mát ngôi nhà với hiệu ứng nhà kính cao hơn khí CO2 từ 1.000 – 8.000 lần...
Theo Phó Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) Lê Văn Kế, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26) Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2025. Phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thân thiện với môi trường là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời cũng là nội dung thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam.
“Trong lĩnh vực phát triển VLXD, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách liên quan đến phát triển ngành VLXD. Trong các chính sách đó, mục tiêu phát triển bền vững, phát triển xanh, bảo vệ môi trường trong sản xuất VLXD luôn là một nội dung quan trọng” - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng Lê Văn Kế cho hay.
Khuyến khích đa dạng loại hình sản phẩm
Phó Giám đốc Trung tâm thiết bị, môi trường và an toàn lao động (Viện VLXD) KS Lê Cao Chiến cho biết, hiện nay Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển ngành VLXD xanh nhờ vào nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú, tiềm năng tái chế và nhu cầu tăng cao từ xu hướng toàn cầu. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả các cơ hội này, cần có sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng, chính sách hỗ trợ và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về lợi ích của VLXD xanh.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong việc áp dụng VLXD xanh, như: chi phí đầu tư ban đầu cao; thiếu các tiêu chuẩn, quy định cụ thể; sự hạn chế về nguồn cung hay sản phẩm mới ở trong nước... Vì vậy, để thúc đẩy việc sử dụng VLXD xanh trong xây dựng, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn, xây dựng; chính sách hỗ trợ và khuyến khích sử dụng vật liệu tái chế, tái tạo...
“Với sự phát triển của công nghệ sinh học và vật liệu thông minh, tương lai của ngành xây dựng xanh sẽ ngày càng phát triển. Việc sử dụng các vật liệu phân hủy sinh học, cùng với tích hợp công nghệ tiên tiến như kính thông minh và hệ thống năng lượng tái tạo, sẽ giúp giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường, đồng thời tạo ra những công trình hiệu quả, bền vững hơn” - KS Lê Cao Chiến nói.
Ở khía cạnh khác, PGS.TS Nguyễn Hoàng Giang - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, việc tái chế chất thải rắn xây dựng (CTRXD) để sản xuất VLXD khi nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt là vấn đề cấp thiết hiện nay.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 491/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, yêu cầu ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm tái sử dụng (Reuse) và tái chế (Recycle) CTR; Chỉ thị số 41/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý CTR yêu cầu các TP trực thuộc T.Ư phải xử lý CTR và giảm chôn lấp xuống dưới 20%, trong khi các tỉnh còn lại giảm xuống dưới 25% tính đến năm 2025.
Vì vậy, việc nghiên cứu công nghệ tái chế CTRXD làm VLXD với mục tiêu là đưa ra cơ chế quản lý phù hợp, từ đó đề xuất phương án quản lý và có công nghệ phù hợp để các DN tham gia tiếp nhận công nghệ và kết quả cuối cùng là đáp ứng các điều kiện để sử dụng công nghệ trong thực tế.
“Vấn đề quan trọng nhất hiện này là xây dựng chính sách quản lý CTRXD, đặc biệt là tiêu chuẩn Việt Nam cho vật liệu tái chế và ứng dụng, chỉ dẫn kỹ thuật cho việc phá dỡ, thu gom CTRXD và công nghệ hiện đại đem lại “giá trị gia tăng” trong quá trình sử dụng và chuyển giao cho DN một cách phù hợp” - PGS.TS Nguyễn Hoàng Giang nêu quan điểm.